Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBãi Tư Chính, chủ quyền không thể “tranh cướp” của Việt Nam

Bãi Tư Chính, chủ quyền không thể “tranh cướp” của Việt Nam

Nằm bên bờ Biển Đông với dải lục địa cong cong hình chữ S, Việt Nam vô hình chung sở hữu cả một vùng biển dài trên ba nghìn cây số dọc theo chiều dài đất nước và theo chiều rộng tính từ bờ ra tận khơi xa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Điều đó có nghĩa là tính từ đường cơ sở thẳng được Việt Nam xác định và tuyên bố tháng 11/1982 ra ngoài xa, các vùng biển có chiều rộng xa bờ đến 200 hải lý sẽ thuộc chủ quyền Việt Nam, được gọi là vùng Đặc quyền kinh tế, còn nếu ra thêm 150 hải lý nữa, cũng vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được gọi là Thềm lục địa. Với chiều dài biển như vậy, theo cấu trúc địa lý tự nhiên và địa danh ven bờ, vùng biển miền Trung, Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển lớn nhất và cũng giàu tiềm năng nhất của Việt Nam so với 2 biển lớn còn lại là Vịnh Bắc Bộ và biển Tây Nam. Trớ trêu, đây cũng là vùng biển, đảo đang bị các nước, các bên trong khu vực tranh chấp chủ quyền. Trong đó, duy nhất có Trung Quốc là nước không những tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn “tranh cướp” cả chủ quyền biển với Việt Nam ở vùng biển miền Trung. Họ nhằm vào bãi Tư Chính nằm ở phía nam vùng biển này để ngang ngược thực hiện hành vi đó với Việt Nam.

Bãi Tư Chính là một khu vực biển mà dưới nó tồn tại những rạn san hô ngầm ở phần phía nam biển miền Trung, nằm ở phía cực Tây quần đảo Trường Sa, cách đất liền Việt Nam chỉ khoảng 180 đến 220 hải lý về phía đông nam và cách bãi ngầm Phúc Nguyên 30 hải lý về phía nam tây nam. Bãi Tư Chính cũng nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế, cách tuyến Hồng Kông –Singapore khoảng 60 hải lý về hướng đông nam, diện tích san hô ngầm khoảng trên dưới 600km². Riêng phần mặt bằng rạn san hô quan sát được khi nước trong có diện tích khoảng 34km². Nơi có rạn san hô nằm gần mặt nước nhất là ở đầu mút phía bắc, cách khoảng 16m. Điều đáng chú ý, theo nghiên cứu và khảo sát của các nhà địa chất dầu khí, bãi Tư Chính cùng với bãi Vũng Mây nằm liền gần đó có cấu trúc đáy biển giống như một lòng chảo rộng lớn mà theo đó, dầu khí ở đáy biển này có xu hướng đổ vào lòng chảo, làm cho trữ lượng được đánh giá là khá lớn, cỡ hàng tỷ tấn và khi khai thác sẽ đảm bảo kéo dài thời gian cạn kiệt của các mỏ. Đây cũng là một trong 6 bề trầm tích có nhiều tiềm năng khai thác dầu khí của Việt Nam ở biển miền Trung.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn tìm cách, cả bằng lời nói và hành động để “tranh cướp” chủ quyền với Việt Nam ở bãi Tư Chính, khiến cho nơi đây luôn là tâm điểm của những căng thẳng trong quan hệ 2 nước và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, kể cả về quân sự.

Về lời nói, Trung Quốc “theo đuôi” chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, cái chính quyền mà Bắc Kinh thường xuyên tẩy chay tính chính danh của nó vì sợ rằng nếu công nhận thì Đài Loan có thể trở thành một quốc gia, để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông theo “đường chín khúc” hoang đường do chính quyền này vẽ ra. Thậm chí, năm 1983, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) còn “học mót” chính quyền Trung Hoa Dân quốc trong việc đặt tên cho các vùng biển, đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. Số là năm 1935, Trung Hoa Dân quốc xuất bản “Biểu đối chiếu tên gọi Hoa – Anh các đảo thuộc Nam Hải Trung Quốc”, trong đó có phiên âm tên tiếng Anh Vanguard Bank sang tiếng Trung là 前衛灘 (bãi Tiền Vệ). Năm 1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đổi tên tiếng Trung của bãi này thành 萬安灘 (bãi Vạn An). Năm 1983, Trung Quốc tiếp tục công nhận tên gọi Vạn An và sử dụng nó trong giao tiếp quốc tế. Họ xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Trường Sa (họ gọi là Nam Sa), đồng thời xem quần đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc.

Về hành động, Trung Quốc liên tục gây ra những tranh chấp trên thực địa với Việt Nam. Ngày 08/05/1992, một công ty nhỏ của Mỹ là Crestone Energy Corporation được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một diện tích 25.155 km² biển mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076 km² biển tại bãi Tư Chính cho doanh nghiệp này. Lãnh đạo của Crestone tuyên bố, Hải quân Trung Quốc bảo vệ hoạt động của họ. Phía Việt Nam một mặt phản ứng mạnh mẽ động thái trên trên lĩnh vực ngoại giao, mặt khác triển khai cấp phép quyền thăm dò, khai thác một lô dầu khí cạnh đó cho cũng một hãng dầu khí của Mỹ. Vì thế, khi 2 hãng trên cùng cho tàu thăm dò đến vùng biển trên, đã xảy ra căng thẳng và va chạm giữa tàu bảo vệ của 2 nước khiến cả 2 bên phải dừng lại.

Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc), nhưng đứng trước sự phản kháng và đấu tranh quyết liệt của phía Việt Nam, công ty này phải gác ý định. Cũng trong năm này, Việt Nam tìm cách khoan một giếng dầu trong khu vực, nhưng khi đó, Trung Quốc đã điều tàu quân sự và tàu hải cảnh xuống bao vây giàn khoan, ngăn chặn hoạt động đi lại, tiếp tế của Việt Nam, khiến cho công việc cũng phải tạm dừng. Hai năm sau, vào năm 1996, Việt Nam cho phép hãng Conoco Phillips của Mỹ thăm dò dầu khí tại hai lô 133 và 134, bao trùm diện tích 14.000 km² tại vùng biển hầu như trùng khớp với vùng biển mà Trung Quốc giao cho Crestone năm 1992. Trung Quốc lên tiếng phản đối Việt Nam, đồng thời “chơi bẩn” với Công ty Conoco bằng cách đe dọa gây thiệt hại về kinh tế cho công ty này đang làm ăn tại thị trường Trung Quốc và đòi Việt Nam phải “thảo luận” với họ. Việt Nam khi đó cho rằng, không cần phải thảo luận với Trung Quốc về hợp đồng dầu khí, bởi lẽ vùng khai thác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán đương nhiên của Việt Nam.

Mới đây nhất, truyền thông nước ngoài cho biết, ngày 03/07/2019, Trung Quốc đã lại đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng một số tàu hải cảnh hiện đại đi theo bảo vệ vào hoạt động tại vùng biển gần bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát. Vụ việc cho thấy một lần nữa, Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế về Luật biển và vi phạm những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được cách đây chỉ vài tháng mà thôi. Tuy nhiên, theo giới truyền thông nước ngoài đưa tin và đánh giá, những diễn biến ở bãi Tư Chính đầu tháng 7/2019 cho thấy, lần này Trung Quốc cho tàu khảo sát đi xa hơn về phía nam Biển Đông và trong đội hình của nó có cả tàu bảo vệ với lượng giãn nước hơn vạn tấn. Song, Việt Nam sẽ đủ sức ngăn chặn vì các lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam giờ đây đã khác xa một vài năm trước.

Đứng trước những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, phía Việt Nam đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời rất kiềm chế trong hành động. Việt Nam đã trước sau như một, nhiều lần khẳng định rằng, bãi Tư Chính là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi:

Thứ nhất, xét vị trí địa lý của bãi Tư Chính, vùng biển này gắn liền và là một phần của biển miền Trung Việt Nam, tạo thành một vùng nước ven bờ biển Việt Nam và nó chỉ cách bờ không quá 200 hải lý, trong khi cách đất liền Trung Quốc trên cả 600 hải lý. Căn cứ theo quy định của UNCLOS 1982, rõ ràng nó thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Còn Trung Quốc ở xa thế mà cứ nhận vơ vào là của mình thì chẳng phải “tranh cướp” là gì.

Thứ hai, lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 17, 18 đến nay luôn xác định biển miền Trung, trong đó có bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam và chính quyền các thời đại ở Việt Nam chưa bao giờ phủ nhận hoặc không thực thi chủ quyền của mình tại đây. Đặc biệt, nơi đây là nguồn sống và mưu sinh của bao thế hệ cư dân Việt Nam ven biển.

Thứ ba, do xác định bãi Tư Chính là chủ quyền của mình, nên Việt Nam đã triển khai nhiều giàn khoan hoạt động ở khu vực này, nhưng từ trước đến nay không hề có nước nào phản đối ngoại trừ Trung Quốc. Ngược lại, do không có căn cứ pháp lý rõ ràng, thiếu thuyết phục nên sau các lần gây căng thẳng với Việt Nam ở khu vực này, cuối cùng Trung Quốc cũng phải rút lui.

Thứ tư, căn cứ Điều 60 của UNCLOS 1982 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa, Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Thứ năm, Việt Nam không có ý định và không cố ý biến các bãi ngầm ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam, trong đó có bãi Tư Chính thành đảo nổi hay đảo nhân tạo và không gán ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này đến từ bất cứ ai.

Mặt khác, cũng phải lưu ý rằng, về mặt công pháp quốc tế có hai vấn đề đáng quan tâm:

Một là, khác với đảo, thực thể chìm ngập dưới biển không phải là đối tượng để các quốc gia tuyên bố chủ quyền một cách riêng rẽ, trừ khi họ chứng minh được chúng nằm trong vùng nước lịch sử hoặc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của thực thể khác.

Hai là, thềm lục địa không phải là bộ phận của lãnh thổ quốc gia, nói cách khác, quốc gia ven biển không có chủ quyền đối với thềm lục địa. Theo Điều 77 UNCLOS 1982, quốc gia ven biển chỉ thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Việc quốc gia ven biển thực thi quyền chủ quyền không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được UNCLOS thừa nhận. Theo Điều 79 UNCLOS 1982, các quốc gia khác có quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa nhưng cần được sự thỏa thuận của quốc gia ven biển. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền trên thực tế của mình đối với vùng biển này. Thể hiện:

Về quản lý hành chính nhà nước, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Về quản lý trên thực địa, từ năm 1989, Việt Nam đã lắp đặt các cấu trúc thép nổi trên mặt biển và cử lực lượng thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam canh giữ, gọi là nhà giàn DK1. Ban đầu, các nhà giàn còn đơn giản và nhỏ, thiếu vững chắc. Về sau, mẫu nhà giàn được thiết kế lại, diện tích rộng rãi và vững chắc hơn, có kết cấu liên hoàn theo kiểu giàn khoan đứng chân trên biển. Hiện nay, có 3 nhà giàn đang hoạt động tại bãi Tư Chính, đó là:

Nhà giàn DK1/11, hoàn thành ngày 05/05/1994.

Nhà giàn DK1/12, hoàn thành ngày 08/08/1994.

Nhà giàn DK1/14, hoàn thành ngày 20/04/1995.

Ngoài ra, tại bãi Tư Chính còn có 2 ngọn hải đăng làm nhiệm vụ hướng dẫn tàu thuyền đi lại trên biển.

Như vậy có thể thấy rằng, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của các nước khác trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu không được phép của Việt Nam thì mọi hoạt động của nước ngoài đều vô giá trị, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Song, Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định cho Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới