Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam và Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng Tài Vụ...

Việt Nam và Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng Tài Vụ kiện Biển Đông

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc đã ra phán quyết với phần thắng lợi lớn của Philippines, bác bỏ hoàn toàn các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò’ hay còn gọi là ‘đường chữ U’ hay ‘đường chín đoạn”; đồng thời phán quyết chỉ ra các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không đáp ứng tiêu chí của một đảo theo Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nên không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải.

Việt Nam là nước ven Biển Đông liên quan trực tiếp đến các nội dung của phán quyết. Có thể thấy những nội dung của phán quyết 12/7/2016 là có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền lợi hợp pháp của mình ở Biển Đông. Trước hết, việc phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” sẽ là cơ sở để Việt Nam đấu tranh với các vi phạm của Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tính từ bờ biển đất liền Việt Nam căn cứ theo UNCLOS 1982.

Chúng ta đều biết, Trung Quốc luôn gây sức ép buộc Việt Nam “cùng khai thác” trên thềm lục địa Việt Nam trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, thậm chí chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý. Trong những trường hợp này thì phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài sẽ là một án lệ để Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc, kể cả khởi kiện Trung Quốc nếu họ có các hành động gây hấn trên thực địa.

Trong 3 năm qua kể từ khi ra đời 12/7/2016, phán quyết chưa được thực thi do Trung Quốc phản đối và không có cơ chế để bắt buộc các bên liên quan thực thi nội dung phán quyết. Philippines hiểu rõ điều này nên sau khi thắng kiện cũng tạm thời chưa đề cập nhiều đến phán quyết để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhưng do Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Philippines trên vấn đề Biển Đông, tiếp tục xâm phạm các quyền lợi biển hợp pháp của Philippines, gần đây Philippines nhiều lần đề cập đến phán quyết 12/7/2016, kể cả ở cấp cao và Hội nghị Luật biển của Liên hợp quốc. Mỹ và nhiều nước cũng tăng cường tự do hàng hải ở Biển Đông để thúc đẩy việc thực thi phán quyết. Việt Nam nên tranh thủ cơ hội này để tuyên truyền vận động các nước thúc đẩy xây dựng một trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp với những nội dung theo phán quyết 12/7/2019 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Việt Nam không phải bên tham gia vụ kiện (mặc dù có cử người đến tham dự với tư cách quan sát viên) nên phán quyết không có giá trị ràng buộc pháp lý với Việt Nam. Tuy nhiên, Phán quyết có một số nội dung có lợi cho Việt Nam nên Việt Nam cần công khai hoan nghênh pháp quyết, khẳng định đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; những nội dung trong phán quyết sẽ là những lập luận có giá trị cho Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc.

Năm 2013, khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Việt Nam hoàn toàn có thể đệ đơn tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba có lợi ích bị ảnh hưởng. Thật đáng tiếc Việt Nam đã không tham gia vào vụ kiện với tư cách bên thứ ba mà chỉ gửi một Tuyên bố đến Tòa Trọng tài vào tháng 12/2014 (Tuyên bố được đăng trên trang mạng của Tòa Trọng tài) và sau đó cử người tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên.

Công bằng mà nói thì Tuyên bố đó của Việt Nam đã giúp Tòa Trọng tài có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Philippines và sau đó ra được phán quyết ngày 12/7/2016. Trong Tuyên bố của mình Việt Nam ủng hộ việc Tòa Trọng tài có thẩm quyền, đồng thời nêu rõ các quan điểm và bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp pháp lý khi cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của mình ở Biển Đông. Việc Hà Nội không tham gia vào vụ kiện có thể hiểu do họ đang có những kế hoạch riêng, nhưng nếu Hà Nội quyết đoán, tranh thủ cùng tham gia vụ kiện sẽ có những lợi thế hơn trong việc xử lý tranh chấp biển với Trung Quốc như sau:

Một là, nếu tham gia vào vụ kiện thì phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài sẽ ràng buộc Việt Nam; những nội dung trong phán quyết (như bác bỏ “đường lưỡi bò” hay khẳng định các cấu trúc ở Trường Sa không đủ tiêu chuẩn của một đảo…) có ý nghĩa với Việt Nam mà không phải đương đầu để kiện Trung Quốc.

Hai là, nếu tham gia vào vụ kiện, Hà Nội hoàn toàn có thể nêu thêm những nội dung liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Nếu là một bên tham gia vụ kiện, Tòa Trọng tài hoàn toàn có thể ra phán quyết khu vực Bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc”) hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực này là bất hợp pháp. Tòa cũng có thể ra phán quyết bác bỏ 9 lô dầu khí Trung Quốc đã mời thầu trái phép trên thềm lục địa Việt Nam hay lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam (cắt cáp các tàu khảo sát của Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt nam; lên án việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014…)

Ba là, liên quan đến Hoàng Sa. Từ năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và triển khai nhiều hoạt động bất hợp pháp ở Hoàng Sa. Trung Quốc còn ngang nhiên vạch đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa rồi từ đó yêu sách vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa cho Hoàng Sa và coi đó là khu vực tranh chấp. Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 không có thẩm quyền xem xét vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng có thể ra phán quyết về những vấn đề liên quan đến áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đối với các cấu trúc thuộc Hoàng Sa. Nếu Hà Nội tham gia vào vụ kiện Biển Đông của Philippines thì Hà Nội hoàn toàn có thể đề nghị Tòa Trọng tài ra phán quyết về những vấn đề này. Cụ thể là Tòa có thể ra phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc vạch đường cơ sở thẳng đối với quần đảo Hoàng Sa hay Tòa có thể phán quyết các cấu trúc thuộc Hoàng Sa không đủ điều kiện để coi là đảo, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng, chỉ có thể được hưởng tối đa lãnh hải 12 hải lý.

Tóm lại, nếu Việt Nam tham gia vào vụ kiện Biển Đông của Philippines thì hoàn toàn có thể dùng pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển mà không cần đứng ra khởi kiện Trung Quốc.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn còn nguyên quyền khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông bởi lẽ trong Tuyên bố gửi Tòa Trọng tài tháng 12/2014, Hà Nội đã bảo lưu quyền sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình. Thời gian qua, Hà Nội luôn tiếp tục khẳng định sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích bằng biện pháp hòa bình, bao gồm cả biện pháp pháp lý phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Kết quả vụ kiện Biển Đông của Philippines với phán quyết 12/7/2016 sẽ là một án lệ để nhiều nước có thể vận dụng trong việc giải quyết các tranh chấp, trong đó Việt Nam là nước cần sớm nghiên cứu áp dụng đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, kể cả khởi kiện Trung Quốc. Vấn đề là Hà Nội phải chủ động tích cực chuẩn bị cho công tác này. Với suy nghĩ của một người sống ở Châu Âu, có chút am hiểu về luật pháp và hiểu biết về âm mưu thâm độc của Bắc Kinh, tôi tin rằng nếu Hà Nội thực sự muốn bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông thì sớm hay muộn Hà Nội cũng phải dùng pháp lý để kiện Trung Quốc. Hãy noi tấm gương sáng của Philippines trong việc sử dụng pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hãy dũng cảm để vạch mặt những kẻ tham lam ở Bắc Kinh.

Nhân dịp kỷ niệm 3 năm phán quyết của Tòa Trọng tài, xin nêu một số suy nghĩ đóng góp với nhà chức trách Hà Nội.

RELATED ARTICLES

Tin mới