Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung quan trọng tại các Hội nghị bên lề...

Một số nội dung quan trọng tại các Hội nghị bên lề AMM 52

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng như ARF, EAS, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ

Tại Hội nghị các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thay mặt các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Saleumxay Kommasith, nước điều phối quan hệ ASEAN-Mỹ, khẳng định quan hệ ASEAN-Mỹ tiếp tục củng cố và tăng cường trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Chia sẻ nhận định này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với ASEAN và khu vực; hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ủng hộ đoàn kết và vai trò trò trung tâm của ASEAN. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác biển, đảm bảo an ninh mạng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan, quản trị tốt, kết nối số, hợp tác thành phố thông minh, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác Tiểu vùng Mekong…

Về tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, trong đó tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hoá và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và hướng đến hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Mỹ luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ; khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên thực chất, nhất là đẩy mạnh trao đổi thương mại-đầu tư, đổi mới công nghệ và sáng tạo, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, năng lượng, phát triển hạ tầng… Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hoá, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc

Trong phát biểu chung thay mặt các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodore Locsin, nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN-Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Chia sẻ quan điểm này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục hơn nữa các nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD và đầu tư đạt 150 tỷ USD vào năm 2020; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối và phát triển bền vững. Các bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất thông qua các tuyên bố của lãnh đạo hai bên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22 cuối năm 2019 về phát triển thành phố thông minh, đẩy mạnh giao lưu truyền thông và gắn kết kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI); nhất trí xác định năm 2020 là năm hợp tác ASEAN-Trung Quốc về kinh tế số. Hai bên cũng khẳng định lại cam kết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP); ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ. Nhân dịp hội nghị, các bộ trưởng đã chính thức khởi động Chương trình Học bổng lãnh đạo trẻ ASEAN – Trung Quốc và nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên. Hai bên cũng nhất trí thảo luận và xây dựng Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 tiếp nối Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020.

Về tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân…

Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga

Tại Hội nghị, hai bên ghi nhận mốc phát triển quan trọng với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược cuối năm 2018; nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các trụ cột hợp tác, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh mạng, nông nghiệp, tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục, kết nối, du lịch, giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí tiếp tục tìm hiểu khả năng tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU); triển khai hiệu quả Tuyên bố ASEAN – Nga về an ninh trong sử dụng công nghệ thông tinvà liên lạc, trong đó có việc thành lập Đối thoại ASEAN – Nga về công nghệ thông tin – truyền thông.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU

Tại Hội nghị, hai bên khẳng định EU và ASEAN là các tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, đi đầu trong thúc đẩy liên kết khu vực, hợp tác đa phương và tự do hóa thương mại – đầu tư. ASEAN và EU cũng chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và quốc tế, là những người bạn tin cậy lâu năm và là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau. EU tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) nhiều nhất vào ASEAN và có lượng khách du lịch viếng thăm ASEAN lớn thứ 2 trong số các Đối tác. Các bộ trưởng khẳng định nỗ lực sớm chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược; nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh mạng, quản lý biên giới, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Hai bên ghi nhận việc EU đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore và ký kết FTA với Việt Nam, coi đây là những bước đi quan trọng giúp hai bên tiến tới xây dựng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – EU trong tương lai.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Australia

Tại Hội nghị, các nước ASEAN đánh giá Australia là đối tác lâu năm, là người bạn tin cậy của ASEAN, đã tích cực hợp tác hiệu quả, hỗ trợ ASEAN trong liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng cũng như trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ứng phó với các thách thức an ninh đang nổi lên. Hai bên nhất trí thúc đẩy các ưu tiên hợp tác như triển khai hiệu quả Sáng kiến chống buôn bán người ASEAN – Australia (2018-2028), tăng cường hợp tác về an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực hướng tới nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AAZFTA), tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mở rộng đầu tư, tăng cường kết nối, hợp tác tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong. Nhân dịp này, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động ASEAN – Australia cho giai đoạn mới 2020-2024.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Ấn Độ thời gian qua, nhất là kết quả tốt đẹp của Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa hai bên trong năm 2018. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như hợp tác biển và kinh tế biển xanh, công nghệ thông tin, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, y tế – dược phẩm, phát triển nguồn nhân lực, kết nối, phát triển hạ tầng, trong đó có kế hoạch kết nối mạng đường bộ cao tốc từ các nước ASEAN tới Ấn Độ.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ chia sẻ về một số vấn đề còn tồn tại trong đàm phán, khẳng định Ấn Độ sẽ nỗ lực cùng các nước sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP). Ấn Độ cũng cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam đã tích cực đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa hai bên trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2015-2018.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hàn Quốc

Tại Hội nghị, các nước ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc tích cực triển khai Chính sách Hướng Nam Mới tăng cường hợp tác với ASEAN trên ba trụ cột hòa bình – thịnh vượng – con người (3P). Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa (MSMEs), phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… ASEAN hoan nghênh đề xuất của Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác lao động tay nghề cao và mở rộng các chương trình học bổng và đào tạo nghề dành cho các nước ASEAN. Hai bên nhất trí nỗ lực sớm hoàn tất Hiệp định Dịch vụ hàng không ASEAN – Hàn Quốc; gia tăng lượng khách du lịch lên 15 triệu người đến năm 2020. Các bộ trưởng nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN – Hàn Quốc tại Busan, Hàn Quốc vào cuối năm 2019.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Canada

Tại Hội nghị, các nước ASEAN ghi nhận sự ủng hộ của Canada đối với vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hỗ trợ của Canada đối với ASEAN trong liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng. ASEAN và Canada nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, mở rộng thương mại – đầu tư, kết nối, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực và gia tăng lượng khách du lịch giữa hai bên. Hai bên cũng khẳng định cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương công bằng, dựa trên luật lệ, tăng cường cơ chế đối thoại về thương mại giữa ASEAN và Canada, phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng ASEAN và các Đối tác chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – New Zealand

Tại Hội nghị, các nước ASEAN hoan nghênh New Zealand triển khai chiến lược Con người và chiến lược Thịnh vượng nhằm thúc đẩy quan hệ gắn kết chặt chẽ với ASEAN. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng, kết nối vận tải hàng không, đầu tư, kinh tế số, nông ngư nghiệp… Các nước ASEAN đánh giá cao New Zealand có những hỗ trợ cụ thể cho ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, giao lưu nhân dân, xây dựng năng lực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua Trung tâm ASEAN về cứu trợ nhân đạo.

Phát biểu tại các hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa ASEAN với New Zealand, nhất là hợp tác biển, kết nối và phát triển bền vững, kinh tế – thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế số, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch, giao lưu nhân dân… Chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại các nguyên tắc đã được nhất trí của ASEAN, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng và đe doạ vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, đề cao luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn tất COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các nước ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 12

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá hợp tác Mekong – Nhật Bản đã có những tiến triển, đóng góp hiệu quả vào phát triển và thịnh vượng ở khu vực. Hội nghị đã tập trung trao đổi việc triển khai Chiến lược Tokyo 2018, tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm giao lưu Mekong – Nhật Bản, và định hướng hợp tác cho thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực như tình hình bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố đồng chủ tịch và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong – Nhật Bản lần thứ 13 tại Nhật Bản trong năm 2020. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định cam kết của Việt Nam phối hợp cùng Nhật Bản và các nước Mekong triển khai thành công Chiến lược Tokyo 2018. Nhằm thiết lập một tầm nhìn về một Mê Công xanh, kết nối sống động, hiệu quả, và lấy con người làm trung tâm, Phó Thủ tướng cũng đề xuất một số nội dung mà hợp tác Mekong – Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới, gồm: Hỗ trợ các nước Mê Công giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mê Công; Phát triển nông nghiệp thông minh; và xây dựng năng lực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; Cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, và môi trường kinh doanh; Hỗ trợ các nước Mê Công phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp, nông nghiệp và kỹ thuật số.

Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong – Hàn Quốc lần thứ 9

Tham dự có các nước Mekong là Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và đối tác Hàn Quốc. Các Bộ trưởng đánh giá cao đóng góp của Hàn Quốc đối với khu vực Mekong trong thời gian qua thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Quỹ hợp tác Mekong – Hàn Quốc (MKCF); hoan nghênh Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với tầm nhìn về “Một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm”; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực như vấn đề Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên và các thách thức phi truyền thống. Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố đồng Chủ tịch và thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong – Hàn Quốc tiếp theo tại Việt Nam vào năm 2020.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-sông Hằng (MGC) lần thứ 10

Tại Hội nghị, sau khi thảo luận về tình hình hợp tác thời gian qua, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và ứng phó với các thách thức chung cũng như phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa các nước Mekong và Ấn Độ, các Bộ trưởng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động của Hội nghị giai đoạn 2019-2022, trong đó bổ sung 3 lĩnh vực hợp tác mới là quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng; tiếp tục tăng cường hợp tác về nông nghiệp, thuỷ sản, y tế, thương mại, văn hoá và du lịch. Hội nghị cũng hoan nghênh việc Ấn Độ trở thành đối tác phát triển của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao các hoạt động mà hợp tác Hội nghị đã triển khai trong thời gian qua và cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho khu vực Mekong. Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 là kỷ niệm 20 năm hợp tác MGC và đây là thời điểm để xây dựng lộ trình đưa hợp tác MGC lên tầm cao mới. Phó Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường hợp tác kết nối, nhất là việc mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển, cũng như mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam, đồng thời tích cực nghiên cứu các dự án hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức nối liền khu vực Mekong và Ấn Độ; thuận lợi hoá thương mại và đầu tư thông qua xoá bỏ các rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch, và phát triển chuỗi cung ứng khu vực; thúc đẩy quản lý nguồn nước bền vững, đặc biệt là việc thực hiện các dự án về thu thập và giám sát dữ liệu tài nguyên nước, quản lý nước ngầm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt và hạn hán.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung lần thứ 10, Kế hoạch hành động hợp tác MGC giai đoạn 2019-2022 và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong- sông Hằng lần thứ 11 tại Việt Nam trong năm 2020.

Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong lần thứ 12 (LMI)

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Camppuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN. Trong thời gian qua, thông qua các chương trình cụ thể, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của ASEAN, LMI đã giúp nâng cao năng lực cho các nước Mekong trong quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường năng lượng khu vực; xây dựng mạng lưới đào tạo tập trung vào khoa học và sáng tạo; ứng phó với thiên tai và dịch bệnh; trao quyền cho phụ nữ; và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững… Các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến của Mỹ về Chương trình tác động chung LMI nhằm gắn các dự án của LMI với nhu cầu thực tế của từng địa phương…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thông báo sẽ cùng Nhật Bản thiết lập “Đối tác năng lượng khu vực Mekong” nhằm hỗ trợ các nước Mekong bảo đảm an ninh năng lượng bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh đóng góp của Mỹ đối với sự phát triển của khu vực thông qua LMI. Phó Thủ tướngđánh giá cao LMI về cách tiếp cận tổng thể đối với vấn đề nguồn nước-năng lượng- lương thực, tập trung nâng cao vai trò của nữ giới và phát triển nguồn nhân lực, đóng góp quan trọng vào xây dựng Cộng đồng ASEAN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác cần tập trung thời gian tới, bao gồm: Nâng cao năng lực thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hiệu quả về kinh tế, bền vững về tài chính, môi trường và xã hội; tăng cường năng lực hoạch định chính sách quản lý nguồn nước sông Mekong và xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại kỹ thuật số. Phó Thủ tướng cũng khẳng định vai trò quan trọng của Nhóm những người bạn của Hạ nguồn Mekong trong việc huy động hỗ trợ của các đối tác giúp khu vực Mekong đạt mục tiêu phát triển.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm lần thứ 10 Sáng kiến Hạ nguồn Mekong

Phát biểu tại các Hội nghị nói trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN đóng góp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như trao đổi thương mại, đầu tư, kết nối, phát triển tiểu vùng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế số, hợp tác biển, an ninh mạng, du lịch…

Về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động quân sự hóa và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới