“Trung Quốc hung hăng trước ASEAN, thận trọng đặt nền móng cho đàm phán COC”, báo Nhật Bản Asahi viết.
Hôm 31-7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dẫn đầu phái đoàn sang tham dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, tức Hội nghị AMM.
Trong khuôn khổ chuyến đi này, giới quan sát đánh giá phái đoàn Trung Quốc có một số nhiệm vụ chính như: tiếp tục truyền tải thông điệp lợi ích từ Sáng kiến “Vành đai, con đường”, làm đối trọng với Mỹ, và xúc tiến thông qua nội dung đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Chuyến đi của Trung Quốc bị tô đậm bằng các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào Biển Đông, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Tại AMM ngày 31-7, một số ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ lo ngại về những hoạt động này, đồng thời kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy tiến trình đàm phán một COC thực chất.
Qua tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN, các bên nhất trí sẽ hoàn tất bản dự thảo nội dung đàm phán COC trong năm 2019.
Điểm mấu chốt là COC có ràng buộc về mặt pháp lý không, và COC được đưa ra với những điều khoản có công bằng không.
Về vấn đề này, Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc dùng quyền lực quân sự, kinh tế và ngoại giao để tạo sức ép lên một số nước ASEAN, nhằm thông qua một văn bản có lợi cho Bắc Kinh.
Báo chí Nhật Bản sau giai đoạn im lặng, sáng nay 1-8 đã đăng những bài lớn liên quan tới tình hình Trung Quốc, Biển Đông và ASEAN. Trong đó, truyền thông Nhật tập trung vào việc phân tích ý đồ của Trung Quốc với ASEAN và COC.
Báo Asahi giật dòng tít “Trung Quốc hung hăng trước ASEAN, thận trọng đặt nền móng cho đàm phán COC”.
Tờ báo này cho rằng Trung Quốc “thể hiện tình bằng hữu nhưng không nhượng bộ một chút nào về cái gọi là ‘chủ quyền’ của mình”.
Báo Nikkei trong khi đó đăng dòng tít xoáy vào phản ứng xung quanh bản Tuyên bố chung của khối ASEAN: “Ở Biển Đông, một số nước thể hiện sự lo ngại trong tuyên bố chung”. Tờ báo còn khẳng định Việt Nam và Philippines thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề này.
Trong khi đó, hôm 31-7, một đài ở Anh dẫn trả lời của Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Tokyo phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.