Phó tổng thống Mỹ hôm 19/8 hối thúc Trung Quốc giữ cam kết tôn trọng toàn vẹn luật pháp Hong Kong, giải quyết biểu tình một cách hòa bình.
“Để Mỹ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh cần tôn trọng các cam kết của mình, bắt đầu từ cam kết Trung Quốc đưa ra năm 1984 để thể hiện sự tôn trọng tính toàn vẹn của luật pháp Hong Kong thông qua Tuyên bố chung Trung – Anh”, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Detroit ở bang Michigan hôm 19/8.
Bình luận được đưa ra sau khi Hong Kong trải qua cuộc biểu tình khổng lồ cuối tuần qua, trong đó các nhà tổ chức khẳng định 1,7 triệu người đã tham gia. Cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, đánh dấu sự thay đổi lớn của người biểu tình so với các cuộc đụng độ bạo lực trước đó.
“Chính quyền của chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh hành xử theo cách nhân văn, kêu gọi Trung Quốc và người biểu tình ở Hong Kong giải quyết bất đồng một cách hòa bình”, Phó tổng thống Mỹ nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết ông lo ngại về tình hình ở Hong Kong và không muốn thấy bạo lực được sử dụng để đối phó với cuộc biểu tình đã kéo dài hơn hai tháng qua. Trump hôm 18/8 tiếp tục kêu gọi Trung Quốc giải quyết tình hình một cách nhân văn và cảnh báo sẽ không có thỏa thuận thương mại nếu xảy ra bạo lực ở Hong Kong.
Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 19/8 nói rằng Mỹ không thể gây ảnh hưởng đến quyết định của Trung Quốc trong việc xử lý tình hình Hong Kong và chính quyền thành phố có thể khôi phục trật tự dưới sự hỗ trợ của chính quyền trung ương. Tờ báo cảnh báo “sự can thiệp mạnh mẽ” từ Trung Quốc sẽ là lựa chọn duy nhất nếu chính quyền thành phố không thể giải quyết tình hình.
Tuyên bố chung Trung – Anh là thỏa thuận về các điều khoản của Anh khi trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Năm 2017, Trung Quốc nói rằng tuyên bố này là “tài liệu của quá khứ” và không có ý nghĩa thực tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/8 nói không có điều khoản nào trong đó cho phép các lực lượng bên ngoài can thiệp tình hình Hong Kong.
Biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa nghi phạm sang các khu vực mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Giới chức đặc khu cảnh báo sự gián đoạn hoạt động kinh doanh do biểu tình có thể gây ra hậu quả lâu dài hơn cả đại dịch SARS năm 2003, khi ngành du lịch Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nề, và bất động sản sẽ nằm trong số những ngành công nghiệp bị tác động nghiêm trọng nhất.