Thái Lan đang xúc tiến việc mua thêm các tàu ngầm và vũ khí của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hiện hóa lực lượng hải quân và tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Theo các nguồn tin, kế hoạch trên của Quân đội Thái Lan đang chờ Quốc hội nước này phê chuẩn trong ngân sách quốc phòng năm 2020, trong đó ngân sách dành cho việc mua chiếc tàu ngầm thứ 2 từ Trung Quốc trị giá 12 tỷ baht (389 triệu USD). Trước đó, chính phủ Thái Lan đã đồng ý về nguyên tắc với kế hoạch mua 3 tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất, một phần trong kế hoạch mua sắm quốc phòng trị giá 36 tỷ baht (1,1 tỷ USD). Hợp đồng giữa hải quân Thái Lan và Công ty Đóng tàu Ngoài khơi và Quốc tế Trung Quốc được ký kết vào tháng 5/2017. Kế hoạch thanh toán cho tàu ngầm đầu tiên được chia thành 7 đợt. Quá trình đóng tàu được bắt đầu vào tháng 8/2018, tàu dự kiến được bàn giao cho hải quân Thái Lan vào năm 2023. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho rằng việc mua sắm các tàu ngầm là cần thiết để nâng cao năng lực và hiện đại hóa lực lượng hải quân nước này.
Hợp đồng mua bán vấp phải sự phản đối từ người dân và nội bộ chính quyền Thái Lan
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan mang tên Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia đã tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng thêm 20% từ mức 183 tỷ bath lên thành 227 tỷ bath so với mức 5 triệu baht vào năm 2013. Sau tuyên bố của quân đội Thái Lan muốn mua thêm 14 xe tăng VT-4 của Trung Quốc, nhà hoạt động chính trị Srisuwan Janya đã kêu gọi tiến hành điều tra về tính minh bạch của các thương vụ mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Thái Lan.
Hải quân Thái Lan từng lên kế hoạch mua tàu ngầm trong nhiều năm nhưng không được thông qua. Năm 2011, hải quân Thái Lan đề xuất kế hoạch mua 6 tàu ngầm điện diesel cũ của Đức với chi phí khoảng 7,7 tỷ baht (250 triệu USD). Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị chính phủ bà Yingluck Shinawatra từ chối. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Yutthasak Sasiprapa cũng không đồng tình với kế hoạch mua sắm đó. Tuy vậy, kế hoạch mua tàu ngầm có những chuyển biến sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014.
Kế hoạch được đưa ra thảo luận trước nội các vào ngày 25/10/2016. Ngân sách cho kế hoạch được yêu cầu thực hiện trong vòng 11 năm. Điều này phù hợp với quy định của Thái Lan rằng bất kỳ khoản ngân sách nào phải cam kết không thay đổi trong vòng 5 năm và phải được Quốc hội phê duyệt trong vòng 60 ngày kể từ khi ngân sách được nội các thông qua. Tháng 4/2017, nội các Thái Lan đã chấp thuận việc mua tàu ngầm S26T, lớp Yuan do Trung Quốc chế tạo trị giá 13,5 tỷ baht (khoảng 437 triệu USD).
Vì sao Thái Lan chọn mua vũ khí và tàu ngầm từ TQ?
Thứ nhất do giá thành thấp. Bên cạnh việc mua thêm tàu ngầm, hải quân Thái Lan còn có kế hoạch mua thêm 2 tàu đổ bộ do Trung Quốc chế tạo, trị giá 130 triệu USD. Nguồn tin hải quân Thái Lan cho biết họ muốn mua tàu đổ bộ do Trung Quốc đóng mới vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với các nước khác như Nga, Mỹ hay Pháp.
Thứ hai là do mối quan hệ đồng minh phai nhạt với Mỹ, trong khi nồng ấm với Trung Quốc. Việc chính quyền quân đội Thái Lan mua xe tăng, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên bởi trước đó chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã hạ dần mức thân thiết với Thái Lan và buộc Thái Lan xích lại gần Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng dưới thời lãnh đạo của nhiều chính quyền tiền nhiệm, quân đội Thái Lan cũng đã có những mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Chính quyền quân sự Thái Lan cũng hoan nghênh các khoản đầu tư, thương mại, viện trợ và mua thiết bị quân sự từ Trung Quốc đồng thời cố cân bằng chính sách đối ngoại giữa một bên là Nga và Trung Quốc với một bên là Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, việc Thái Lan mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc đã từng xảy ra trong quá khứ.
Thứ ba là do công nghệ không ngừng cải thiện của Trung Quốc. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu khoảng 50 tàu ngầm tấn công diesel- điện và dự kiến sớm đưa thêm nhiều tàu vào biên chế từ nay đến 2020, theo báo cáo của tình báo quân đội Mỹ (DIA) vừa mới đây. Trong khi đó, Thái Lan hiện có một số tàu ngầm, song chưa thể đáp ứng so được nhu cầu thực tế của nước này. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, Trung Quốc được coi là đối tác tiềm năng của Thái Lan trong tương lai.