Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuyên gia quốc tế tung bằng chứng TQ chép sai bản đổ...

Chuyên gia quốc tế tung bằng chứng TQ chép sai bản đổ Anh để ngụy biện yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông

Chuyên gia Bill Hayton dẫn chứng tài liệu cho thấy “đường 9 đoạn” là một yêu sách rất mới, xuất phát từ việc Trung Quốc sao chép lỗi sai trong bản đồ của Anh.

Bản đồ quần đảo châu Á, do Công ty Eastward Stanford xuất bản năm 1918

Sự thật được phơi bày

Phát biểu tại Hội thảo về Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington ngày 24/7, chuyên gia Bill Hayton (Viện Chatham House của Anh) cho biết, yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc có nguồn gốc từ sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn nghiêm trọng về Biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn 1933 – 1947. Hayton dẫn các tài liệu và minh chứng lịch sử từ Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chỉ bắt đầu quan tâm đến Hoàng Sa từ năm 1909, sau khi có thông tin Nhật Bản chiếm đóng và khai thác đảo Pratas, nằm gần Đài Loan. Đầu tháng 6/1909, Trung Quốc bắt đầu tổ chức đoàn khảo sát đi Hoàng Sa (nơi Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ 17) và nêu yêu sách với quần đảo. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát và nhiều năm sau đó, Trung Quốc không quan tâm và có bất cứ động thái gì để thể hiện “chủ quyền” với quần đảo này, thậm chí Trung Quốc còn coi Hoàng Sa là cái “bẫy chết người”, thường xuyên làm đắm tàu thuyền nước ngoài. Cho tới ngày 14/7/1933, sau khi Pháp, lúc đó là chính quyền bảo hộ cho Việt Nam, khẳng định có chủ quyền với các thực thể ở Trường Sa, nội bộ Trung Quốc hoàn toàn không hay biết về sự tồn tại của Trường Sa, vẫn nhầm tưởng Trường Sa và Hoàng Sa là một.

Trong một văn bản Bộ Hải quân Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/7/1933 nhằm xác minh thông tin về việc Pháp khẳng định chủ quyền với Trường Sa, bộ này khẳng định “sau khi khảo sát, không thấy có đảo nào ở 10 độ vĩ Bắc, 150 độ kinh Đông giữa Việt Nam và Philippines”. Tuy nhiên, vì nghi ngờ kết luận trên của Bộ Hải quân, chính phủ Trung Quốc lúc đó thành lập một “Uỷ ban điều tra về bản đồ đất nước” và đã tiến hành 25 cuộc họp từ giữa năm 1933 đến cuối năm 1934. Ủy ban này lập nên một danh sách 132 đảo được coi là của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia Bill Hayton cho biết, danh sách này được sao chép và biên dịch hoàn toàn từ tiếng Anh sang tiếng Trung từ một Bản đồ Thuỷ Văn về Biển Đông do Anh vẽ năm 1906. Trong bản danh sách sao chép đó, các tên đảo được phiên âm sang tiếng Trung từ tên tiếng Anh. Ví dụ, bãi James Shoal được dịch và phiên âm thành Bãi Tăng mẫu, Vanguard Bank (bãi Tư Chính của Việt Nam) thành Bãi Tiền vệ (sau này đổi tên thành Vạn An Bắc). Trong quá trình sao chép và phiên âm, Trung Quốc vô tình sao chép cả các lỗi và nhầm lẫn từ Bản đồ Thuỷ Văn của người Anh mà không hay biết. Nhiều thực thể trong danh sách không tồn tại trên thực địa vẫn được Trung Quốc đưa vào danh sách. Cho tới năm 1933, Trung Quốc chưa bao giờ quan tâm, có yêu sách, và cũng chưa bao giờ khảo sát toàn bộ Biển Đông.

Ngoài ra, một bằng chứng khác về việc Trung Quốc hoàn toàn không có thông tin về các thực thể ở Biển Đông là Trung Quốc đã máy móc dịch tên đảo và hiểu sai hoàn toàn bản chất các thực thể ở Biển Đông. Bãi ngầm, trong tiếng Anh gọi là “shoal”, đã được Trung Quốc dịch thành Bãi (滩 – Tan) và hiểu đó là các đảo, bãi nổi.

Đến năm 1936, do nhầm lẫn bản đồ của Anh, 1 số nhà địa lý học Trung Quốc đã vẽ một đường nét liền bao quanh các “đảo” trên Biển Đông, lấn sâu xuống phía Nam và phía Tây Biển Đông để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông của Trung Quốc. Dựa trên bản đồ đường chữ U sai trái mà họ hỗ trợ vẽ năm 1936, họ đã tiếp tục dựng lên bản đồ đường chữ U 11 đoạn đầu tiên cho chính phủ Trung Quốc vào năm 1947.

“Đường 9 đoạn” không được luật pháp quốc tế công nhận

Trong phát quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa đã kết luận rằng:

Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đông đảo dư luận thế giới, trong đó có cả giới hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết này. Giới chuyên gia cho rằng, phán quyết có thể coi là một “đòn pháp lý” giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và đánh dấu một “thất bại đáng bẽ mặt” của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, phán quyết thậm chí còn cứng rắn hơn, đi xa hơn so với dự đoán. Giáo sư Zhu Zhiqun, thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania (Mỹ), cho rằng phán quyết có thể coi là “kịch bản tồi tệ nhất với Trung Quốc”. “Đây là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, có lẽ mạnh nhất kể từ năm 1989”.

Chas Freeman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và từng là phiên dịch viên cho cố Tổng thống Richard Nixon, cho rằng đây là chiến thắng cho Philippines và luật pháp quốc tế. Ông Paul Reichler, luật sư người Mỹ đóng vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong vụ kiện, cũng cho rằng đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của nền pháp trị và các mối quan hệ quốc tế. Theo ông Reichler, phán quyết đã giúp củng cố sức mạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Ông Reichler, cho rằng phán quyết là tín hiệu quan trọng cho các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Brunei khẳng định quyền chủ quyền của mình trước Trung Quốc. “Đường lưỡi bò bị coi là phi pháp như tòa đã tuyên, thì những tuyên bố tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia cũng bị coi là phi pháp”, ông Reichler nói.

Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ càng hung hăng hơn sau phán quyết. Giáo sư Bonnie Glaser tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington cho rằng Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách để bảo vệ yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông.

Thực tế, ngay sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược bác bỏ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lớn tiếng nói rằng Trung Quốc sẽ “làm tất cả những gì có thể để bảo vệ dòng chảy thương mại không bị cản trở và ngăn cản bất cứ nỗ lực nào mưu toan gây mất ổn định khu vực”. Không những vậy, hành động mới đây nhất của Trung Quốc khi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa. Bắc Kinh vẫn ngang ngược đưa ra yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”.

Hành động sai trái này của Trung Quốc đã bị Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế phản đối và mạnh mẽ lên án. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (19/7) nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) cũng phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới