Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLưu hành Bộ sách giáo khoa Lịch sử mới bịa đặt về...

Lưu hành Bộ sách giáo khoa Lịch sử mới bịa đặt về chủ quyền Biển Đông: TQ tiếp tục muốn vẽ lại lịch sử một cách ngang ngược

Báo chí Trung Quốc loan tin bắt đầu từ tháng 9/2019, Trung Quốc sẽ chính thức đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lịch sử cấp trung học phổ thông mới với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, nhất là vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.

Theo tờ Đa Chiều, trong bộ sách giáo khoa lịch sử mới này, sẽ có thêm những nội dung mới được đưa vào như “Triều Hán mở rộng lãnh thổ”, “Vai trò quan trọng của các dân tộc thiểu số phía Bắc trong sự nghiệp thống nhất quốc gia đa dân tộc Trung Quốc trong thời kỳ nhà Liêu, Tây Hạ, Kim và Nguyên”, “Các biện pháp liên quan để thống nhất đất nước và mưu tính biên cương thời kỳ Minh Thanh”, “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông), Đài Loan và các đảo phụ cận bao gồm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”… Các nội dung mới được bổ sung và sửa đổi trong chương trình giảng dạy mới hầu như đều liên quan đến nội dung về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia cơ bản là dòng chính của phần diễn giải lịch sử mới này.

Việc điều chỉnh sách giáo khoa lịch sử lần này cho thấy Bắc Kinh đang muốn củng cố khái niệm thống nhất đất nước và chủ quyền lãnh thổ của lớp người trẻ tuổi ở Trung Quốc đại lục trong lúc khuynh hướng ly khai đang xuất hiện ở Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông.

Sách giáo khoa mới nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Cụ thể, phiên bản sách giáo khoa lịch sử mới nhấn mạnh việc lãnh thổ đến từ 4 phía trong thời kỳ Trung Quốc cường thịnh; chú trọng chứng minh chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử của Trung Quốc đối với Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và các đảo phụ cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ví dụ, trong phiên bản mới của sách giáo khoa lịch sử lớp Bảy (lớp đầu của cấp trung học cơ sở), do Bộ Giáo dục Trung Quốc biên soạn, đã tăng thêm bản đồ nhà Đường thời kỳ cực thịnh để thể hiện khi đó Trung Quốc đã quản lý An Tây Đô hộ phủ và Bắc Đình Đô hộ phủ ở Tây Vực.

Khi giới thiệu lãnh thổ của nhà Nguyên, sách giáo khoa mới đã tăng thêm lãnh thổ mở rộng của nhà Nguyên và các tỉnh cụ thể thời nhà Nguyên, và mô tả “Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, vùng đông bắc rộng lớn, Đài Loan và các quần đảo Biển Đông ngày nay đều nằm trong phạm vi thống trị của triều Nguyên”. Đồng thời, còn bổ sung thêm một đoạn dài về lịch sử quần đảo Điếu Ngư; trên bản đồ của nhà Thanh còn đánh dấu rõ đường biên giới hiện tại của Trung Quốc. Việc biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử mới này ở Trung Quốc thực ra đã bắt đầu khởi động từ tháng 12/2017. Từ tháng 9/2019 nó sẽ được ra mắt vào học kỳ mùa thu tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải, Sơn Đông và Hải Nam. Sau đó từ mùa thu năm 2022 sẽ được phổ cập trên phạm vi toàn quốc

Sử dụng việc thuật chuyện đại thống nhất để chống lại chủ nghĩa ly khai. Theo Đa Chiều, việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử của Bắc Kinh có một định hướng thực tế cụ thể. Các yêu sách ly khai dân tộc và chủ trương độc lập hiện đang diễn ra trong giới trẻ ở Đài Loan và Hồng Kông đang thách thức tuyên bố thống nhất quốc gia truyền thống của Bắc Kinh. Khuynh hướng ly khai này được cho là phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức và nhận thức sai về lịch sử Trung Quốc của người Đài Loan và Hồng Kông.

