Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số suy đoán của giới chuyên gia về việc TQ bắn...

Một số suy đoán của giới chuyên gia về việc TQ bắn tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông

Trong cuộc tập trận vừa qua, Trung Quốc (1/7) được cho là đã bắn trái phép 6 tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc xác định vị trí bắn tên lửa vẫn còn là ẩn số đối với các nước.

Khu vực Trung Quốc tuyên bố tập trận tại quần đảo Trường Sa

Theo đánh giá từ phía Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc đã bắn các tên lửa ASBM “từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông”. Người phát Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn (2/7) khi đó nhận định “điều đáng lo ngại thực sự là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại chính các cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể này”.

Trong khi đó, Đài NHK của Nhật dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông. Các tên lửa sau đó đánh trúng hai mục tiêu giả định trên biển. Tuy nhiên, danh tính của loại tên lửa này vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Các suy đoán xoay quanh 3 loại tên lửa đạn đạo chống hạm hiện có trong biên chế Trung Quốc là DF-16, DF-21D và DF-26C. Theo đó, DF-21D có tầm bắn khoảng 1.500 km, còn DF-26 được cho có tầm bắn lên tới 4.000 km. DF-26 được đặt biệt danh là “sát thủ diệt Guam” vì tên lửa này có khả năng tấn công vùng lãnh thổ ở nước ngoài của Mỹ khi được phóng từ đất liền Trung Quốc.

Giới chuyên gia quân sự cũng cho rằng giả thuyết của Mỹ đưa ra về việc Trung Quốc bắn tên lửa ASBM từ các đảo nhân tạo ở Biển Đông là chưa đủ thuyết phục. Vì việc triển khai các xe phóng tên lửa tự hành (TEL) ra các thực thể nhân tạo đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông là bước đi thiếu tính toán chiến lược. Trong số 7 thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, Đá Xu Bi hiện là thực thể nhân tạo lớn nhất bị Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp. Mục đích của việc đưa các tên lửa lên xe phóng là để sau khi khai hỏa có thể nhanh chóng rời trận địa và ẩn nấp, tăng độ sống sót nếu xảy ra chiến sự. Dù có diện tích lên tới 5,52km2, các phương tiện TEL gần như không có chỗ nấp trên đá Xu Bi và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xảy ra chiến sự. Điều này hoàn toàn khác với đất liền, nơi các xe TEL có thể di chuyển trên các con đường và tỏa ra nhiều nơi để nấp trong các hầm ngầm, công sự bí mật. Ngoài ra, giới quan sát cũng cho rằng việc triển khai các tên lửa ASBM ra Trường Sa cũng không làm tăng thêm hiệu quả chiến thuật. Bởi nếu Trung Quốc muốn răn đe các tàu sân bay và tàu chiến Mỹ, triển khai ASBM ở đảo Hải Nam hay các tỉnh ven biển phía Nam là đủ. Tuy nhiên, bất lợi của việc triển khai sát bờ biển là các tên lửa của Trung Quốc có thể bị tên lửa SM-6 của Mỹ bắn hạ ngay trong giai đoạn lấy độ cao. Để khắc phục điều này, Bắc Kinh đã di chuyển các ASBM vào sâu trong đất liền từ tháng 1 năm nay. Vì vậy, giả thuyết Trung Quốc bắn tên lửa ASBM từ các đảo nhân tạo là không hợp lý. Nhiều khả năng Trung Quốc đã bắn tên lửa ASBM từ các xe TEL được biên chế ở vùng biển phía Nam.

Giới chuyên gia, học giả quốc tế cũng nhận định động thái này của Trung Quốc là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc. Theo biên tập viên tạp chí The Diplomat, ông Ankit Panda, thông tin Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông càng khiến mối lo ngại lâu nay của Mỹ trở thành sự thật. Nói cách khác, Mỹ lo ngại nếu không may xảy ra xung đột, Trung Quốc sẽ dùng năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh để tấn công vào các tàu thuyền của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Ông Panda cũng nhấn mạnh thêm, dù Mỹ – Trung vẫn cố né tránh phải đối đầu quân sự với nhau, nhưng xung đột và leo thang căng thẳng là điều không thể đoán trước.

Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, giới hoạch định chính sách quân sự Mỹ vẫn muốn duy trì năng lực hoạt động tầm xa của hải quân Mỹ để hỗ trợ cho các đồng minh như Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc đang trở thành thách thức và đe dọa tới lợi thế lâu nay Mỹ nắm giữ. Do đó, một phần mục đích trong cuộc thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông là phô trương sức mạnh quân sự nhằm ngăn chặn Mỹ có ý định khơi mào chiến tranh đồng thời gửi lời cảnh báo tới giới lãnh đạo Mỹ về việc đưa các tàu sân bay ra khỏi tầm bắn của tên lửa chống hạm Trung Quốc. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc dễ dàng dành được phần thắng trong cuộc chiến tâm lý với Mỹ. Bởi Mỹ sẽ nhận ra rằng, cuộc chiến giữa hai bên ở Biển Đông là vô cùng lãng phí tiền của và không mang lại lợi ích cho đôi bên.

Trước hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (4/7) đã nêu quan điểm của Việt Nam về thông tin Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và có bắn một số tên lửa chống hạm từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam rất quan tâm và theo dõi sát vụ việc này. Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới