Trong bối cảnh ngày càng nhiều dư luận lên án, phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương trong khuôn khổ ASEAN tại Thái Lan hôm 31/7-2/8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ngang nhiên thông báo tiến hành tập trận trái phép ở Hoàng Sa. Đông thái này cho thấy, Bắc King đang hành động một cách bất chấp, ngang ngược.
Một số diểm đáng chú ý về thời gian, địa điểm tập trận của TQ
Theo 02 thông báo phát đi của Cục Hải sự Trung Quốc hôm 5/8, quân đội nước này tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ ngày 6-7/8. Theo thông báo thứ nhất, cuộc tập trận bắt đầu từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 6.8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 50,6 phút vĩ Bắc/112 độ 21 phút kinh Đông, 16 độ 59 phút vĩ Bắc/112 độ 21,4 phút kinh Đông, 16 độ 58,1 phút vĩ Bắc/112 độ 27,9 phút kinh Đông và 16 độ 52,7 vĩ Bắc/112 độ 30,8 phút kinh Đông. Theo thông báo thứ hai, cuộc tập trận bắt đầu từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 7.8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 26,9 phút vĩ Bắc/112 độ 42,7 phút kinh Đông, 16 độ 26,20 phút vĩ Bắc/111 độ 50 phút kinh Đông,16 độ 20,30 phút vĩ Bắc/111 độ 44,7 phút kinh Đông và 16 độ 22,52 phút vĩ Bắc/111 độ 36,66 phút kinh Đông.
Cuộc tập trận nói trên của TQ là hoàn toàn phi pháp
Thứ nhất, theo các tọa độ được nêu trong các thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp từ năm 1974. Việt Nam luôn kiên định phản đối các cuộc tập trận và những hoạt động phi pháp khác của Trung Quốc ở Hoàng Sa, đồng thời khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế”. Thực tế này đã và đang được cộng đồng quốc tế thừa nhận theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thứ hai, Trung Quốc ngang nhiên thông báo cấm tàu thuyền các nước không tiến vào vùng biển nêu trên trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận. Cục Hải sự Trung Quốc không nêu rõ số lượng binh sĩ, khí tài quân sự tham gia hoạt động. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ vụ việc tai nạn nào diễn ra trong khu vực này khi diễn ra các cuộc tập trận này. Với những hoạt động tập trận bắn đạn thật, thì hoạt động hàng không và hàng hải quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải tránh, chuyển hành trình. Ngoài ra, việc ngư dân các nước khi di chuyển cũng có thể rơi vào khu vực mà Trung Quốc tập trận. Thực tế, ngư dân Việt Nam và Philippines đã từng vớt được các thiết bị mà Trung Quốc trong khi tập trận bị thất lạc ở trên biển.
Thứ ba, các cuộc tập trận diễn ra sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống đến khu vực bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Động thái tập trận của Trung Quốc gây phức tạp tình hình, không có lợi cho việc giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, đi ngược lại với những nỗ lực chung của cộng đồng các nước.
Thứ tư, những hoạt động tập trận của Trung Quốc đi ngược lại với những cam kết không quân sự hóa Biển Đông của giới lãnh đạo Bắc Kinh, không có lợi cho tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa, cũng như có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng trở thành thành phố, căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về COC và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Dư luận các nước phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
Các hoạt động tập trận trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc tại Biển Đông và yêu cầu các nước này không để tái diễn các hoạt động tương tự. Bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố “Các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở của Trung Quốc, Đài Loan ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về DOC, gây phức tạp tình hình không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về COC và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây ra căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở khu vực”.
Năm 2018, Mỹ đã quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2018 (RIMPAC-2018) để phản đối các hoạt động quân sự hóa và tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Reuters dẫn lời Trung tá Christopher Logan, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Chúng tôi rút lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 như là phản ứng đầu tiên trước những hành động quân sự hóa liên tục gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông”. Báo chí, truyền thông và giới chuyên gia các nước cũng đưa ra nhiều bình luận, nhận định nhiều về hoạt động tập trận liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo chí Australia nhận định rằng hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại, trong bối cảnh leo thang tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Hãng Reuters của Anh cho rằng sự hiện diện và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng và các nguy cơ xảy ra sự cố trên biển.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng các hoạt động tập trận và hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác trong khu vực. Những hoạt động này của Trung Quốc thể hiện chính sách bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại đến các quy chuẩn của luật pháp quốc tế và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp của các nước. Ngoài ra, những hoạt động quân sự của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hoạt động hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế, cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước. Giới quan sát các nước cho rằng thời gian tới, Trung Quốc còn tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động quân sự và gia tăng kiểm soát ở Biển Đông bất chấp những nỗ lực của ASEAN và các tuyên bố của Trung Quốc về thúc đẩy đàm phán ký kết COC. Vì vậy, các nước nhất là ASEAN cần tăng cường đoàn kết, trao đổi, phối hợp trong xử lý, đối phó đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là cần có tiếng nói chung trong vấn đề này.