Từ năm 1992 đến nay, đã có không ít lần người Trung Quốc đưa tàu khảo sát thăm dò dầu khí của họ cùng các tàu bảo vệ thuộc lực lượng hải quân, hải giám, hải cảnh từ mãi tận các căn cứ ở đảo Hải Nam hay xa hơn nữa là bờ biển tỉnh Quảng Đông ở phía bắc, rong ruổi hàng 500 – 600 hải lý đường biển xuống vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là bãi Tư Chính để thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí trái phép, xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam. Cũng có lần, họ đưa cái gọi là “lực lượng chấp pháp trên biển” xuống để hăm dọa, xua đuổi, gây sự, va chạm với các lực lượng làm kinh tế trên biển của Việt Nam tại vùng biển này. Sơ sơ tính ra, đã có tới 6 lần họ “sinh chuyện” với Việt Nam trên vùng biển Tư Chính. Đó là:
Vào các năm 1992, 1994 và mới đây nhất là tháng 7/2019, Trung Quốc đưa tàu khảo sát, thăm dò vào hoạt động tại khu vực mà họ gọi là Vạn An Bắc – 21, thực chất là bể trầm tích dầu khí Tư Chính – Vũng Mây của Việt Nam; còn vào các năm 1996, 2017 và 2018, họ đưa tàu hải giám, hải cảnh và tàu quân sự vào ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng trên vùng biển này. Những hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam diễn ra như vậy khiến giới quan sát nước ngoài theo dõi tình hình ở đây rút ra nhận xét rằng: Tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông nói chung, bãi Tư Chính nói riêng từ đầu thập niên 1990 đến nay như một ván cờ, mỗi bên luân phiên nhau đi các nước cờ. Năm 1992 và 1994, Trung Quốc thăm dò, Việt Nam ngăn chặn. Năm 1996 và 2017, Việt Nam thăm dò thì bị Trung Quốc ngăn chặn. Gần đây nhất, năm 2018, Việt Nam tiếp tục thăm dò, lại bị Trung Quốc ngăn cản, sang năm nay (2019), Trung Quốc cho tàu xuống, Việt Nam cũng lại ngăn chặn. Cuộc cờ trên khiến cho giới này thắc mắc: Không biết Trung Quốc mưu toan gì trong tranh chấp Bãi Tư Chính với Việt Nam. Thế rồi họ, mỗi người theo hiểu biết của mình, thi nhau “đoán già đoán non” về việc này. Người viết bài này, trước hiện tượng ấy cũng xin được “đoán non” về những mưu toan hành động của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam.
Phải nói trước rằng, truyền thống và cũng là bản tính của người Trung Hoa là khi làm bất cứ việc gì, họ đều tính đến nhiều mục đích khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau chứ không chỉ có một. Hình như họ cũng là những người sử dụng cung tên nhiều nhất trong chiến trận từ xưa đến nay, nên mới có câu châm ngôn nổi tiếng “một mũi tên bắn ra, trúng nhiều đích”. Thành thử, đối với bãi Tư Chính của Việt Nam, họ có những mưu toan như thế này:
Một là, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc đã từng ngang ngược nhận xằng rằng họ có “chủ quyền” gần như toàn bộ đối với Biển Đông theo ranh giới “đường chín khúc” đã tuyên bố. Đây là những vạch đứt khúc thể hiện đường biên giới biển được vạch ra trên bản đồ do Trung Quốc ấn hành nhưng không chú thích được tọa độ địa lý cụ thể và cũng chẳng xác thực cụ thể rằng nó được vạch ra từ bao giờ, do ai và dựa trên cơ sở pháp lý nào… Nhưng nó vẫn được Trung Quốc nhận là “có từ xa xưa” và liều mạng gửi hồ sơ, báo cáo lên Liên Hợp Quốc yêu cầu cho lưu hành. Đương nhiên, trong cái “đường chín khúc” ấy đã gộp cả biển miền Trung Việt Nam, trong đó có bãi Tư Chính vào đó. Nên nay họ hoặc là ngăn cản Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình tại bãi Tư Chính, hoặc là tự họ thực hiện hoạt động nào đó ở Tư Chính thì cũng đều nhằm “cố sống, cố chết” bảo vệ cho được cái đường ranh giới biển vô lý đó. Kẻo không, đã ôm lấy cái sản phẩm ấy rồi, dù nó như là một quái thai bốc mùi kinh tởm, không ai ngửi được mà Trung Quốc lại chối bỏ thì thể diện của họ giấu vào đâu. Lại kẻo không, vùng biển bãi Tư Chính và xung quanh nó thuộc chủ quyền Việt Nam rồi thì Trung Quốc lấy đâu lối mà tiến xuống vùng biển Natuna của Indonesiavà Luconia của Malaysia. Nói cách khác, những hành động của Trung Quốc tại bãi Tư Chính là nằm trong chiến lược áp đặt “đường chín khúc” bất hợp pháp tại Biển Đông và nhằm “duy trì tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên 80% diện tích Biển Đông, tiến tới độc chiếm Biển Đông”.
