Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải tìm câu trả lời trước các “nguyên lão” tại hội nghị bí mật ở Bắc Đới Hà về cuộc thương chiến với Mỹ và những cuộc biểu tình dai dẳng tại Hong Kong.
“Không có lực lượng nào bên ngoài có thể hạ gục chúng ta bởi chúng ta là đảng chính trị lớn nhất thế giới. Người duy nhất có thể đánh bại chúng ta là chính chúng ta”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết trong “Cầu Thị” – ấn phẩm của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản mỗi hai tháng một lần, hồi tuần trước.
Những lời kêu gọi củng cố nội bộ Đảng được đưa ra trong lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ đang ngày càng căng thẳng, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Nói như các học giả Trung Quốc, nếu cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc trở nên giàu thì Chủ tịch Tập là người làm cho Trung Quốc mạnh hơn.
Giờ đây, sau 7 năm cầm quyền, ông Tập đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng leo thang, phong trào dân chủ ngày càng phình to ở Hong Kong, còn Đài Loan ngày càng quyết đoán trong quan hệ với đại lục.
Đó là những mối nguy cho ông Tập và cách chống đỡ tốt nhất là củng cố vai trò lãnh đạo, uy tín trong Đảng, theo bình luận của tờ Washington Post.
“Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt và khắc phục kịp thời, các vấn đề nhỏ sẽ phát triển thành những vấn đề lớn, những cú trượt nhỏ sẽ leo thang thành một trận lở đất, thậm chí có thể dẫn đến một thảm họa và lật đổ”, ông Tập viết trong ấn phẩm “Cầu Thị”.
Ông Tập đã dành nhiều năm để cúng cố vai trò lãnh đạo trong Đảng kể từ 2013 – Ảnh: REUTERS
“Trong mắt của ông Tập, một Đảng mạnh sẽ là chìa khóa cho một Trung Quốc thành công. Đó cũng là cách duy nhất để chống lại những đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ”, ông Richard McGregor, một chuyên gia nghiên cứu về Đảng Cộng sản Trung Quốc và vai trò lãnh đạo của ông Tập, nhận định.
Những cảm giác bất an đã đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến việc xem cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động không còn là một vấn đề thuần kinh tế mà đó là một nỗ lực rộng lớn hơn để kiềm chế Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, hội nghị Bắc Đới Hà, nơi tập hợp các nguyên lão và lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc, được cho là đã lặng lẽ bắt đầu từ tuần trước.
Kể từ năm 1953, khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà (Hà Bắc) đã được gọi là “thủ đô mùa hè” của Trung Quốc khi các lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc tập trung tại đây để lắng nghe những đóng góp và thậm chí phê phán từ các lãnh đạo cấp cao đã về hưu.
Các lãnh đạo Trung Quốc thường lui tới Bắc Đới Hà để tránh cái nóng của Bắc Kinh nhưng bầu không khí mát mẻ này sẽ nhanh chóng bị xua đi bởi những vấn đề nóng bỏng sẽ được thảo luận.
Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Bắc Đới Hà sớm nhất trong tuần này hoặc tuần sau. Với những gì đang diễn ra trong quan hệ Mỹ – Trung, ông Tập sẽ đóng vai trò một người lắng nghe hơn là một người đưa ra chỉ đạo tại đây, theo giáo sư Kerry Brown chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học King (Anh).
Chưa biết kết quả sẽ như thế nào nhưng hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là dịp quan trọng để ông Tập nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách, cũng như học hỏi từ các lãnh đạo tiền nhiệm cách xử lý các vấn đề trong ngoài nước.
“Mọi sự kiện diễn ra trên Biển Đông gần đây đều có liên quan đến Bắc Đới Hà. Tuổi tác không làm giảm sức ảnh hưởng chính trị của các bô lão. Họ vẫn là lực lượng luôn phải được tính đến”, cây bút Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Review (Nhật) dẫn một nguồn tin chính trị từ Trung Quốc lập luận.
Việc Mỹ bất ngờ tuyên bố áp thuế nhập khẩu thêm 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có thể là một lá bùa cứu ông Tập ở Bắc Đới Hà, theo Bill Bishop – chủ biên tờ Sinocism chuyên về Trung Quốc được đọc rộng rãi ở Mỹ.
“Ông Tập có thể sẽ lập luận rằng không ai có thể biết được ông Trump sắp làm gì và những người đang cố gắng quy trách nhiệm cho ông có động cơ thầm kín khác; rằng với bản tính đó của ông Trump, cho dù Trung Quốc có xuống nước nhượng bộ thì cũng không có gì đảm bảo ông Trump sẽ giữ lời hứa”, ông Bishop nhận định.