Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung chính của Đối thoại Chính sách Quốc phòng...

Một số nội dung chính của Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4 giữa Việt Nam và Philippines

Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4 giữa Việt Nam và Philippines dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippinesv Cardozo M. Luna đã diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines từ ngày 6-8/8.

Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4 giữa Việt Nam và Philippines diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông đang diễn biến phức tạp do những hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyển của các nước ở Biển Đông. Đối với Việt Nam hiện nay là vụ việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất trái phép tại Bãi Tư Chính trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đối với Philippines là các vụ việc Trung Quốc bao vây đảo, ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt trong vùng ngư trường truyền thống của nước này. Tại Bangkok, Thái Lan vừa qua, các hội nghị ASEAN và đối tác đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, trong đó vấn đề hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là một chủ đề chính được đưa ra bàn thảo.

Về hợp tác song phương, tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4 và các cuộc gặp, lãnh đạo Philippines khẳng định tăng cường hợp tác với Việt Nam, trong đó lĩnh vực quốc phòng là ưu tiên, đồng thời cảm ơn Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ, cứu giúp các ngư dân Philippines bị nạn trên biển. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Về tình hình an ninh khu vực, hai bên thống nhất cho rằng mặc dù hòa bình vẫn là xu hướng chính nhưng khu vực đang đứng trước những thách thức ngày càng gia tăng, đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực như sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề an ninh an toàn và tự do hàng hải, hàng không, vấn đề Biển Đông… Hai bên thống nhất cho rằng các thách thực hiện nay, trong đó có vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề của một hay vài quốc gia trực tiếp liên quan, mà trực tiếp tác động tới hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung của cả khu vực và thế giới.

Với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng để tương xứng với tiềm năng quan hệ hai nước, hai bên nhất trí: i) Tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung hợp tác trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết. ii) Tăng cường hợp tác nghiên cứu chiến lược và hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các lực lượng hoạt động trên biển; hỗ trợ và đối xử nhân đạo với ngư dân mỗi nước trên cơ sở luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị hai nước. iii) Tích cực tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với mục tiêu duy trì sự đoàn kết, đồng thuận và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Nhân dịp tham dự Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có các cuộc tiếp kiến với một số lãnh đạo Philippines như Bộ trưởng Quốc phòng Delfin N. Lorenzana, Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Cendana Esperon Jr và Chủ tịch Ban Nội các về An ninh, Công lý và Hòa bình thuộc Văn phòng Tổng thống Emmanuel T. Bautista.

Trước khi Đối thoại diễn ra, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin từ ngày 7-10/7, hai bên đã khẳng định tiếp tục kiên trì với nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai bên nhấn mạnh cần thiết phải tăng cường lòng tin và tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng trong vùng biển này. Hai bên cũng cam kết tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, duy trì sự đoàn kết trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Theo đó, COC phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần đầu tiên giữa Việt Nam và Philippines hồi tháng 4/2015, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo cán bộ hải quân, cử tàu Hải quân thăm lẫn nhau, huấn luyện chung về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, chống cướp biển, xử lý nhân đạo vấn đề ngư dân; tích cực tham vấn, ửng hộ lẫn nhau trên, quân sự như ADMM, ADMM+….

RELATED ARTICLES

Tin mới