Hai là, trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, dù sao cũng phải bám vào những quy định của luật pháp quốc tế để làm căn cứ pháp lý bảo vệ lý lẽ cho mình, chứ không thể “cả vú lấp miệng em” được vì còn có cộng đồng quốc tế. May cho Trung Quốc là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) lại có những điểm quy định không thật rõ ràng, muốn hiểu và giải thích thế nào cũng được. Sắp chết thì vớ được cọc nên Trung Quốc phải tận dụng điều này để biến cái có thành không, cái không thành có. Đối với các vùng biển Trung Quốc không có chủ quyền thực sự hoặc không hề có sự chồng lấn nào với các nước, có nghĩa là không hề có tranh chấp thì phải biến nó thành có tranh chấp thì mới có cơ may “dây máu ăn phần”. Bãi Tư Chính của Việt Nam cách Trung Quốc đến cả 500 – 600 hải lý thì chả có công ước nào công nhận là của Trung Quốc cả. Nhưng cứ gây sự, cứ kiếm chuyện với Việt Nam đi thì sẽ hình thành tranh chấp, lâu dần sẽ biến vùng biển không hề có tranh chấp này thành vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam. Mà đã có tranh chấp thì theo luật quốc tế là phải đàm phán, phải thương lượng. Thế nên, ngay từ bây giờ, Trung Quốc vừa mạnh mồm tuyên bố mình có “chủ quyền”, vừa mạnh tay tiến hành các hoạt động thực thi “chủ quyền” tại đây, ít nhiều cũng khiến cho công luận quốc tế quan tâm, theo dõi và biết đâu sẽ thừa nhận; ít nhiều cũng khiến Việt Nam đau đầu đối phó và có thể hớ hênh để cho Trung Quốc giành lợi thế. Mưu toan này thâm độc và sâu xa ra phết.Chả thế mà người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cứ luôn miệng rêu rao: “Trung Quốc tin rằng đây là vùng biển tranh chấp và hai bên cần hết sức kiềm chế”.
Ba là, vùng biển bãi Tư Chính và xung quanh Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam được coi là vùng biển giàu tiềm năng về dầu khí, theo số liệu thăm dò địa chất còn khiêm tốn của các nhà khoa học thì tại các lớp trầm tích của vùng biển này đang có chứa khoảng 45 triệu thùng dầu và 174 tỷ mét khối khí gas. Dầu và khí gas ước tính có thể sử dụng thương mại sau khi tiến hành khai thác khoảng 10 năm. Nhưng theo những số liệu dự báo của các tổ chức địa chất khoáng sản của Mỹ và của chính Trung Quốc thì vùng biển này có trữ lượng dầu và khí còn lớn hơn thế, lên đến hàng tỷ tấn, ngoài ra chưa kể dưới đáy biển này còn có cả “Băng cháy”. Một vùng biển giàu có về tài nguyên năng lượng ngay gần Trung Quốc như vậy, Trung Quốc đã tuyên bố là có “chủ quyền”, cho dù cái “chủ quyền” ấy chưa được ai công nhận, nhưng cũng không thể để cho Việt Nam một mình “xơi cả” được, thật khó coi. Lâu nay, báo chí Trung Quốc không ngớt la ầm lên rằng tại các vùng biển đầy dầu khí ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc chưa “xơ múi được một giọt dầu nào” thì các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam thi nhau “đánh cắp” của Trung Quốc hàng triệu tấn dầu và nhờ vào đó một phần, Việt Nam đang phát triển mạnh lên. Hóa ra, không cẩn thận thì chỉ mươi mười lăm năm nữa, ngay sát nách Trung Quốc sẽ có một ông bạn, chưa đến mức là đối thủ của Trung Quốc nhưng cũng có thể là đối tác “khó nhằn”. Ở đời, cái tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” không chỉ ở một cá nhân, mà nhiều khi còn ở cả một tập thể, tầm cỡ quốc gia. Đã thế, khôn ngoan nhất là phải ngăn Việt Nam lại, không để ông bạn này “bứt tốc” nhanh thế được. Thế là một loạt hành động ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng biển này được thực thi, không cho Việt Nam khai thác tài nguyên của chính mình.
Bốn là, trong quan hệ bang giao giữa Trung Quốc với Việt Nam, thường thì Việt Nam vận dụng phương sách ứng xử với Trung Quốc theo hướng hòa bình, hữu nghị, giải quyết các khúc mắc giữa hai bên trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng nhau nhưng cũng tính đến sự nhân nhượng, nhường nhịn và tránh làm đối phương mất thể diện. Mục tiêu chính và lớn nhất là để “đại cục” quan hệ hai nước luôn ổn định, hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Xét ra, đây cũng là cách ứng xử khôn ngoan của một nước nhỏ, yếu bên cạnh một nước lớn khổng lồ. Đáng tiếc, người Trung Hoa lại không hiểu được “cái lẽ” này mà thường lại cứ “được đằng chân, lân đằng đầu”. Một bộ phận người Trung Quốc cho rằng, với cái thế đang lên của Trung Quốc, với quốc gia dân số hơn 1 tỷ người và với dự trữ ngoại tệ hàng nghìn tỷ đô la, Trung Quốc muốn gì mà chẳng được. Vì thế, đã “cướp không” được Hoàng Sa của Việt Nam rồi, đã “lấn chiếm” được một phần Trường Sa của Việt Nam rồi thì nay, đưa tàu xuống bãi Tư Chính của Việt Nam để lấn tới đòi thêm “chủ quyền” ngay tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có gì là khó. Mưu toan này được người Trung Quốc thực hành theo kế sách “mềm nắn, rắn buông”.
Năm là, thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc làm ăn hợp tác kinh tế giữa các nước, các tập đoàn, công ty hay các đối tác là chuyện bình thường. Người ta thường đưa các tiêu chí chất lượng, uy tín và hiệu quả lên hàng đầu trong ký kết hợp tác kinh tế, ít bị những tiêu chí thô thiển về chính trị, xã hội hay hàng rào tâm lý ngăn cản. Các hoạt động hợp tác và hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực dầu khí cũng không nằm ngoài khuôn khổ trên. Tuy nhiên, dưới con mắt hẹp hòi của một số người hay một số quốc gia thì vấn đề chưa hẳn như vậy. Trường hợp này áp dụng đối với Trung Quốc có lẽ không khó hiểu. Trong hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông nói chung, tại bãi Tư Chính nói riêng, các công ty dầu khí lớn của các nước như BP của Mỹ, Rosneft của Nga, Repsol của Tây Ban Nha mà đã nghiên cứu kỹ các khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam nên từ lâu đã hợp tác khai thác dầu khi với Việt Nam. Hành động của Trung Quốc không chỉ tại bãi Tư Chính mà trên Biển Đông thời gian qua hàm ý trong đó là nhằm ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam.
