Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngPhán quyết Biển Đông trở lại

Phán quyết Biển Đông trở lại

Truyền thông Philippines ngày 7-8 đưa tin đội tàu hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đã cập cảng thủ đô Manila sau khi tuần tra qua vùng tranh chấp trên Biển Đông nhằm thể hiện ‘kết nối quân sự và cộng đồng mạnh mẽ’ với quốc gia Đông Nam Á này.

Sau hơn ba năm nhẫn nhịn, tổng thống Philippines đang có những bước đi mạnh mẽ khi cho biết sẽ thăm Trung Quốc bàn về phán quyết Biển Đông năm 2016 và cho phép đóng con dấu thị thực có bản đồ vùng EEZ của Philippines ở Biển Đông lên hộ chiếu của khách Trung Quốc.

Tất cả động thái trên đều diễn ra trong bối cảnh tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang thăm chính thức Manila. Truyền thông Philippines ngày 7-8 đưa tin đội tàu hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đã cập cảng thủ đô Manila sau khi tuần tra qua vùng tranh chấp trên Biển Đông nhằm thể hiện “kết nối quân sự và cộng đồng mạnh mẽ” với quốc gia Đông Nam Á này.

Hãy tiễn ông ấy lên đường với sự đảm bảo rằng mọi người Philippines đều ủng hộ ông.

Cựu ngoại trưởng Albert del Rosario nói về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông Duterte.

Ăn miếng trả miếng

Hoạt động diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phong tỏa vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong ngày 6 và 7-8 để tiến hành huấn luyện quân sự. Trùng hợp là trong lúc đội tàu Mỹ đến Manila, chính quyền Philippines đã bắn đi những tín hiệu cứng rắn.

Lần đầu tiên sau bảy năm, Philippines quyết định sẽ đóng con dấu thị thực lên hộ chiếu in đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Đáng chú ý, con dấu này bao gồm bản đồ thể hiện rõ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila trên Biển Đông (Manila gọi là biển Tây Philippines).

Tờ Inquirer dẫn lời người phát ngôn Phủ tổng thống Salvador Panelo ngày 6-8 thông báo quy định mới được Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. đề xuất và được thông qua tối 5-8.

Theo ông Panelo, thị thực được thiết kế lại sẽ có hình bản đồ thể hiện đầy đủ các tuyên bố chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngoại trưởng Locsin gọi đây là “ăn miếng trả miếng” và cho biết con dấu thị thực mới sẽ “có bản đồ toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế Philippines đến mức rộng nhất”.

Chính sách thị thực mới nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này bên cạnh mục đích kiểm soát du khách tốt hơn so với việc cấp thị thực rời, ông Panelo cho biết.

Trước đó, từ năm 2012, Philippines đã cấp thị thực tách biệt cho du khách Trung Quốc như một hình thức phản đối hộ chiếu có in đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Thị thực mới cũng có thể được đóng trên hộ chiếu các nước khác.

Chưa từ bỏ phán quyết

Trong diễn biến khác, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ bàn về phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng này. Trước áp lực trong nước phải hành động cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tổng thống Philippines cho biết đã đến lúc “viện dẫn” phán quyết.

 “Còn nhớ trước đây tôi đã nói sẽ có lúc tôi viện dẫn phán quyết? Bây giờ đã đến lúc và đó là lý do tôi đến Trung Quốc” – ông Panelo thuật lại lời của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tòa trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), ngày 12-7-2016 đã bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này.

Tuy nhiên chưa rõ ông Duterte sẽ đề cập đến phán quyết này như thế nào. Khi được hỏi liệu hai nước có thỏa thuận khai thác dầu khí chung trên Biển Đông, ông Panelo cho biết “hãy chờ xem”. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, ông Duterte vấp phải nhiều chỉ trích khi phớt lờ phán quyết và nhiều lần giải thích rằng Manila không thể đối đầu với Trung Quốc.

Lẽ ra phải làm sớm hơn

Quyết định của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông và chưa đầy một tuần sau khi chính quyền Manila gửi công hàm phản đối việc hơn 100 tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang kiểm soát trái phép, và hai tháng sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Philippines.

Động thái của tổng thống Philippines nhận được sự ủng hộ của giới chính trị gia trong nước. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho rằng ông Duterte nên làm điều này sớm hơn. “Thật tốt khi họ nói về phán quyết bởi vì nó ở đó và luôn tồn tại. Nó không thể bị kháng án” – ông Lacson nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến vẫn lo ngại sự xung đột trong mối quan hệ an ninh và kinh tế giữa Philippines với Trung Quốc. Với sự nhẫn nhịn của ông Duterte, Bắc Kinh thời gian qua đã rót hàng tỉ USD đầu tư cho Manila. 

“Lĩnh vực an ninh đang thua thiệt vì tổng thống của chúng ta thân thiện với Trung Quốc. Nhưng phải quan tâm về an ninh trong mọi hoạt động kinh tế” – cựu nghị sĩ Philippines Gary Alejano nhận định. Chưa kể nếu Manila hành động quá cứng rắn với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.

Phản đối Trung Quốc huấn luyện quân sự trái phép ở Hoàng Sa

Ngày 7-8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Theo người phát ngôn, ngày 7-8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc.

Trước đó, Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) ngày 5-8 ngang nhiên ra thông báo cấm các tàu thuyền vào hai khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để phục vụ cho cuộc huấn luyện quân sự bắn đạn thật kéo dài trong hai ngày 6 và 7-8.

N.ĐĂNG

Truyền thông Philippines ngày 7-8 đưa tin đội tàu hàng không mẫu hạm Ronald Reagan đã cập cảng thủ đô Manila sau khi tuần tra qua vùng tranh chấp trên Biển Đông nhằm thể hiện “kết nối quân sự và cộng đồng mạnh mẽ” với quốc gia Đông Nam Á này.

Đội tàu này bao gồm tàu USS Ronald Reagan lớp Nimitz, tàu tuần dương lớp Ticonderoga trang bị tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và USS Antietam.

RELATED ARTICLES

Tin mới