Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Bắc Đới Hà: Tập Cận Bình đang đối diện thách...

Hội nghị Bắc Đới Hà: Tập Cận Bình đang đối diện thách thức lớn chưa từng có

Giới truyền thông khu vực cho biết, cuộc họp kín thường niên trong ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và những người tiền nhiệm đã bắt đầu tạu khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. Trong cuộc họp năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang đối diện với thách thức lớn chưa từng có.

Cuộc họp thường niên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc

Hội nghị Bắc Đới Hà là hội nghị kín được tổ chức tại khu nghỉ mát nổi tiếng của tỉnh Hà Bắc vào khoảng tháng 8 mỗi năm, là dịp để các cựu lãnh đạo cấp “nguyên lão”, bày tỏ quan điểm về những vấn đề nóng bỏng của đất nước cũng như thảo luận về chính sách của chính quyền đương nhiệm. Trong khi đó, theo giới học giả, Bắc Đới Hà là nơi các lãnh đạo cấp cao có thể gặp nhau trong các cuộc họp không chính thức để trao đổi quan điểm của họ về các chính sách lớn. Sự kiện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc. Những đóng góp này thường được tiếp thu và đưa vào các cuộc họp hoạch định chính sách bắt đầu vào tháng 10 ở Bắc Kinh.

Trong những năm qua, Trung Quốc thường không công khai và không thừa nhận về cuộc họp thường niên ở Bắc Đới Hà. Tuy nhiên, tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây tiết lộ thông tin “Thay mặt Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ông Trần Hi, ủy viên Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã gửi lời chào, chúc sức khỏe tới các chuyên gia tại Bắc Đới Hà. Đi cùng với ông có Phó thủ tướng Quốc vụ viện Tôn Xuân Lan”. Giới chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cuộc họp kín của giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà. Nhiều khả năng, Hội nghị trên đã được tổ chức vào ngày 3/8/2019.

Bắc Đới Hà trở thành địa chỉ chính trị quan trọng của Trung Quốc sau khi ông Mao Trạch Đông cho lập “văn phòng mùa hè” tại đây cho các quan chức cấp cao ở trung ương tránh cái nóng của Bắc Kinh. Kể từ đó, nhiều quyết sách mang dấu ấn lịch sử đã được đưa ra ngay ở khu nghỉ dưỡng này, trong đó có chiến lược Đại Nhảy Vọt. Tuy nhiên, sự kiện được đánh giá là đang suy giảm tầm quan trọng dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Nhiều nhà phân tích nhận định ông Tập Cận Bình còn có nhiều “kênh” khác đề tập hợp ý kiến các quan chức cấp cao đã về hưu, chứ không quá phụ thuộc vào Bắc Đới Hà. Phần lớn giới quan sát chính trị Trung Quốc đánh giá hội nghị bí mật mùa hè ở Hà Bắc vẫn đóng một vai trò nhất định trên chính trường Trung Quốc. Sự kiện là cơ hội để ông Tập đánh giá lại và điều chỉnh chính sách kịp thời. 

Được biết, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khoảng 300 km về phía đông, được xem là nơi nghỉ dưỡng cho nhiều lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là nhóm những cựu lãnh đạo vẫn còn sức ảnh hưởng trên chính trường. Ngoài việc dành thời gian rảnh rỗi để tận hưởng không khí biển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thường xuyên gặp nhau tại Bắc Đới Hà, nơi họ duy trì các cuộc gặp họp định kỳ hàng tuần của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, các cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị, cũng như các cuộc họp của những cơ quan hàng đầu trong đảng, chính phủ và quân đội. Trong khi đó, các quan chức của một số cơ quan trung ương quan trọng cũng đến Bắc Đới Hà, sẵn sàng được gọi tới để báo cáo, hoặc tham vấn cho các lãnh đạo. Đại diện của các cơ quan trong đảng ở tại khu biệt thự phía tây một bãi biển riêng, trong khi quan chức chính phủ ở phía đông.

