Manila đã kiên quyết cấm tàu khảo sát Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hôm 12/8 Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. thông báo đã thêm Trung Quốc vào danh sách các nước không được phép đưa tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Philippines.
Ngoại trưởng Locsin viết trên Twitter: “Tôi đã cấm các tàu khảo sát hàng hải, sửa đổi hạn chế đối với tàu Pháp và Nhật Bản bằng cách thêm vào Trung Quốc”. Ông tỏ thái độ dứt khoát: việc trao ngoại lệ cho một nước sẽ khiến lệnh cấm bị vô hiệu và gây ra những tiêu cực.
Từ hôm 10/8, ông Locsin cũng đã ra tuyên bố sẽ trao công hàm phản đối về sự hiện diện của 2 tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuyên bố của ông đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phản đối sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ của Philippines.
Mặc dù cuối tháng 8 Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tới Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các cơ quan ngoại giao, quốc phòng của Philippines vẫn có những tuyên bố và những hành động rất cứng rắn.
Tổng thống Duterte nói rõ lý do ông tới Bắc Kinh không phải để thăm thú ngoại giao mà là do Trung Quốc trì hoãn bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), gây ra nhiều sự cố trên biển, buộc ông phải gặp ông Tập để tỏ rõ thái độ. Cũng nhân dịp này ông Duterte sẽ bàn về việc thực thi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực LHQ tại Lahaye, kiên quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thời gian qua Tổng thống Durterte đã có nhiều phát ngôn gây sốc đối với dân chúng trong nước. Ông phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích về thái độ sớm nắng chiều mưa, về cách tiếp cận gây tranh cãi với Bắc Kinh, khi ông né tránh đối đầu với các vấn đề gai góc. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng hung hăng thực hiện âm mưu bành trướng trên biển. Gần đây nhất là đưa tàu chiến vào khu vực EEZ của Philippines, Việt Nam.
Không chỉ có nguồn tin nội bộ, tuần trước, chuyên gia Ryan Martinson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đã đăng tải loạt hình ảnh cho thấy hai tàu khảo sát của Trung Quốc là Zhanjian và Dong Fang Hong 3 đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Chính phủ Philippines đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh vì sự hiện diện của hơn 100 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông, mà Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết là đã xảy ra vài lần kể từ tháng 2, gần đây nhất là vào tháng 7. Vụ phản đối mới của Manila là khi 2 tàu khảo sát của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Vì sao Bắc Kinh vẫn phớt lờ sự phản đối của các nước bị họ “bắt nạt”? Họ vẫn cố tình dùng đường 9 đoạn để biện hộ cho hành động xâm lược, dù cái “lưỡi bò” này đã bị cắt. Tòa trọng tài LHQ trong phán quyết ngày 12-7-2016 đã bác bỏ hoàn toàn sự phi lý này.
Là một thành viên UNCLOS, thậm chí từng tham gia dự thảo bộ luật biển này, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết này. Phán quyết cũng đã nêu rõ không thực thể nào ở Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) có đủ điều kiện để có EEZ riêng, tức viện dẫn pháp lý của Trung Quốc là không có giá trị.
Mặc cho dư luận lên án. Mặc các nước gửi công hàm phản đối, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đưa các loại tàu chiến quần thảo trong “ao nhà” của họ. Ngay như việc Trung Quốc đã đưa tàu hải cảnh ra khỏi Bãi Tư Chính của Việt Nam nhưng đó cũng chỉ là cách thăm dò thái độ và phản ứng của đối phương. Tàu Trung Quốc sẽ quay trở lại, hoặc họ sẽ có những hành động bất ngờ nào đó, như các hoạt động quân sự trên các đảo tôn tạo trái phép, thăm dò dầu khí…
Vì thế việc Philippines tỏ thái độ dứt khoát trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte là hành động tích cực. Trung Quốc là thế, mềm nắn, rắn buông. Những ngọn sóng bất thần sẽ nhấn chìm kẻ ngông cuồng không để anh ta bơi trên mặt nước bình yên quá dễ dàng.