Sáu là, trong quá trình tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước trong khu vực, Trung Quốc luôn vấp phải phản ứng quyết liệt của các nước liên quan và cũng bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, nhất là mỗi khi họ sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các bên liên quan. Trung Quốc vì thế nhiều khi lâm vào thế cô đơn. Giải pháp cứu vãn hình ảnh hiếu chiến của mình là kêu gọi các nước, các bên có tranh chấp cùng với Trung Quốc “Gác tranh chấp, cùng khai thác”. Giải pháp này rõ ràng thể hiện thiện chí của Trung Quốc là mong muốn hòa bình và giải quyết vấn đề bằng con đường hợp tác. Song thâm ý của giải pháp này lại ở chỗ gác tranh chấp nhưng chủ quyền vẫn thuộc Trung Quốc, khai thác chung chỉ ở những chỗ có tranh chấp, những chỗ thực chất không phải của Trung quốc nhưng họ “đang đòi”. Hành động của Trung Quốc ở bãi Tư Chính cũng nhằm hướng đến việc gây sức ép để Việt Nam không làm gì được, cuối cùng cũng phải đồng ý với Trung Quốc “Gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nếu Việt Nam đồng ý như vậy, không khác gì thừa nhận với Trung Quốc đây là vùng biển có tranh chấp. Mưu toan này mà đạt được, Trung Quốc lợi cả đôi đường, đồng thời, nó cũng là cái “bẫy” chủ quyền Trung Quốc đưa ra để chiếm đoạt vùng biển của các nước khác.
Bảy là, quá trình trỗi dậy để trở thành cường quốc của Trung Quốc phải nói cũng khá hiệu quả, cứ sau mỗi giai đoạn thời gian nhất định, đất nước này lại có những bước tiến lên về chất. Quy mô nền kinh tế phát triển mạnh lên, tổng thu nhập quốc dân tăng đều hàng năm, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng; chính trị tương đối ổn định, thể chế được duy trì; xã hội đang chuyển từ khá giả thấp sang khá giả trung bình; quan hệ ngoại giao từng bước được mở rộng; tiềm lực quốc phòng ngày càng được tăng cường. Và cứ sau một giai đoạn, Trung Quốc lại muốn phô diễn khả năng sức mạnh của mình để kiểm nghiệm nó trong thực tế và cũng đồng thời để “khoe hàng” với thế giới, còn riêng đối với các nước trong khu vực thì phải nói thẳng là để thị uy. Dường như đây cũng là nhu cầu của giới lãnh đạo Trung Quốc và là một trong những phương cách để Trung Quốc thể hiện mình. Người ta thấy, cứ mỗi lần Trung Quốc đưa tàu thăm dò dầu khí hay tàu chấp pháp xuống hoạt động ở bãi Tư Chính để “gây sự” với Việt Nam là một lần họ huy động lực lượng hùng hậu, bố trí các con tàu mới, hiện đại, có tải trọng và lượng giãn nước cao, trang bị các thiết bị và vũ khí hiện đại hơn để giành ưu thế trong tranh chấp trên biển với Việt Nam. Xem ra, các hành động của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở bãi Tư Chính còn nhằm phô trương khả năng mới được tăng cường sau một giai đoạn thời gian và sử dụng khả năng đó để đe dọa Việt Nam, buộc Việt Nam phải chùn bước. Qua đó, thực hiện kế sách “giết gà dọa khỉ” đối với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông còn lại. Điều đó đánh đi tín hiệu rằng, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản các nước láng giềng khai thác dầu khí trong khi bản thân họ vẫn tiến hành khai thác ở các vùng biển tranh chấp.