Một số người lật lại sách giáo khoa lịch sử Hồng Kông thì thấy rằng mô tả về “Vụ đại thảm sát Nam Kinh” chỉ sử dụng 76 từ, nhưng viết về cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa trong lịch sử Trung Quốc thì dài tới 18 trang. So sánh hai bên (Đại Lục và Hồng Kông), sách giáo khoa Hồng Kông có những mô tả đậm nhạt khác nhau về các sự kiện lịch sử và đã truyền đi lập trường chính trị rất khác. Tình hình tương tự cũng xuất hiện ở Đài Loan. Năm 2018, Trung Quốc và Đài Loan vốn trong lịch sử đã có những căng thẳng về cách diễn giải lịch sử khác nhau; do chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền đã đưa lịch sử Trung Quốc vào lịch sử Đông Á trong chương trình Trung học của Chương trình Giáo dục Cơ bản Quốc gia, đã khiến thế giới bên ngoài cho rằng nhà đương cục Đài Loan mượn giáo dục lịch sử để “thoát Trung Quốc hóa”, Trước đó, “lịch sử Trung Quốc” được trình bày như một phần độc lập.

Đặc biệt là trong phần mô tả liên quan đến việc Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, khoảng cách giữa hai bên rất rõ ràng. Trong con mắt người Đại Lục, anh hùng dân tộc Trịnh Thành Công (Zheng Chenggong), “lấy lại Đài Loan” từ tay thực dân Hà Lan. Trong khi đó, trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử Đài Loan, Trịnh Thành Công chỉ là một “người đứng ngoài cuộc” như những người Hán khác. Không giống như mô thức tường thuật về thống nhất quốc gia đầy hào hứng của Trung Quốc đại lục, phiên bản sách giáo khoa lịch sử Đài Loan đã lạnh lùng mô tả chính quyền Trịnh Thành Công là “chính quyền người Hán đầu tiên ở Đài Loan”.

Kết quả của cách giáo dục nói trên là, tại Hồng Kông, nhận thức về thân phận người Trung Quốc của lớp trẻ đã rơi xuống mức thấp lịch sử. Một cuộc khảo sát vào trước hôm kỷ niệm 20 năm ngày Trung Quốc Đại lục thu hồi Hồng Kông năm 2017 cho thấy chỉ có 3,1% thanh niên ở Hồng Kông được khảo sát xác định mình là người Trung Quốc hoặc Trung Quốc theo nghĩa rộng (tức là người Trung Quốc ở Đại Lục và Hồng Kông); còn 93,7% những người trẻ tuổi coi mình là người Hồng Kông theo nghĩa rộng (tức là người Hồng Kông và người Hồng Kông ở Trung Quốc). Đáp án tương tự vào năm 1997 với tỷ lệ lần lượt là 16% và 68%.

Còn tại Đài Loan, một cuộc điều tra năm 2018 cho thấy, mặc dù tỷ lệ nhận là người Trung Quốc có tăng lên nhưng chỉ là 58,3%, vẫn có tới 36,6% người Đài Loan không nhận là người Trung Quốc.

Chính phủ trung ương Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông đã từng cố gắng cải thiện vị thế và tầm quan trọng của các tiết học lịch sử Trung Quốc trong nền giáo dục Hồng Kông. Tuy nhiên, năm 2012 việc thử xúc tiến môn “giáo dục đạo đức và giáo dục công dân”, đã thực sự bị gác lại do vấp phải nhiều sự phản kháng.

Năm 2017, chính quyền Hồng Kông dự định bắt tay từ giáo dục, trau dồi khái niệm “Tôi là người Trung Quốc” trong giai đoạn vườn trẻ và đưa lịch sử Trung Quốc vào các môn học bắt buộc ban đầu để ứng phó khuynh hướng “Hồng Kông độc lập” đang ngày càng nghiêm trọng trong những người trẻ tuổi Hồng Kông. Tờ Đa Chiều kết luận tất cả lịch sử đều là lịch sử hiện đại. Do đó, sự nhấn mạnh của sách giáo khoa lịch sử mới của Bắc Kinh về lĩnh vực lịch sử và lãnh thổ quốc gia sẽ củng cố ý thức thống nhất quốc gia và chủ quyền lãnh thổ trong ý thức của giới trẻ Trung Quốc. Trong tương lai khi có thể đối mặt với khuynh hướng ly khai gay gắt hơn so với hiện nay ở Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, v.v..Bắc Kinh hy vọng sẽ có một cơ sở dư luận mạnh mẽ ở Trung Quốc Đại lục, có thể ủng hộ chính quyền trong lập trường về vấn đề lãnh thổ hoặc sử dụng vũ lực vào thời điểm then chốt.

RELATED ARTICLES

Tin mới