Hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch; Thượng nghị sĩ Bob Menendez; Thượng nghị sĩ Cory Gardner và Thượng nghị sĩ Edward Markey thuộc Tiểu ban các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương (1/8) đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch cho biết, hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Theo Thượng nghị sĩ Jim Risch, việc xác định cụ thể các biện pháp để đẩy lùi những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nên là trọng tâm chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc gặp với ASEAN tuần này tại Bangkok. Ngoài vai trò của Mỹ, điều quan trọng là các đối tác trong khu vực, nhất là ASEAN cần sát cánh bên nhau và vững vàng trước sự áp chế của Trung Quốc. Nếu không có sự phản đối mạnh mẽ với kiểu hành xử này, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động trái phép ở Biển Đông, làm suy yếu các lợi ích chung của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như thượng tôn pháp luật.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez cho rằng, điều quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành xử của họ ở Biển Đông. Chúng ta cần một chiến lược phản ánh những lợi ích sâu sắc và lâu dài của Mỹ khi hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp xây dựng Biển Đông thành nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực là trung tâm và các nước trong khu vực không bị áp chế.
Theo Thượng nghị sĩ Cory Gardner, việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động gây hấn với những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh mong đợi Ngoại trưởng Pompeo sẽ dùng cơ hội này để nhấn mạnh rằng Mỹ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Edward Markey cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông – một trong những vùng biển quan trọng nhất hành tinh – gây bất ổn sâu sắc; khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình tại đây và ủng hộ các đồng minh Đông Nam Á cũng như đối tác thực hiện các nỗ lực của họ, bao gồm cả ở Diễn đàn khu vực ASEAN tuần này. Theo Thượng nghị sĩ Edward Markey, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã ra phán quyết rõ ràng rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7) đã ra Tuyên bố về sự can thiệp trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố trên chỉ trích việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy bố cho biết: “Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ; cho biết, tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực”. Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố nhấn mạnh: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Việc giới nghị sĩ Mỹ đồng loạt đưa ra các tuyên bố phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đã điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, cùng hàng chục tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước hành động phi pháp này của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (31/7) nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (19/7) nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.