Thời điểm này, không ít người nghĩ đến việc VN kiện TQ ra tòa án quốc tế, như PLP từng làm. VN không lớn, không nhiều súng đạn như TQ, nhưng VN có lẽ phải. Trong thời đại văn minh, lẽ phải luôn có sức nặng nghìn cân.
Cảnh sát biển Việt Nam
“Cái kiến mà kiện củ khoai” là câu thành ngữnhiều người biết. Thành ngữ này xuất phát từ câu chuyện cổ tích cùng tên, điển hình trong kho tàng truyện cổ tích VN.
Hàm ý của thành ngữ là: kiến oan ức, muốn kiện để đòi công bằng cho mình. Nhưng thân phận bé như kiến, sao có thể thắng ? Do vậy, việc kiến đi kiện là vô ích, có thể nhìn thấy trước kết quả.
Nhưng sao mang chuyện kiến kiện khoai ra vào lúc này ?
Là bởi, cách đây hơn 2 tuần, TQ đưa tàu dầu khí Haiyang Dizhi 8 vào vùng biển gần bãi Tư Chính – khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, để thực hiện cái mà TQ gọi là một cuộc “khảo sát địa chấn” (?), bất chấp phản ứng quyết liệt của VN và dư luận quốc tế.
Vụ việc làm biển Đông dạy sóng, dư luận các nước trong khu vực Đông Nam Á bất bình.
Việc “thăm dò” của TQtrùng thời điểm cách đây ba năm, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (PCA) ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của TQ về đường 9 đoạn trên biển Đông trong vụ PLP kiện TQ.
Với sự ngang ngược vốn có, TQ bác bỏ phán quyết của PCA !
Không chỉ bằng lời nói, TQ, quốc gia luôn kẻ cả, lên mặt đạo đức về cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” ngày càng hung hăng, côn đồ hơn trên thực địa. Trong 3 năm qua, họ tiếp tục bồi đắp, cơi nới các bãi cạn thành đảo nhân tạo với diện tích khổng lồ.
Họ xây dựng đường băng đủ để máy bay phản lực hạ, cất cánh. Họ đưa các loại vũ khí hiện đại, trong đó có cả tên lửa tới các đảo; thử tên lửa đạn đạo chống hạm với mục tiêu di động trên biển. Họ xua đuổi ngư dân các quốc gia láng giềng hành nghề trên ngư trường truyền thống. Họ o ép, khống chế, quấy nhiễu hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí của VN, Malaisia,…Tóm lại, họ gây sự với bất kỳ bên nào phản ứng, không công nhận đường lưỡi bò tham lam của họ.
Vừa cướp vừa la, họ dùng hệ thống truyền thông đồ sộ tuyên truyền về chủ quyền của họ trên biển Đông một cách bịa đặt, đồng thời, vu cáo VN và một số nước trong khu vực chiếm đảo, cướp tài nguyên của TQ,v.v…
Với thực tế đó, phán quyết của PCA rõ ràng không các tác dụng thực tế trong việc cứu vãn một biển Đông đang ngày càng bất ổn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ít nhất, Phán quyết cũng cho cộng đồng quốc tế thấy trong vụ kiện này, chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh. Nghĩa là không như câu thành ngữ “Cái kiến mà kiện củ khoai” nêu trên.
Việc công pháp quốc tế bất lực trước một TQ nhất quán, kiên trì theo đuổi chủ nghĩa cường quyền để thực hiện mục tiêu tham lam độc biển Đông là điều thật đáng tiếc. Cho dù vậy, điều đó vẫn có ý nghĩa như sự vạch trần bản chất tham lam của TQ.
Vậy nên, vào thời điểm biển Đông nóng bỏng này, không ít người lại nghĩ đến việc VN kiện TQ ra một tòa án quốc tế, như PLPtừng làm.
VN không lớn, không nhiều súng đạn như TQ, nhưng VN có lẽ phải. Mà trong một thời đại văn minh, lẽ phải luôn có sức nặng nghìn cân.Phán quyết của PCA trong vụ PLP kiện TQ là cơ sở để VN củng cố niềm tin vào lẽ phải và công pháp quốc tế.
Vậy nên, một vụ kiện TQ của VN – tại sao không ?
Cho dù TQ có thể giở bài cũ, không tham gia vụ kiện, không thừa nhận phán quyết nếu phiên tòa kết thúc có hậu với lẽ phải thuộc về VN như dư luận mong đợi, thì ít nhất, cái mặt nạ đạo đức giả của TQ cũng thêm một lần nữa, bị lột trần trước cộng đồng quốc tế.