Trong vụ việc tại Bãi Tư Chính hiện nay, mặc dù rất khó dự báo về những hành động tiếp theo của Trung Quốc, vì bản chất nước này đang cố tình gây ra các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật “bắt nạt” các nước láng giềng và sẽ “mềm nắn rắn buông”, tức là nước này sẽ tiếp tục hành xử ngang ngược, lấn lướt nếu các nước không kiên quyết phản đối và ngược lại sẽ phải rút lui khi có sự phản kháng mạnh mẽ.
Thứ nhất, nếu các quốc gia trong cuộc kiên quyết lên tiếng phản đối các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ rút lui. Còn không, Trung Quốc sẽ vẫn lấn tới. Đó là nhận định mà ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm không để cho bất cứ nước láng giềng nào đơn phương tiếp cận với các nguồn tài nguyên dầu và khí mới ở Biển Đông. Và Trung Quốc sẽ sẵn sàng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực qua các lực lượng phòng vệ bờ biển và dân quân biển để ép buộc các bên hòng thực thi mục tiêu đó của mình. Đồng thời, cũng cho thấy việc đứng lên phản đối Trung Quốc vẫn có tác dụng. Vì cách đây 3 tháng, Malaysia đã đứng lên phản đối khi Trung Quốc có hành động quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Và Trung Quốc đã phải rút lui.
Thứ hai, chiến lược của Trung Quốc về dài hạn là khá thống nhất. Họ sử dụng lực lượng phòng vệ bờ biển, dân quân biển và các biện pháp phi quân sự khác để doạ dẫm, ép buộc các nước láng giềng phải bỏ cuộc. Nhưng qua nhiều lần, khi các nước láng giềng của Trung Quốc từ chối bỏ cuộc và đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, Trung Quốc chỉ có lựa chọn hoặc sử dụng vũ lực, hoặc dừng lại và rút về, thì Trung Quốc đều rút lui. Trung Quốc không sẵn sàng trở thành bên nổ súng trước. Nên, dù việc đứng lên phản đối Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn, vì Trung Quốc giờ có quá nhiều tàu ở Biển Đông so với vài năm trước, nhưng “mềm nắn rắn buông” vẫn đúng trong cách hành xử của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và các nước lớn bên ngoài đều nhìn nhận vấn đề ở Biển Đông theo một góc nhìn chung. Đó là vấn đề tự do hàng hải. Tàu hải quân Mỹ biết cách đi lại trên vùng Biển Đông như thế nào. Mỹ có thể bảo vệ khả năng hoạt động, đi lại của mình trên biển, trên vùng trời tại khu vực Biển Đông. Nhưng câu hỏi là Mỹ có thể làm gì giúp các nước như Việt Nam, Maylaysia, Phillippines đảm bảo các quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và tất cả nhưng hoạt động khác được luật pháp quốc tế công nhận.
Thứ ba, phản ứng của cộng đồng quốc tế như thế nào cũng phụ thuộc nhiều vào hành động của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Khi Mỹ lên tiếng phản đối thì rất dễ khiến Trung Quốc kêu ca là Mỹ can thiệp làm tình hình phức tạp thêm. Nhưng nếu Việt Nam, Maylaysia, Philippines chủ động thu hút hiệu quả dư luận quốc tế đối với vấn đề, thì sẽ có khả năng thành công. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hành động hợp lý, ra thông cáo phản đối Trung Quốc vào cuối tuần rồi. Ý tưởng tự do hàng hải ở đây phù hợp với chiến lược rộng hơn của Mỹ. Đó là chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ chưa có một chiến lược rõ ràng về việc làm thế nào để giúp các nước trong khu vực Biển Đông (chống lại các hành động bất hợp pháp từ phía Trung Quốc), vì Mỹ không thể gửi tàu hải quân hộ tống tất cả các tàu cá ở vùng biển này.
Dư luận quốc tế rất quan tâm tới hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2015, 2016. Lý do cộng đồng quốc tế sau đó dừng quan tâm, phần lớn vì Philippines không còn nói tới vấn đề Biển Đông nữa. Các nước khác trong khu vực đều dừng lại, không đề cập tới câu chuyện. Điều này cần phải thay đổi. Vì đây không phải chỉ là việc của Mỹ, của Nhật Bản, của Australia. Còn phải là EU, và cả cộng đồng quốc tế cùng đứng lên nói về vấn đề này. Nếu không, Trung Quốc sẽ cảm thấy dường như họ không trả giá bất cứ gì về ngoại giao cho những hành động của mình. Vấn đề biển Đông cần được đưa trở lại lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự ngoại giao. Trong năm 2015 và 2016, chủ đề này được đề cập tại mọi cuộc họp quốc tế. Điều này cần được lặp lại. Vì khi vấn đề này liên tục được đề cập, nó sẽ khiến Trung Quốc được nhìn nhận như một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế, và các nước sẽ không muốn hợp tác với Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng vào mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là trở thành nước có vai trò lãnh đạo toàn cầu. Vì muốn trở thành lãnh đạo thì cần phải hành xử tương xứng.
Thứ tư, một biện pháp nữa, đó là có thể cân nhắc việc trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc (vi phạm luật pháp quốc tế). Ví dụ, nếu một công ty Trung Quốc tham gia khảo sát trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay nước khác, thì công ty này đáng bị trừng phạt. Hay nếu một công ty của Trung Quốc có tàu cá thực hiện hành vi bạo lực trên Biển Đông thì công ty đó cũng nên bị trừng phạt. Việt Nam cũng đã phản đối sự ép buộc của Trung Quốc, tiếp tục hoạt động thăm dò tại lô 06-01 khu vực Bãi Tư Chính. Dù lực lượng Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở đó, nhưng sớm muộn gì thì họ cũng sẽ tuyên bố là hoạt động thăm dò đã kết thúc và đưa tàu trở về. Nên vấn đề mấu chốt ở đây, là liệu các nước có luôn sẵn sàng đứng dậy phản đối các hành động ép buộc của Trung Quốc trong tương lai hay không.