Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, chính sách và quá trình hiện đại hóa lực lượng...

Chủ trương, chính sách và quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân của Nhật Bản hiện nay có thể khiến TQ bất an và tìm cách đối phó

Những năm gần đây, Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe và Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đẩy mạnh quá trình sửa đổi Hiến pháp, trong đó tăng cường hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm gia tăng sức mạnh và vai trò đối với thế giới. Điều này chắc chắn sẽ khiến TQ bất an và tìm cách đối phó.

Thứ nhất, thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp theo hướng mở rộng ảnh hưởng và vai trò của Nhật Bản ra nước ngoài

Lộ trình sửa đổi Hiến pháp để có hiệu lực vào năm 2020 được Thủ tướng Abe lần đầu tiên đưa ra vào năm 2017. Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản là một điều khoản trong Hiến pháp Nhật Bản không cho phép sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến Nhật Bản. Hiến pháp có hiệu lực vào ngày 3/5/1947, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nội dung của Điều 9 là lời tuyên bố từ bỏ quyền tham chiến của một quốc gia có chủ quyền với mục tiêu là một nền hòa bình cho thế giới dựa trên công lý và trật tự. Điều khoản này cũng đề cập rằng, để hoàn thành mục tiêu đó, Nhật Bản sẽ không duy trì quân đội có khả năng gây chiến. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn duy trì một lực lượng quân đội trên thực tế, được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Vào tháng 7/2014, thay vì sử dụng Điều 96 Hiến pháp Nhật Bản để sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ Nhật đã chuẩn thuận một cách diễn dịch mới để trao thêm quyền hạn cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho phép lực lượng này có thể bảo vệ các đồng minh trong trường hợp họ bị tuyên chiến, bất chấp sự lo ngại và phản đối của Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên, trong khi Mỹ ủng hộ quyết định này. Một số đảng phái chính trị và người dân Nhật Bản xem quyết định này là không hợp pháp, do Thủ tướng đã can thiệp vào quá trình sửa đổi Hiến pháp. Tháng 9/2015, Quốc hội Nhật Bản chính thức công nhận sự diễn dịch mới này với việc thông qua hàng loạt luật cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản viện trợ trang thiết bị cho các đồng minh trong các chiến trường quốc tế. Lời giải thích cho sự thay đổi này là việc không bảo vệ và ủng hộ đồng minh sẽ dẫn đến suy yếu sự liên minh và làm nguy hại đến nước Nhật Bản.

Trong bối cảnh Nhật Bản vừa bắt đầu một thời đại mới với niên hiệu Lệnh Hòa từ ngày 1/5/2019, Thủ tướng Abe cũng kêu gọi các đảng phái chính trị tại Nhật Bản đã đến lúc cần thẳng thắn tranh luận để đưa ra cách thức xây dựng đất nước trong thời đại mới. Thủ tướng Abe kêu gọi “cần phải chuẩn bị môi trường để tất cả binh sĩ trong lực lượng phòng vệ có thể hoàn thành nhiệm vụ với lòng tự hào, quyết tâm đi đầu và thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Thứ hai, tăng cường nâng cấp, trang bị mới các phương tiện hiện đại, vũ khí mới cho lực lượng hải quân

(1) Nâng cấp tàu sân bay trực thăng Izumo. Tháng 11/2018, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mua thêm 100 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Một trong số các mẫu “chim sắt” trong đơn hàng là chiếc F-35B với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp cho các hoạt động tác chiến trên biển. Để có thể vận hành các máy bay này, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã quyết định sẽ nâng cấp tàu sân bay trực thăng Izumo 27.000 tấn trở thành tàu sân bay có thể mang được máy bay chiến đấu. Tàu Izumo có chiều dài 248m và có thể mang được 14 trực thăng. Theo Guardian, Tokyo sẽ nâng cấp 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo trở thành tàu sân bay có khả năng vận hành được máy bay chiến đấu nói chung và F-35B nói riêng. Theo Sputnik, sau thương vụ F-35B, số máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nhật Bản sẽ tăng từ 42 lên 142 chiếc. Tokyo hiện đang trong quá trình hiện đại hóa gần một nửa phi đội F-15 vốn đã lỗi thời.

