Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc toan tính gì khi điều tàu xâm phạm vùng biển...

Trung Quốc toan tính gì khi điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam

Trung Quốc muốn biến khu vực không có tranh chấp của Việt Nam thành tranh chấp để hiện thực hoá âm mưu “Biển Đông là ao nhà”.

Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Bà Hằng khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, có cuộc trao đổi với VnExpress về diễn biến này.

– Ông cho biết cơ sở pháp lý cho thấy vùng biển phía Nam Biển Đông, nơi Trung Quốc có hành vi vi phạm, là của Việt Nam?

– Các quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Luật biển Việt Nam năm 2012, các tiền lệ pháp, phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016 cho thấy căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Nam.

Khu vực phía Nam Biển Đông được người phát ngôn Bộ Ngoại giao đề cập gồm các bãi cạn, trong đó có Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân. Khu vực này nằm cách đường cơ sở thẳng (dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa) mà Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện trên dưới 200 hải lý.  Ngoài ra, một quốc gia còn có ranh giới ngoài thềm lục địa có thể mở rộng đến 350 hải lý, nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý.

Tại khu vực phía Nam Biển Đông này, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK. Việc đó phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa).

Việt Nam có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

– Trung Quốc có mục tiêu gì khi đưa nhóm tàu đến vùng biển phía Nam Biển Đông?

– Trung Quốc tính toán để nhằm đạt được hai mục tiêu chính. Thứ nhất, về pháp lý, họ quyết tâm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, chiếm trên 90% diện tích Biển Đông. Trung Quốc dùng lập luận ngụy biện rằng các thực thể địa lý (là những bãi ngầm) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa phía Nam Biển Đông của các nước ven Biển Đông đều là bộ phận của “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”, tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc coi các bãi cạn ở Nam Biển Đông của Việt Nam là một phần của quần đảo Nam Sa, thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Tuy nhiên, lập luận này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS và đã bị bác bỏ trong phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.

Thứ hai, Bắc Kinh thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược với Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đã lợi dụng mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để từng bước, lúc bí mật, khi công khai, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.

Từ sau năm 1988, Trung Quốc một mặt tiến hành cải tạo, xây dựng, biến một số thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm, theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Điều này đã xảy ra ở đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012 và Bãi Cỏ Mây.

Đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, Bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý, và gần đây nhất là nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

– Ông dự báo tình hình ở vùng biển phía Nam Biển Đông sắp tới như thế nào?

– Với phản ứng quyết liệt của Việt Nam và một số nước, có thể nhóm tàu Trung Quốc sẽ rút đi, với lý do là hoàn thành một đợt nghiên cứu hoặc một lý do nào đó. Nhưng chúng ta không thể chủ quan vì có thể đây chỉ là bước thăm dò cuối cùng, trước khi họ có những hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà, biến vùng không tranh chấp thành có.

Ông Trần Công Trục. Ảnh: NVCC.

Ông Trần Công Trục. Ảnh: NVCC.

– Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 cho biết Washington quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

– Tuyên bố của Mỹ rất rõ ràng và mạnh mẽ. Việc Mỹ nhanh chóng lên tiếng phản đối Trung Quốc, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố rõ ràng lập trường của Việt Nam về hành vi phạm pháp của Trung Quốc, cho thấy Mỹ hoàn toàn tán đồng và ủng hộ Việt Nam, quan ngại về các hoạt động nhằm tranh giành vị trí siêu cường của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi tin rằng các nước khác cũng sẽ ủng hộ Việt Nam, vì chúng ta có chính nghĩa và thiện chí. Tôi mong chúng ta có những biện pháp để ASEAN cũng có tiếng nói mạnh mẽ. Đó là sức mạnh giúp ngăn cản các hành động tiếp theo của Trung Quốc.

– Việt Nam có thể làm gì?

– Chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thì Việt Nam cần phải đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao.

Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc đề lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao pháp lý tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp cần cảnh giác, kiềm chế, hành xử theo đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Việt Nam không để mắc bẫy khiêu khích để Trung Quốc kiếm cớ gây đụng độ vũ trang, gây ra sự bất ổn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại đây.

Chúng ta cũng cần công khai các thông tin đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế.

Khi dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh giúp chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông trong tình hình hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới