Từ ngày 1/8/2019, Chính quyền Trung Quốc chính thức ngừng cấp giấy thông hành cá nhân cho công dân 47 thành phố tới Đài Loan du lịch.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc (31/7) thông báo dừng cấp giấy thông hành cá nhân cho công dân 47 thành phố tới Đài Loan từ ngày 1/8. Lý do mà Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đưa ra là “do tình trạng quan hệ giữa hai bên eo biển hiện nay”. Kể từ ngày lệnh cấm có hiệu lực, du khách Trung Quốc muốn sang Đài Loan phải đi theo đoàn. Thông báo không nêu thêm chi tiết.
Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (31/7) khi trả lời câu hỏi của giới phóng viên về thông tin, mục đích và đánh giá về chính sách dừng cấp giấy thông hành cá nhân cho công dân 47 thành phố tới Đài Loan từ ngày 1/8, bà Hoa Xuân Oánh đã từ chối trả lời và cho răng đây là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không liên quan vấn đề ngoại giao”.
Được biết, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc từ năm 2011 đã ban hành chính sách cấp giấy thông hành cá nhân cho công dân từ 47 thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Hạ Môn để tới đảo Đài Loan du lịch, thay vì phải xin giấy phép theo đoàn. Tuy nhiên, theo chính sách mới được công bố, bắt đầu từ tháng 8, chương trình này sẽ bị đình chỉ. Quyết định của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc được đưa ra giữa giai đoạn du khách từ đại lục sang Đài Loan đang tăng trở lại, đạt 1,67 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2019 và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Trang tin điện tử China Times của Đài Loan dẫn lời ông Kha Mục Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đài Loan, cho biết động thái này của Trung Quốc là “rất không bình thường”. Theo ông Châu, trong trường hợp xấu nhất, lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới Đài Loan sẽ giảm 700.000 người trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay đến tháng 2 năm sau.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của Trung Quốc khi dừng cấp giấy thông hành du lịch cá nhân cho người dân là nhằm đáp trả những động thái gần đây của Đài Loan.
Trong những ngày gần đây, Đài Loan liên tục có những hành động mà Trung Quốc coi là khiêu khích và đe dọa “chủ quyền” của Bắc Kinh. Theo đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định không công nhận “Nhận nhận thức chung 1992”, cơ sở chính trị cho nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Nhận thức chung 1992 ý chỉ một sự dàn xếp năm 1992, theo đó cả hai bên công nhận sự tồn tại của một đất nước Trung Quốc bao gồm Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Hiểu biết này củng cố đối thoại giữa hai bên, cho phép họ xây dựng quan hệ và vượt qua phần nào tình trạng thù hằn bắt nguồn từ sự chia rẽ trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Không những vậy, Đài Loan còn thúc đẩy hợp tác quân sự, mua sắm nhiều loại trang thiết bị quân sự tiên tiến từ Mỹ, bất chấp sự phản đối và ngăn chặn của Trung Quốc. Ngoài ra, căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan gia tăng thời gian qua sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông nằm đối diện Đài Loan. Để đáp trả các cuộc tập trận của Trung Quốc, Đài Loan đã tiến hành tập trận quân sự bằng đạn thật, triển khai máy bay chiến đấu và bắn 117 quả tên lửa tầm trung và tầm xa trong hai ngày 29 và 30/7. Được biết, tại cuộc tập trận quân sự của Đài Loan có sự tham gia của 5 loại hình đào tạo chiến đấu của lực lượng quân sự, trong đó có 2 chiến đấu cơ F-16 được trang bị tên lửa AGM-84 Harpoon diễn tập cho tình huống mô phỏng chống lại cuộc tấn công nhắm vào bờ biển đông nam của hòn đảo.
Giới truyền thông nhận định, Trung Quốc trước nay có “truyền thống” đáp trả các đối tác bằng các lệnh hạn chế xuất khẩu, du lịch gây “khó dễ” về kinh tế khi có căng thẳng. Điển hình như hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật hay dừng mua chuối từ Philippines. Nay là “đòn” nhắm vào du lịch của Đài Loan.
Việc Trung Quốc dừng cấp giấy thông hành cho người dân tới du lịch ở Đài Loan sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đối với Đài Bắc. Về chính thông, việc Trung Quốc ngăn chặn người dân tới Đài Loan sẽ gây ra sự quan ngại sâu sắc của người dân Trung Quốc, cũng như người dân Đài Loan; tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan. Về Kinh tế, hành động trên sẽ tác động phần nào đối với nền kinh tế Đài Loan. Tuy nhiên, sự tác động này không quá lớn so với thu nhập và tiềm năng kinh tế của Đài Loan.
Thời gian tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp đáp trả Đài Loan, nhằm từng bước cô lập Đài Bắc. Có thể Trung Quốc sẽ sử dụng chiều bài kinh tế, ngoại giao và quân sự để lôi kéo, ép buộc một số nước còn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan chấm dứt quan hệ với vùng lãnh thổ này. Cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng các chiêu bài tấn công trực tiếp vào nền kinh tế của Đài Loan nhằm gây tâm lý hoang mang trong người dân và gây chia rẽ trong nội bộ Đài Loan. Những hành động và việc làm của Trung Quốc chỉ nhằm mục địch “thống nhất với Đài Loan”.