Bất chấp luật pháp quốc tế, cũng như sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam mà không sợ bị lên án.
Xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam
Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực Bãi Tư Chính là một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý. Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, Bãi Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý.
Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Bởi vậy, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không quốc gia nào có quyền trịch thượng “yêu cầu” Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Phát ngôn này phải chăng là nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, để rồi áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh”, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Luật pháp quốc tế bị coi thường
Ba năm sau phán quyết của Tòa trọng tài được lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), một sự thật ngày càng trở nên rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tuân thủ luật pháp quốc tế. Với hoạt động điều nhóm tàu khảo sát thăm dò địa chất trái phép gần khu vực Bãi Tư Chính, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự “coi thường” phán quyết của Tòa trọng tài và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (mà nước này đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông), thế nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng với đòi hỏi của họ. Việc tàu Haijing 3901 của Trung Quốc, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này. Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 73 của UNCLOS, trong việc thực hiện các quyền trên biển, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước. Vì vậy, hành vi của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS, xâm phạm trực tiếp quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước. Với hoạt động của tàu Hải Dương 8 – phía Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc và các quy định của UNCLOS. Với hành động trên, Trung Quốc đồng thời vi phạm thỏa thuận với các quốc gia ASEAN ghi nhận trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Không chỉ vi phạm các quy định trong điều ước quốc tế đa phương và cam kết khu vực, Trung Quốc đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là thỏa thuận về Các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011; Tuyên bố chung của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tháng 6 năm 2013; Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 10/2013. Trong những cam kết này, các bên đã thỏa thuận đảm bảo Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; giải quyết bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; không thực hiện những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Như vậy, với hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện trái với tinh thần cam kết giữa hai quốc gia.
Cộng đồng quốc tế cần chung tay đối phó với Trung Quốc
Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới.
Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực mà còn đối với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Đây là vùng biển nằm án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu và Trung Đông-châu Á. Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu, chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa trao đổi toàn cầu với tổng giá trị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, khoảng 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng toàn cầu, trong đó cung cấp cho các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, được chuyên chở qua Biển Đông.
Do đó, dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc, vì thế, phải rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông để làm giảm căng thẳng hiện nay.
Chủ trương, chính sách đúng đắn của Việt Nam
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trên cơ sở đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông (trong đó có khu vực bãi Tư Chính) trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng động quốc tế và mong muốn các quốc gia khác thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết và phù hợp với quy định của UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, buộc các chủ thể vi phạm phải tuân thủ và tôn trọng.