Chính giới Philipines đang rất quan ngại về thỏa thuận đánh cá chung ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc, trong đó Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines khuyên Tổng thống Rodrigo Duterte không nên đề cập về thỏa thuận này trong bản “Thông điệp Quốc gia” công bố vào ngày 22/7 tới.
“Thỏa thuận miệng” còn nhiều điều chưa rõ ràng về pháp lý
Dư luận bắt đầu khi Tổng thống Duterte cho biết, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí rằng người Trung Quốc sẽ không còn ngăn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Đổi lại, ngư dân Trung Quốc sẽ được phép đánh bắt cá ở bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã không ký bất kỳ tài liệu nào về thỏa thuận này vì đây chỉ là một “thỏa thuận miệng”.
Phó thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết Manila vẫn có thể thoát khỏi thỏa thuận nói trên vì đây vẫn là một thỏa thuận miệng. “Chúng ta vẫn có thể thoát khỏi thỏa thuận đó nhưng nếu tổng thống đề cập nó trong Thông điệp Quốc gia, xác nhận thỏa thuận đó, nó sẽ trở thành ràng buộc với chúng ta”, tờ Philippines Star dẫn lời ông Carpio nói với các phóng viên bên lề diễn đàn nhân kỷ niệm ba năm Tòa án The Hague ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nếu đưa vào “thông điệp quốc gia” nó có thể sẽ được pháp lý hóa
Theo ông Carpio, Philippines sẽ phải tôn trọng thỏa thuận nếu Tổng thống Duterte đưa ra tuyên bố này trong bản Thông điệp Quốc gia của mình.Trong khi Điện Malacanang khẳng định thỏa thuận miệng có tính ràng buộc về mặt pháp lý, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đây không phải là chính sách của chính phủ vì không có văn kiện nào được ký kết. “Bộ trưởng Locsin đã nói rõ đó không phải là chính sách của chính phủ nên có sự ngờ vực… Chúng ta phải yêu cầu ông ấy (Tổng thống Duterte) đừng nói điều đó”, ông Carpio nói. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, ông Carpio nhắc lại rằng việc cho người Trung Quốc đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ) là vi hiến. Trích dẫn Hiến pháp năm 1987, Phó thẩm phán Philippines nhấn mạnh “việc sử dụng và thụ hưởng” khu vực 200 hải lý chỉ dành riêng cho người Philippines. “Philippines phải từ chối thỏa thuận miệng này”, ông Carpio nói, đồng thời cảnh báo rằng đội tàu đánh cá Trung Quốc có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn cá ở toàn bộ Biển Đông.
Lo ngại về vấn đề chủ quyền và vi hiến
Giới học giả tại Philippines cho rằng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Philippines và Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông sẽ là bất hợp pháp trừ khi Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines đối với khu vực này. Cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Rong, nhưng luật pháp quốc tế nói rằng bãi này nằm trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Trung Quốc nói rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh đặt ra, trong đó tuyên bố quyền lịch sử đối với cả khu vực. Trung Quốc là nước ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng không công nhận một phán quyết của tòa án La Hague năm 2016 trong đó vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc.
Lo ngại về vấn nạn môi trường sinh thái bị tàu TQ hủy hoại
Sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Philippines và các nước. Tàu cá Trung Quốc sử dụng loại lưới mắt nhỏ càn quét, tận diệt các loài hải sản, ngay cả trong mùa sinh sản và trong khu vực bảo tồn của các nước. Nhiều tàu còn sử dụng thuốc nổ, lưới chì… khiến cho các bãi san hô bị tàn phá, gây mất cân bằng sinh thái. Nnhiều loại thủy sản quý hiếm như hải sâm, cá mập đã suy giảm nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt trộm của tàu cá Trung Quốc. Chỉ riêng hệ sinh thái rạn san hô của Philippines, thiệt hại này được ước tính ít nhất 33 tỉ peso (645 triệu USD) mỗi năm. “Giá trị được tính ra dựa trên tất cả dịch vụ chúng tôi có được từ các rạn san hô, chẳng hạn ứng dụng về thời tiết, và những lợi ích chúng tôi thừa hường từ hệ sinh thái này”, Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học đến từ Viện Khoa học biển thuộc Đại học Philippines, giải thích. Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vụ hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines cho biết số thiệt hại ước tính trên vẫn chưa bao gồm những khu vực không nhìn thấy được trong các hình ảnh vệ tinh. “Nếu chúng tôi không ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc đến vùng biển chúng tôi, họ có thể sẽ lấy sạch tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong 1 vài năm nữa. Chúng tôi không nói đùa đâu!”, Giáo sư Batongbacal cảnh báo.
Lo ngại về mức độ hung hãn khinh thường pháp luật của tàu cá TQ
Một điều đáng quan ngại nữa mà giới học giả tại Philippines nêu ra đó là nếu cho phép tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt cá ở bãi Cỏ Rong thì sẽ có thể xảy ra nhiều vụ việc nguy hiểm như vừa qua khi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 9/6. Phải nói rằng những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự gọi là “Beidou”, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trong đó, ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài. Với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia Erickson, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Với tập quán “bầy đàn” tàu cá Trung Quốc thường đi số lượng lớn, được trang bị vũ khí thường chống trả quyết liệt và liều lĩnh đối với lực lượng chức năng các nước, bất chấp nguy hiểm chết người. Điều này đã vượt ra khỏi phạm vi của hoạt động đánh cá thông thường mà có tính chất của hoạt động tội phạm nguy hiểm có tổ chức.