Kỳ nghỉ hè quan trọng thường niên tại Bắc Đới Hà của giới lãnh đạo Trung Quốc đang cận kề. Thời điểm song song với cuộc hội đàm thương mại trực tiếp mới giữa hai nước Trung-Mỹ.
Sau kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, các đại diện thương mại Trung-Mỹ sẽ tổ chức vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên. Nhà Trắng xác nhận rằng, vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu tại Thượng Hải vào ngày 30/7.
Thời gian và địa điểm vòng đàm phán mới được xác nhận
Trong thông báo được công bố vào ngày 24/7, Nhà Trắng cho biết, dựa theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Thượng Hải, Trung Quốc để tiếp tục đàm phán với mục tiêu cải thiện mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Cuộc hội đàm sẽ bắt đầu vào ngày 30/7.
Thông báo nhấn mạnh, các chủ đề thảo luận sẽ bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi các thỏa thuận.
Đồng thời, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 24/7, Bộ trưởng Mnuchin cũng tiết lộ, ông và đại diện Lighthizer sẽ rời Mỹ vào ngày 29/7 và ở lại Thượng Hải trong hai ngày 30 và 31/7. Được biết, lý do Trung Quốc mời các quan chức Mỹ đến Thượng Hải là bởi Tuyên bố Thượng Hải là một thỏa thuận quan trọng giữa hai nước và có ý nghĩa biểu tượng lớn.
Ông Mnuchin khẳng định, vẫn còn nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc cần được giải quyết. Cuộc hội đàm lần này sẽ nối tiếp cuộc đàm phán lần trước ở Washington. Trước đó, Bộ trưởng Mỹ từng tuyến bố, hai nước dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2019.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng thông báo tại cuộc họp báo vào ngày 25/7 rằng, các đại diện thương mại hai nước sẽ gặp nhau tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 30/7 và tổ chức vòng đàm phán thứ mười hai trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Liên quan đến sự thay đổi địa điểm đàm phán ở Thượng Hải, ông Cao Phong cho rằng, việc thay đổi địa điểm của các cuộc đàm phán là “vô cùng bình thường” và Thượng Hải có điều kiện tốt để tiến hành tham vấn.
Tại sao là Thượng Hải?
Trước khi Nhà Trắng công bố thời gian và địa điểm của cuộc đàm phán mới nhất, Bloomberg ngày 23/7 đã dẫn lời một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ tiết lộ, Trung Quốc đã yêu cầu địa điểm tổ chức tại Thượng Hải thay vì Bắc Kinh.
Tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hong Kong) ngày 24/7 cho biết, giới phân tích nhận định, Trung Quốc chọn Thượng Hải làm địa điểm mới cho cuộc đàm phán thương mại nhằm nhấn mạnh các yếu tố thương mại của đàm phán, chứ không phải chính trị, phát đi tín hiệu rằng “thương mại là thương mại, chính trị là chính trị”.
Giới phân tích cũng cho rằng, bằng cách chọn trung tâm tài chính toàn cầu Thượng Hải thay vì trung tâm chính trị Trung Quốc Bắc Kinh, Trung Nam Hải đang cố gắng hạ thấp ý nghĩa chính trị của các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ và chuyển sang nhấn mạnh các yếu tố thương mại.
Các chuyên gia tin rằng quyết định tổ chức vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ mới ở Thượng Hải có thể là một dấu hiệu mới cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh lại chiến lược của mình khi chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Ông Thẩm Kiến Quang, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tập đoàn Công nghệ Tài chính Trung Quốc Jingdong Digital Technology, nói rằng Trung Quốc đã thay đổi địa điểm đàm phán và đưa ra tín hiệu rằng “thương mại nên là thương mại và chính trị nên là chính trị”.
Ông này khẳng định, sự lựa chọn Thượng Hải của Trung Quốc có nghĩa là cố gắng tập trung vào các cuộc đàm phán về các vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như việc Mỹ nới lỏng các hạn chế bán hàng đối với gã viễn thông khổng lồ Huawei và thu mua nông sản của Trung Quốc, thay vì các vấn đề chính trị khó giải quyết hơn.
Ngoài ra, một số chuyên gia đánh giá, Thượng Hải từng đóng một vai trò đặc biệt trong quan hệ Trung-Mỹ. Ông Hồ Vĩ Tuấn, chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc tại Macquarie Capital, cho biết, Thông báo Thượng Hải quan trọng đã được ký kết tại Thượng Hải vào năm 1972.
Đồng thời, trong bài viết xuất bản ngày 25/7, tờ Nikkei cho rằng, cựu Phó đại diện thương mại Mỹ – bà Wendy Cutler cho rằng, việc tổ chức một cuộc đối thoại thương mại cấp cao như vậy ở một địa điểm không phải thủ đô là không hợp thông lệ. “Có nhiều lý do để làm điều này, bao gồm cho phép hai bên giới hạn quy mô đại biểu tham dự”.
Ông David Dollar, một chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc tại Viện Brookings, nói rằng cuộc họp bí ẩn nhất Trung Quốc Bắc Đới Hà hàng năm cũng có thể là một nguyên nhân.
Ồng này dự đoán, do tham dự cuộc họp Bắc Đới Hà nên nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có thể không gặp phái đoàn Mỹ và quyết định chuyển cuộc đàm phán thương mại đến Thượng Hải nhằm giảm bớt một số vấn đề rắc rối về ngoại giao. “Hai bên đều đã đưa ra tín hiệu rằng, hội nghị lần này sẽ không có đột phá lớn nên việc tổ chức ở đâu cũng không quá quan trọng”.