Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngChiến lược an ninh biển Châu Á - Thái Bình Dương của...

Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ coi Trung Quốc là trung tâm gây bất ổn

Ngày 20/8/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương (APMSS) mô tả cách tiếp cận về mặt quân sự của Mỹ đối với các tranh chấp biển ở khu vực, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông.[1] Báo cáo bày tỏ khách quan khi nêu cả hành động của các bên yêu sách khác nhưng vẫn làm nổi bật lên rằng các hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc là nguyên nhân chính cản trở các nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

Tốc độ cạp đất khủng khiếp

APMSS cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sửng sốt trước tốc độ bồi đắp đất trên bảy thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Trường Sa. Từ tháng 12/2013 – 6/2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 2.900 mẫu Anh, chiếm 95% diện tích đất đai ở Trường Sa, lớn hơn gấp 17 lần tổng diện tích các bên yêu sách khác cải tạo trong vòng 40 năm qua. Đặc biệt, chỉ trong ba tháng trước thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ công bố APMSS, diện tích đất Trung Quốc bồi đắp tăng tới 50% (tháng 5/2015, Lầu Năm góc đưa ra con số thống kê là khoảng 2.000 mẫu Anh).

Trên cả bảy thực thể, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng mà Mỹ quan ngại nhất là mục đích quân sự như việc xây dựng đường băng 3.000 mét ở Chữ Thập và đang dự định xây một đường băng thứ hai ở Subi, cầu cảng cho tàu chiến và tàu chấp pháp neo đậu phục vụ các hoạt động dài ngày ở phía nam Biển Đông.

Quân sự hóa ồ ạt

Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại trước mức độ quân sự hóa các lực lượng hải quân và chấp pháp bán quân sự của Trung Quốc. APMSS cho biết Trung Quốc đang hiện đại hóa mọi khía cạnh của quân sự và lực lượng chấp pháp, từ tàu chiến trên mặt nước đến tàu ngầm, máy bay, tên lửa, ra-đa và tàu hải cảnh. Hai bảng biểu về so sánh lực lượng hải quân và lực lượng chấp pháp của Trung Quốc và các bên trong Báo cáo cho thấy Trung Quốc hiện có 303 tàu hải quân các loại và 205 tàu chấp pháp, lớn hơn rất nhiều so với tổng số tàu chiến và chấp pháp của các nước trong khu vực. Con số tương ứng của Nhật Bản là 67 và 78; Việt Nam là 37 và 55; Indonesia là 61 và 8; Malaysia là 23 và 2; Philippines là 14 và 4. Ngoài ra, Trung Quốc còn phát triển các loại công nghệ quân sự cao để chống lại công nghệ quân sự hiện đại của Mỹ.

Chiến thuật nguy hiểm

Lầu Năm góc cho rằng mục tiêu chính của việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự là xung đột Đài Loan nhưng Bắc Kinh cũng chuẩn bị cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và Hoa Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn nhằm vươn ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, tấn công các cứ điểm quân sự của Mỹ.

Đối với các nước yêu sách trong khu vực, Trung Quốc sử dụng tàu chấp pháp bán quân sự là công cụ chính trong các hoạt động cưỡng ép, đâm va và mở rộng kiểm soát ra các khu vực tranh chấp trong khi duy trì các tàu hải quân ở phía sau để răn đe và tham chiến khi cần thiết, ví dụ như vụ Scarborough, HD 981… Việc sử dụng tàu chấp pháp trong xung đột có thể tránh leo thang thành xung đột quân sự nhưng vẫn lấn chiếm được đất.

Hành xử ngang ngược và bất ổn

Việc Trung Quốc giải thích quyền tài phán mở rộng vượt qua lãnh hải và vùng trời đã tạo ra “cách hành xử không an toàn và không chuyên nghiệp” và gây ra va chạm với các lực lượng của Mỹ, ví dụ như vụ máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc phô vũ khí và chặn máy bay trinh sát P-8A của Mỹ ngoài khơi Hải Nam tháng 8/2014.

Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn Trung Quốc?

Trước những hành động ngang ngược và bất ổn của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra bốn giải pháp để ngăn chặn: Thứ nhất, tăng cường năng lực quân sự, hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí cho quân đội Mỹ để ngăn chặn xung đột, cưỡng ép và phản ứng nhanh khi cần thiết. Ví dụ, đến năm 2020, 60% trang thiết bị vũ khí ở nước ngoài của Mỹ sẽ được đưa đến Thái Bình Dương. Mỹ sẽ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, tàu đổ bộ tấn công USS America, khu trục hạm DDG-1000, các máy bay chiến đấu như F-22, B-2, B-52 và F-35 đến Châu Á. Hiện tại Mỹ đang có 368.000 lính ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong vòng năm tới, quân số hải quân biên chế cho Hạm đội 7 sẽ tăng lên gần 30%; Thứ hai, cộng tác xây dựng năng lực cho các nước đồng minh và đối tác ở khu vực như Nhật, Úc, Ấn, Philippines, Việt Nam, v.v. để đối phó hiệu quả với các thách thức từ Trung Quốc. Các hoạt động chung như tập trận chung, hỗ trợ phát triển năng lực cho các lực lượng biển; Thứ ba, triển khai ngoại giao quân sự thông qua đối thoại với Trung Quốc và các biện pháp giảm thiểu rủi ro toàn khu vực; Thứ tư, tăng cường các thể chế khu vực và khuyến khích phát triển một kiến trúc an ninh khu vực mở và hiệu quả thông qua hợp tác với ASEAN và thông qua các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF, ADMM+, EAMF.

Tóm lại, nội dung Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ dù không tuyên bố thẳng nhưng coi Trung Quốc là đối tượng chính và là trung tâm của bất ổn. Bộ Quốc phòng Mỹ thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn các hành động ngang ngược của Trung Quốc./.

BDN

 


[1]http://www.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/NDAA%20A-P_Maritime_SecuritY_Strategy-08142015-1300-FINALFORMAT.PDF

RELATED ARTICLES

Tin mới