(2) Ngày 18/3/2019, Hải quân Nhật Bản chính thức làm lễ tiếp nhận tàu ngầm tấn công diesel-điện trang bị động cơ đẩy độc lập với không khi (động cơ AIP) mang tên Shoryu (Soaring Dragon trong tiếng Anh). Tàu ngầm Shoryu mang số hiệu SS-510 là chiếc thứ 10 thuộc lớp Soryu, đây là thế hệ tàu ngầm lớn và tối tân nhất từng được ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản chế tạo. Theo dự kiến, hai tập đoàn công nghiệp nặng của nước này là Mitsubishi và Kawasaki sẽ chế tạo tổng cộng 15 tàu ngầm lớp Soryu để trang bị cho Hải quân Nhật Bản. Ngoài chiếc Shoryu vừa vào biên chế thì còn 3 tàu ngầm lớp Soryu khác đang trong quá trình thi công đóng mới, có một tàu đã hạ thủy và dự kiến sẽ chính thức phục vụ từ năm 2020. Các tàu ngầm lớp Soryu có chiều dài 84 m; chiều rộng 9,1 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.900 tấn và lên tới 4.200 tấn khi mang đầy tải, thủy thủ đoàn 65 người (9 sĩ quan chỉ huy). Vũ khí của tàu lớp Soryu gồm 6 ống phóng HU-606 cỡ 533 mm tương thích ngư lôi hạng nặng Type 89 có tầm bắn 50 km nếu chạy ở vận tốc 74 km/h hoặc 39 km khi tăng tốc lên 102 km/h, độ sâu tối đa 900 m. Tàu ngầm do Nhật Bản chế tạo được đánh giá rất cao ở độ yên lặng khi hoạt động, được trang bị khí tài điện tử tinh vi cùng dàn vũ khí vô cùng uy lực. Hiện tại quy mô hạm đội tàu ngầm của Hải quân Nhật Bản gồm có 21 chiếc, ngoài 10 tàu lớp Soryu thì còn 11 chiếc khác thuộc lớp Oyashio cũ hơn vẫn đang hoạt động. Như vậy chỉ sau một thời gian ngắn tập trung đầu tư cho hải quân, số lượng tàu ngầm tấn công của Nhật Bản đã tăng từ 16 lên tới 21 chiếc, con số này sẽ còn gia tăng trong tương lai.

(3) Ngày 17/7/2019, Nhật Bản đã hạ thủy tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis mới nhất của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Yokohama, phía Tây Nam thủ đô Tokyo. Tàu khu trục này có tên gọi là “Haguro”, do Tập đoàn Hàng hải thống nhất Nhật Bản (JMU) đóng. Tàu trị giá khoảng 173,4 tỷ yên (1,6 tỷ USD) và dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng tháng 3/2021. Khi tàu Haguro đi vào hoạt động, Nhật Bản sẽ có 8 tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trong số 8 tàu này có tàu khu trục Maya, cùng loại với tàu Haguro, sẽ được đưa vào vận hành vào tháng 3/2020. Tàu Haguro nặng 8.200 tấn, dài 170 m và phần rộng nhất đo được là 21 m, được tích hợp hệ thống phối hợp tác chiến (CEC) có khả năng xác định vị trí của tên lửa, máy bay và chia sẻ thông tin với các lực lượng Mỹ và đồng minh. Aegis là hệ thống phòng thủ tên lửa do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán 2 hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore cho Nhật Bản với tổng giá trị lên tới 2,15 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ triển khai 2 hệ thống Aegis Ashore tại tỉnh Akita và Yamaguchi từ năm tài khóa 2023.

(4) Hiện Nhật Bản sở hữu hạm đội 114 chiến hạm gồm tàu khu trục đa năng, tàu ngầm tấn công diesel/điện, tàu đổ bộ cỡ lớn cùng 45.800 binh sĩ chuyên nghiệp. Thành phần chính của JMSDF là hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ vệ, nhiều hơn cả Anh và Pháp cộng lại. Lực lượng này được chia thành nhiều hải đội hộ tống, có nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược, tái chiếm lãnh thổ và bảo đảm tự do hàng hải trên các tuyến đường biển. Tàu chiến mặt nước mạnh hàng đầu của Nhật là 4 khu trục hạm lớp Kongo, gồm JS Kongo, JS Kirishima, JS Myoko, JS Chokai, được phát triển từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ. Vũ khí của lớp Kongo chủ yếu phục vụ mục đích phòng thủ, với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Mark 41 nằm ở phần boong tàu trước và sau. Chúng có thể mang tên lửa phòng không SM-2MR và phiên bản đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB. Loại tên lửa này sẽ sớm được thay thế bằng mẫu Block IIA mới hơn. Bên cạnh đó là pháo chính cỡ nòng 127 mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi và hai hệ thống pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Dựa trên nền tảng Kongo, Nhật Bản tiếp tục phát triển và đóng mới hai tàu khu trục lớp Atago. Loại tàu chiến này có kích thước lớn hơn, đủ sức thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn lớp Kongo, bao gồm cả chức năng trung tâm chỉ huy trên biển. Atago là lớp tàu chiến mặt nước đầu tiên của Nhật vượt qua mức giãn nước 10.000 tấn kể từ sau Thế chiến II.

