Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ chính thức rút tàu thăm dò khỏi Bãi Tư Chính của...

TQ chính thức rút tàu thăm dò khỏi Bãi Tư Chính của Việt Nam

Sau thời gian dài hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam và bị cộng đồng quốc tế cực lực lên án, Trung Quốc (7/8) chính thức rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ra khỏi Bãi Tư Chính.

Theo thông tin trên, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đã đi khỏi phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển này.

Chuyên gia Devin Thorne, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng (Center for Advanced Defense Studies, C4ADS) cho biết, dữ liệu theo dõi sự di chuyển của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc cho thấy nó đã đi ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào lúc này, nhưng ít nhất có hai tàu hải cảnh hộ tống nó vẫn còn ở lại khu vực nó khảo sát; đồng thời tiết lộ các tàu Việt Nam theo dõi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 khi nó chạy tới đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Ông Devin Thorne nhận định, “không rõ nó có trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nữa hay không. Chỉ biết khả năng của nó là khảo sát địa chất ở vùng biển ở khu vực Việt Nam đang có hoạt động khai thác khí đốt và đang khoan thêm những mỏ mới tại lô 06-1”.

Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 và ra sức đào đắp thành đảo nhân tạo từ năm 2014.

Liên quan việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích, lên án Bắc Kinh.

Giới chức Mỹ (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hạ viện, Thượng viện…) đều đưa ra các tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; cho rằng hành vi của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định khu vực, đi ngược lại luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ có những bước đi nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mike Pompeo (1/8) bày tỏ mối quan ngại về hành động “ép buộc” của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Pompeo, 10 nước thành viên ASEAN cần tiếp tục “thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối trước hành động ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông”. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) chỉ trích hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam; khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7) đã ra Tuyên bố cho biết “sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch; Thượng nghị sĩ Bob Menendez; Thượng nghị sĩ Cory Gardner và Thượng nghị sĩ Edward Markey thuộc Tiểu ban các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương (31/7) đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông cũng liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, phê phán hành động của Trung Quốc; đồng thời thể hiện sự quan ngại đối với hòa bình, ổn định trong khu vực. Bộ Ngọa giao Nhật Bản cho biết Tokyo “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”; nhấn mạnh Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép. Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar (1/8) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực; đồng thời khẳng định Ấn Độ mong muốn hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông.Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini (2/8) khẳng định bất cứ chuyện gì xảy ra ở Biển Đông đều là vấn đề quan trọng với EU ; đồng thời khẳng định EU sẽ tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh tại châu Á.

Trước đó, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, phản đối hành động của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt ngay lập tức các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.

Phát biểu tại Hội nghị AMM 52, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép;khẳng định những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/7) cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam; nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.

RELATED ARTICLES

Tin mới