Tám là, vài năm gần đây, tiến trình đàm phán và thương lượng giữa Trung Quốc và ASEAN về một bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có những tiến triển tích cực. Thậm chí, Thủ tướng Trung Quốc còn lạc quan nói rằng, thỏa thuận này có triển vọng ra đời vào năm 2021. Từ nay đến đó, các bên liên quan ở Biển Đông chắc gì đã chịu ngồi im để “giữ nguyên hiện trạng” vì cứ xem như cái cách Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa thì họ đã chẳng tạo ra một nguyên trạng mới ở vùng biển này rồi còn gì. Vậy há không có quốc gia nào “bắt chước” Trung quốc mà làm vậy trong hơn 2 năm nữa. Vì thế, việc Trung Quốc ra tay hành động ở bãi Tư Chính cũng nhằm đón trước động thái này, ngăn chặn các bên có các hành động “cực đoan” nhằm xúc tiến tuyên bố chủ quyền với nguồn tài nguyên ở Biển Đông, tạo ra thực tế có lợi cho một bên trước khi đàm phán COC kết thúc vào năm 2021. Phải nói, người Trung Quốc quá lo xa.
Chín là, năm 2016, Trung Quốc nhận thất bại khá nặng nề trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với các nước khi Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật biển (PCA) đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lên tòa này liên quan đến những hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Philippines ở bãi cạn Scarborough và các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Phán quyết của tòa đã xử Philippines thắng kiện, không công nhận “đường chín đoạn” của Trung Quốc, cũng không công nhận các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa là những thực thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quan điểm của Trung Quốc. Mặc dù không tham gia vụ kiện và cũng không chấp nhận phán quyết của Tòa, nhưng Trung Quốc không cách nào bác bỏ được các lý lẽ và kết luận của Tòa. Vì thế, lấy hành động thực tế trên Biển Đông để phản ứng lại và vô hiệu hóa giá trị phán quyết của Tòa là một trong những cách họ tiến hành nhằm biện minh cho quan điểm, lý lẽ của mình.
Cuối cùng, mười là, trong xu thế của một cường quốc đang trỗi dậy, Bắc Kinh hy vọng và cả tham vọng nữa, một ngày nào đó (ông Đặng Tiểu Bình trước đây và ông Tập Cận Bình hiện tại của Trung Quốc dự tính vào khoảng năm 2050 trở đi), Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số 1 thế giới, vượt Mỹ, đối thủ “khó chịu”, đương kim lãnh đạo thế giới bây giờ và đương nhiên là sẽ vượt tất cả các cường quốc khác trên thế giới. Thế mà trong bối cảnh hiện nay, cái anh hàng xóm láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” bên cạnh cứ nhăm nhe kết thân với “con hổ giấy” kia, hết ký thỏa thuận quan hệ “đối tác toàn diện” với nó lại đến ký “Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) với bạn nó và hình như đâu lại đang còn toan tính tiến tới quan hệ “Đối tác chiến lược” nữa. Thế chẳng hóa ra ngay bên cạnh Trung Quốc đang có một kẻ “ngáng chân” trên con đường chinh phục cái vị thế số 1 kia sao, biết đâu kẻ đó còn giúp cả “con hổ” chặn mình ngay trước cửa nhà mình. Thế nên, bãi Tư Chính dù có là chủ quyền “không thể tranh cãi của ai” thì “tao cũng cứ xông vào, mày làm gì được tao”. Nói theo cách văn hoa của giới nghiên cứu thì đây là loạt hành động nhằm “hãm phanh Việt Nam trên vòng đua nước rút trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và dằn mặt đối với Việt Nam đang muốn giãn Trung, cận Mỹ”.
Như vậy, sơ sơ (lại sơ sơ) mới đoán một chút mà đã thấy có đến 10 mưu toan của Trung Quốc trong loạt hành động của họ tranh chấp với Việt Nam ở bãi Tư Chính thuộc vùng biển miền Trung. Chắc chắn suy đoán này chưa thể đầy đủ hết vì chỉ có “đi guốc trong bụng” Trung Quốc thì mới biết hết được. Tuy nhiên, những đoán định trên cũng đủ để cho thấy, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, đòi hỏi Việt Nam phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo nhưng cũng thật khôn khéo, bình tĩnh để hóa giải những mưu toan lắt léo, thâm độc của Trung quốc.