Các nhà phân tích tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ sử dụng cuộc họp ở Bắc Đới Hà để đạt sự đồng thuận giữa các lãnh đạo Trung Quốc đương chức và về hưu về cách xử lý tác động chính trị từ cuộc chiến thương mại, biểu tình ở Hồng Công và các vấn đề cấp bách khác. Theo Phó Giáo sư Alfred Wu, Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore cho rằng, tất cả những vấn đề này đều có ý nghĩa chiến lược với lợi ích và sự phát triển cốt lõi của Trung Quốc, liên quan đến việc liệu họ có đạt được hai mục tiêu lớn mà Chủ tịch Tập vạch ra, gồm trở thành “xã hội khá giả” vào năm 2021 và biến Trung Quốc thành “quốc gia giàu có, mạnh mẽ, dân chủ, văn minh và hài hòa” vào năm 2049.

Thách thức bủa vây Tập Cận Bình

Giới chuyên gia nhận định, cuộc họp năm nay sẽ tập trung vào một số vấn đề: Một là cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang đến hồi leo thang sau khi Trump áp thêm thuế lên hàng hoá Trung Quốc. Thương chiến có thể kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức thấp gây tổn hại uy tín của ông Tập. Hai là biểu tình rầm rộ ở đặc khu Hong Kong chống dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu vãn hồi, thách thức quyền lực của chính quyền Trung ương ở Bắc Kinh tại đặc khu này. Ba là vấn đề Đài Loan đang nóng bỏng khi chính quyền Đài Bắc bác yêu sách “Một quốc gia – hai chế độ” của Bắc Kinh, đẩy mạnh mua vũ khí và tăng cường quan hệ với Mỹ. Bốn là vấn đề trên Biển Đông với các hành vi gây hấn của Trung Quốc thời gian qua tại đây khiến nước này vấp phải chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề thâm căn cố đế khác của nền kinh tế Trung Quốc: Từ cải cách tài khoá – tài chính, chính sách an sinh đến cải tổ doanh nghiệp nhà nước…

Về quan hệ Trung – Mỹ.Giáo sư Kerry Brown, Đại học King ở London, Anh, cho biết ông tin rằng trọng tâm của cuộc gặp năm nay sẽ là sự suy thoái chung của môi trường quốc tế, đặc biệt là quan hệ Trung – Mỹ. Theo ông Kerry Brown, “cuộc gặp này sẽ tập trung vào các vấn đề bên ngoài hơn bao giờ hết bởi vì – nói thật là – không phải ông Tập, cũng không phải bất cứ ai khác, biết phải làm gì với một nước Mỹ dưới sự lãnh đạo chia rẽ, quyết đoán như vậy. Vị thế của Mỹ ở thời điểm này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là một mối nguy hiểm rất thực tế”.

Cuộc gặp diễn ra sau hơn một năm trả đũa thuế quan và leo thang đối đầu giữa hai cường quốc địch thủ lớn của thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ công nghệ, ý thức hệ, vấn đề Đài Loan cho đến an ninh khu vực và toàn cầu. Hiện Washington đã áp đặt thuế suất 25% lên khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và đe dọa sẽ mở rộng cho tất cả hàng hóa Trung Quốc, nếu các cuộc đàm phán thương mại thất bại. Mỹ cũng đã khơi nào một cuộc chiến công nghệ, đưa vào danh sách đen một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông Huawei. Trung Quốc trả đũa bằng các biện pháp tương tự nhưng kiềm chế hơn.

Cũng có một số lời chỉ trích về sự thổi phồng trong việc tuyên truyền những thành tựu của Trung Quốc trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại và quốc phòng ngày càng quyết đoán của nước này. Một số quan chức tin rằng tất cả những chính sách này đều đã góp phần làm xấu đi nhanh chóng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây.

Cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ – Trung cũng đã phơi bày một số sự thật không dễ chịu về cảm giác bị thổi phồng quá mức về sức mạnh quốc gia của Trung Quốc. Sự yếu kém về năng lực khoa học và công nghệ, tính dễ bị tổn thương về kinh tế và vị trí thực sự của Trung Quốc trên trường quốc tế đều bị lộ ra trong cuộc thương chiến.