(5) Nhật Bản tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành chế tạo tàu khu trục Maya số hiệu DDG-179 tại Nhà máy đóng tàu Yokohama. Loại tàu này của Nhật Bản được xem là đối trọng với các siêu hạm khác tại Đông Á bao gồm khu trục hạm lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc hay Type 055 của Trung Quốc. Maya là chiếc khu trục hạm mới nhất thuộc phân lớp Aegis Nhật Bản, nó là bước phát triển cao cấp hơn từ lớp Atago được xây dựng dựa trên thiết kế Arleigh Burke của Mỹ. Chiếc Maya DDG-179 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 8.200 tấn và lên tới 10.300 tấn khi đầy tải; chiều dài 170 m; chiều rộng 21 m; mớn nước 6,6 m; như vậy thực chất đây chính là một tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển. Hải quân Nhật Bản dự định trong tương lai ngắn hạn sẽ tiếp nhận 2 khu trục hạm lớp Maya để bổ sung cho đội chiến hạm Aegis của mình gồm lớp Kongo và Atago. Những con tàu này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập lá chắn ngoài khơi, giúp bảo vệ an toàn lãnh thổ Nhật Bản trước cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của đối phương.

Thứ ba, tăng cường tổ chức, tham gia các hoạt động diễn tập, tập trận chung với các nước trong khu vực

(1) Từ ngày 10-12/6/2019, Nhật Bản triển khai tàu sân bay trực thăng JS Izumo cùng 2 khu trục hạm JS Murasame và JS Akebone tham gia cuộc tập trận chung với tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan ở Biển Đông. Cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa của Nhật Bản, sau đó tiến vào Thái Bình Dương.

(2) Từ ngày 5-8/5/2019, Nhật Bản gửi một trong hai tàu sân bay lớn nhất của nước này là Izumo tới tham gia tập trận chung với Mỹ, Ấn Độ và Philippines ở Biển Đông. Chỉ huy Andrew J. Klug, thuyền trưởng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ tuyên bố: “Những cam kết mang tính chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực của chúng tôi là cơ hội để xây dựng mối quan hệ bền chặt hiện tại”.

(3) Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm chung với Mỹ, Anh tại khu vực tây Thái Bình Dương từ ngày 14-17/3/2019.Thông cáo về đợt tập trận chung 3 bên chống tàu ngầm của Hạm đội 7 Mỹ cho biết: “Những đợt tập trận như thế này thể hiện quan điểm kiên định của nước ta trong khu vực. Mặt khác, giúp nâng cao năng lực phối hợp ăn ý, duy trì tính sẵn sàng và học hỏi những cách thức tác chiến hiệu quả của nhau”. Hai tàu khu trục nhỏ và Nhật Bản điều tới một tàu khu trục, một máy bay tuần thám trên biển và một tàu ngầm để tập trận chung cùng Hạm đội 7 của Mỹ trong đợt tập trận thứ 2 kiểu này, thông cáo cho biết.Cuộc tập trận chống tàu ngầm đầu tiên có sự tham gia ba bên như thế được tổ chức vào tháng 12/2018.

(4) Đội tàu hộ tống tấn công số 4 do tàu sân bay trực thăng Kaga và Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ngày 31/8/2018 đã tiến hành tập trận tại Biển Đông. Cuộc tập trận này là một phần trong chuyến đi hiếm hoi của tàu Kaga cùng hai tàu khu trục mang tên lửa Nhật Bản là Inazuma và Suzutsuki tới Biển Đông. Trong ảnh: Các tàu Mỹ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius và các tàu Nhật gồm tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma tham gia cuộc tập trận song phương ở Biển Đông. Các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Mỹ đã triển khai tập trận theo đội hình, tham gia diễn tập cung cấp hậu cần trên biển, trao đổi thông tin liên lạc hải quân và tiến hành các hoạt động phối hợp. Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết việc triển khai đội tàu tham gia tập trận cùng Mỹ phù hợp với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe.

RELATED ARTICLES

Tin mới