Chỉ huy Lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, Tướng Robert Brooks hôm 2/8 cho biết Quân đội Mỹ sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tập trận quy mô lớn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vào năm 2020 với chủ đề trọng tâm là Biển Đông. Động thái này cho thấy những cam kết và sự can dự ngày càng mạnh mẽ hơn của Mỹ ở khu vực này nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Inquirer của Philippines, hiện Lục quân Mỹ hiện có khoảng 85.000 binh sĩ đồn trú tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận với những nước đối tác như cuộc diễn tập mang tên Pacific Pathways (USARPAC). Mục tiêu huấn luyện của lục quân Mỹ là tăng tốc độ điều động binh sĩ từ Mỹ đến Thái Bình Dương. Kế hoạch này bao gồm đưa đại bản doanh của một sư đoàn và nhiều lữ đoàn đến Thái Bình Dương trong vòng từ 30 – 45 ngày.
Chỉ huy Lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, Tướng Robert Brooks cho hay lục quân Mỹ sẽ tiến hành hai đợt tập trận chính trong năm tài khóa 2020 ở Thái Bình Dương và châu Âu.“Họ sẽ đối diện với thách thức di chuyển đến Thái Bình Dương, nơi đã có lực lượng đồn trú đóng sẵn. Chúng tôi không đến Hàn Quốc, chúng tôi sẽ đến với bối cảnh Biển Đông và chúng tôi sẽ ở quanh vùng biển này. Một bối cảnh nữa chúng tôi có thể tiến hành tập trận là ở biển Hoa Đông”, ông Brown cho biết. Cuộc tập trận sẽ gồm những nội dung mà lục quân Mỹ chưa từng tiến hành trên quy mô lớn. Theo ông Brown, các lực lượng có thể sẽ đến Philippines, Thái Lan và có thể phối hợp với các nước khác như Malaysia, Indonesia và Brunei.
Trong thời gian gần đây, nhất là từ cuối năm 2018 đến nay, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của mình tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Hồi tháng 6, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã cùng với một trong những tàu hải quân lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay JS Izumo, tiến hành các cuộc diễn tập ở Biển Đông. Trong vòng 12 tháng qua, các tàu chiến của Australia, Canada và Pháp cũng đã hiện diện ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh Washington kêu gọi các đồng minh ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Mỹ cũng đang cho thấy những biểu hiện của một lập trường cứng rắn hơn đối với lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự ngụy trang thành đội tàu cá thường quấy nhiễu các tàu nước ngoài nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.Tháng 1/2019, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đã cảnh báo tại Bắc Kinh rằng Hải quân Mỹ sẽ coi các tàu dân quân trên biển là tàu chiến và phản ứng trước các hành động khiêu khích giống như phản ứng với các tàu Hải quân Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đã kêu gọi lưu ý đến lực lượng dân quân trên biển này trong báo cáo năm 2017 về sức mạnh quân sự Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc sử dụng đội tàu cá thương nghiệp tham gia vào “xâm lược vùng xám”, “thực hiện yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình theo các cách được tính toán sao cho nằm dưới ngưỡng gây xung đột”. Đến năm nay, Mỹ mới thực sự bắt đầu gây áp lực cho các lực lượng dân quân của Trung Quốc.
Theo nhận định của chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược ở Washington (CSIS), Bonnie Glaser thì bằng cách tạo thêm sự thiếu chắc chắn về phản ứng của Mỹ trước hành động ép buộc ở vùng xám của Trung Quốc, Mỹ hy vọng sẽ làm giảm thái độ gây bất ổn trên biển của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng các tàu cảnh sát biển và dân quân trên biển để áp đảo các nước láng giềng nhỏ bé hơn”. Ngày 1/3/2019, khi đến thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhận xét: “Hành vi xây đảo và hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa chủ quyền, an ninh và hoạt động kinh tế của Philippines và Mỹ”; lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines sẽ được sử dụng thích hợp ở Biển Đông, nếu quân đội, máy bay hoặc tàu thuyền của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông, Mỹ sẽ bảo vệ nước này căn cứ theo nghĩa vụ phòng thủ chung trong Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Đó là động thái chính trị quan trọng hỗ trợ rất lớn về tinh thần cho Philippines trong tình hình chính quyền Duterte có nhiều thỏa hiệp với Trung Quốc tại Biển Đông.