Vấn đề Hồng Công, Đài Loan: Các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra ở Hồng Công cũng sẽ đứng đầu chương trình nghị sự tại Bắc Đới Hà, trong các cuộc họp chính thức hoặc không chính thức. Trong vài tuần, các cuộc biểu tình chống lại một dự luật về dẫn độ đã phát triển thành phong trào rộng lớn hơn với một trong những mục tiêu là chống lại sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với thuộc địa cũ của Anh. Người biểu tình ban đầu xuống đường phản đối một dự luật, đang bị đình chỉ, sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục. Song sau đó họ đã quay sang nhắm vào chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, với một số người biểu tình phá hoại mặt tiền văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương ở Hồng Công, ném trứng và bắn sơn đen lên quốc huy của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu và kéo theo sự chỉ trích rộng rãi ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ và Anh, về cách Bắc Kinh xử lý các vấn đề ở Hồng Công. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có thể coi phong trào biểu tình lần này là thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự cai trị của Trung Quốc kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Bắc Kinh vào năm 1997. Bắc Kinh cũng lo ngại tình trạng bất ổn liên tục tại đặc khu này có thể làm tổn hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bà Thái Anh Văn của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) – phe ủng hộ Đài Loan độc lập – lên nắm quyền vào năm 2016, Bắc Kinh nhìn thấy hy vọng cải thiện quan hệ từ sự thay đổi lãnh đạo trong cuộc bầu cử sắp tới tại Đài Loan. Cuộc đua này sẽ không chỉ là cuộc đấu giữa phe ủng hộ hòn đảo tự trị này độc lập và phe thân đại lục, mà còn là cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.

Bất chấp thất bại nặng nề của DPP trước KMT trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái, triển vọng tái đắc cử của bà Thái – và cũng là triển vọng cho DPP của bà trong cuộc cạnh tranh ở lập pháp viện – gần đây đã được cải thiện đáng kể do đảng đã mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh, cũng như ủng hộ người biểu tình ở Hồng Công.

Khi chỉ còn sáu tháng nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu, Bắc Kinh cần đưa ra một số biện pháp đối phó, trong nỗ lực giúp đảng mà họ ủng hộ tạo ra bước ngoặt trước các cuộc bầu cử quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng phải thảo luận về các biện pháp đại tu và phục hồi nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ vì nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã chứng kiến mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong quý vừa qua, mà còn vì không có dấu hiệu cho thấy xu hướng tụt dốc kéo dài 12 năm sẽ dừng lại.

Về kinh tế: Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 – con số thấp nhất hàng quý kể từ khi nước này bắt đầu thống kê tháng 3/1992. Song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ qua, từ mức tăng trưởng 14,23% trong 2007 xuống còn 9,5% vào năm 2011, 7,3% vào năm 2014 và 6,6% vào năm ngoái. Xu hướng tụt dốc đó đã tăng tốc theo từng quý kể từ năm ngoái và số liệu mới nhất đặt ra câu hỏi nghiêm túc rằng khi nào tăng trưởng có thể dừng lại. Những con số đòi hỏi một cuộc cải cách căn bản đối với hệ thống kinh tế do nhà nước lãnh đạo cũng như hành động mạnh mẽ của chính phủ.

Các nhà phân tích tin rằng ông Tập sẽ sử dụng các cuộc họp ở Bắc Đới Hà để cố đạt được sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo về cách xử lý hệ quả  chính trị từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, các cuộc biểu tình ở Hong Kong và các vấn đề cấp bách khác.

Tất cả những vấn đề này đều có ý nghĩa chiến lược đối với lợi ích quốc gia cốt lõi và sự phát triển của Trung Quốc, liên quan đến việc liệu quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể đạt được “hai mục tiêu trăm năm” như ông Tập đề ra hay không: Một là xây dựng “xã hội tiểu khang” vào năm 2021 – kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, và hai là đưa Trung Quốc trở thành quốc gia “giàu có, quyền lực, dân chủ, văn minh và hài hòa” vào năm 2049 – kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

RELATED ARTICLES

Tin mới