Truyền thông quốc tế trích dẫn lời Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, có nguồn tin cho rằng quân đội Philippines (AFP) có thể tiến hành đảo chính quân sự để loại bỏ Tổng thống Rodrigo Duterte khỏi quyền lực.
Theo đó, Tổng thống Duterte có thể tuyên bố thiết quân luật hoặc tuyên bố lập chính phủ cách mạng và ông Duterte có thể sử dụng quyền khẩn cấp để xử lý các vấn đề của đất nước, nhưng quân đội có thể sớm bị thất vọng nếu tình hình càng trầm trọng hơn. Ông Panelo cho rằng “đó là một cảnh báo rõ ràng gởi đến mọi người… Nếu quân đội càng giận dữ, họ có thể tổ chức đảo chính… Tổng thống có thông tin đáng tin cậy (về việc này). Chắc chắn bất kỳ âm mưu đảo chính nào chống lại Tổng thống sẽ thất bại. Họ sẽ không có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân vốn rất tích cực ủng hộ Tổng thống và chính phủ của ngài”.
Trong khi đó, Người phát ngôn của AFP Edgar Arevalo cho biết: “Quân đội sẽ trung thành với cờ tổ quốc, Hiến pháp và nhân dân Philippines”, đồng thời bác bỏ việc ông Duterte đề cập khả năng quân đội đảo chính. AFP cũng tuyên bố “là người lính chuyên nghiệp, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống của chúng ta, không quên lời thề phục vụ nhân dân Philippines. Tổng thống ủng hộ quân đội, nên chúng tôi không có lý do gì để nổi loạn”.
Thông tin trên xuất phát từ việc Tổng thống Duterte (8/7) kêu gọi lãnh đạo Hạ viện Philippines phục hồi Hiến pháp để bảo vệ ngôi lãnh đạo của ông khỏi tay quân đội Philippines. Theo kênh CNN ở Philippines, trong diễn văn, ông Duterte nói nếu các chính khách “muốn thay đổi Hiến pháp thì hãy làm ngay từ bây giờ. Tôi vẫn còn đây… vì quân đội đang giận dữ”. Có thông tin ông Duterte lo sợ AFP sẽ dựa vào vai trò lực lượng bảo vệ nhân dân (có ghi trong Hiến pháp Philippines) để buộc ông rời khỏi quyền lực, khi đất nước Đông Nam Á này gặp nhiều vấn đề như quan chức tham nhũng, cuộc chiến bạo lực chống ma túy và nạn khủng bố.
Trước đây, Tổng thống Duterte đã nhiều lần đề cập đến vấn đề đảo chính và thách thức AFP tiến hành đảo chính quân sự. Hồi tháng 9/2018, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thách thức quân đội thử lật đổ ông, trong lúc xuất hiện nghi ngờ về việc phe đối lập đang tìm cách tiếm quyền Tổng thống. Theo Nikkei Asian Review, quân đội Philippines, vốn có một lịch sử về việc ảnh hưởng đến chính trường, đã phủ nhận các cáo buộc về âm mưu lật đổ tổng thống. Dù vậy, các nghi ngờ về kế hoạch của phe đối lập nhằm phế truất tổng thống vẫn râm ran trong lúc dư luận phản ứng lại việc tổng thống ra lệnh bắt giữ Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, một trong những người chỉ trích ông Duterte mạnh mẽ nhất. Trong khi đó, Tướng Carlito Galvez, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, khẳng định rằng không có âm mưu nổi dậy nào. Ông Galvez nói quân đội luôn trung thành với hiến pháp và tuân lệnh tổng tư lệnh.
Kể từ năm 1986, quân đội Philippines đã là một thế lực chính trị quan trọng, góp phần lật đổ ít nhất 2 tổng thống. Vào năm 1986, cuộc cách mạng của người dân lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos cũng được khởi động khi bộ trưởng Quốc phòng và Phó Tham mưu trưởng quân đội rút lại sự ủng hộ với Tổng thống. Sự từ chối ủng hộ của quân đội cũng đóng vai trò chủ yếu trong quyết định từ chức của cựu tổng thống Joseph Estrada vào năm 2001, giữa lúc ông đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Trong năm 2003, âm mưu đảo chính của một nhóm binh lính Philippines đã thất bại sau khi Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo tuyên bố phe nổi loạn đã từ bỏ việc chiếm đóng một tòa nhà thương mại ở thủ đô Manila và quay trở lại doanh trại của mình sau cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ với các quan chức chính phủ. Theo Tổng thống Aroyo, những người tham gia cuộc nổi loạn này sẽ bị truy tố theo “luật thời chiến”. Vụ việc xảy ra sau khi Tổng thống Arroyo ra lệnh tầm nã các sĩ quan cấp thấp mang theo vũ khí bỏ trốn và cho rằng những người này dự tính thực hiện một cuộc đảo chính.