Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam chiều 7-8.
“Như chúng tôi được biết, chiều 7-8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát và rút khỏi EEZ và thềm lục địa Việt Nam”, bà Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 8-8.
Tiếp tục theo dõi nhóm tàu Hải Dương 8
Người phát ngôn Thu Hằng đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam.
“Việt Nam luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì ổn định, phát triển ở Biển Đông cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia” – bà Hằng nêu.
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Tại họp báo, bà Thu Hằng cũng lưu ý thêm rằng “các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi” sau khi nhóm tàu Hải Dương 8 rời đi.
Kiên quyết nhưng mềm mỏng đối thoại
Đấu tranh với một thiện chí tháo gỡ vấn đề thông qua đối thoại của Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là lựa chọn tốt của Hà Nội.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng của Philippines, ông Richard Heydarian, khen ngợi cách Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên trang Facebook cá nhân khi viết: “What great leaders do… NO WAR” (tạm dịch: Đó là những gì các lãnh đạo tuyệt vời đã làm… không cần chiến tranh).
Thực tế, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vừa qua, Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để liên lạc với Trung Quốc, gửi công hàm phản đối và thể hiện thái độ kiên quyết trong việc khẳng định chủ quyền của mình.
Đồng thời, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định Việt Nam có thể được coi là đang thực hiện chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, đồng thời tập trung vào các lợi ích lâu dài của việc duy trì một mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc thay vì các lợi ích ngắn hạn của việc đuổi các tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển của mình.
“Các phân tích trên cho thấy Hà Nội có thể có lý do chính đáng để áp dụng cách tiếp cận này”, ông Hiệp nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-8, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, người từng gắn bó và nổi bật trong vai trò nhà ngoại giao chuyên nghiên cứu chiến lược về khối ASEAN, nhận định Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rõ lập trường cũng mềm mỏng, thiện chí khi đối thoại.
Theo ông Vinh, tình hình sắp tới chưa rõ thế nào, nhưng Việt Nam nếu nhất quán trong cách tiếp cận, làm đúng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982… thì tất cả sẽ góp phần rất tích cực cho an toàn, an ninh trong khu vực.
Chính khách nhiều nước thời gian qua đã liên tục lên án việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hôm 31-7, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch đã bày tỏ lo ngại về hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel hôm 26-7 đã khẳng định theo UNCLOS 1982, những hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác đã có từ lâu đời của Việt Nam.
Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN mới đây ở Bangkok, Thái Lan, ngoại trưởng ba nước Úc, Mỹ, Nhật cùng ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với “các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí có từ lâu đời” ở Biển Đông.