Trong bối cảnh Đài Loan đang chuẩn bị bầu cử năm 2020, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (10/8) cảnh báo người dân thận trọng trước việc Trung Quốc dùng tiền thao túng truyền thông Đài Loan.
Thao túng giới truyền thông
Theo bà Thái Anh Văn, có những bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hẳn là vô căn cứ. Trung Quốc xâm nhập vào Đài Loan ở khắp mọi ngõ ngách và tôi hi vọng người dân cảnh giác cao độ, đặc biệt là với tin giả.
Theo nguồn tin trên Reuters, Trung Quốc đã chi tiền cho ít nhất 5 cơ quan truyền thông của Đài Loan để đưa tin, làm phóng sự trên truyền hình đăng những thông tin có lợi cho Bắc Kinh, chiếm lấy tình cảm của người dân trên đảo, tìm cách chỉ trích, lên án chính quyền Đài Loan. Đáng chú ý, Reuters tiết lộ thông tin cho biết, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc trả 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng) cho 2 bài viết sâu về những nỗ lực của đại lục nhằm thu hút các doanh nhân từ Đài Loan. Ngoài ra, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cũng trả tiền cho hầu hết những bài viết trong các tài liệu mà Reuters có được. Những cơ quan Chính phủ khác của Trung Quốc cũng làm theo cách này. Trong khi đó, Chính quyền Đài Loan nói rằng họ biết những nỗ lực đó của Bắc Kinh và các cơ quan báo chí có quan hệ hợp tác như vậy có thể bị phạt lên đến 500.000 đô la Đài Loan (hơn 370 triệu đồng) vì vi phạm luật quảng cáo. Hiện Văn phòng các vấn đề Đài Loan chưa phản đồi đề nghị bình luận thông tin này.
Không chỉ thao túng giới truyền thông đưa tin có lợi cho Trung Quốc, Cục quản lý phim truyện Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm các bộ phim và nghệ sĩ của Trung Quốc đại lục tham gia Liên hoan phim Kim Mã lần thứ 56 của Đài Loan. Hành động này của Trung Quốc được cho là nhằm đáp trả những quyết định chọc giận Bắc Kinh của Đài Loan như mua vũ khí Mỹ hay ủng hộ biểu tình ở Hồng Công.
Trả đũa kinh tế
Sau lệnh cấm công dân Trung Quốc tới đảo Đài Loan theo diện du lịch cá nhân, chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh sẽ không ngừng đưa ra các đòn đánh kinh tế khiến Đài Loan thiệt hại nặng nề cho tới khi đạt được mục đích chính trị.
Cố vấn cấp cao của hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc Xu Guangyu cho biết, chấm dứt Hiệp định khung Hợp tác Kinh tế (ECFA) sẽ là đòn đánh kinh tế nặng nhất của Bắc Kinh dành cho Đài Loan. Nếu ECFA bị chấm dứt, Đài Loan sẽ mất doanh thu khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc đại lục. Theo thống kê của bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc đại lục nhập khẩu 178 tỷ USD hàng hóa Đài Loan, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đại lục sẽ không vội vàng thực hiện “đòn đánh” này vì hậu quả nó gây ra với Đài Loan sẽ vô cùng lớn.
Ngoài ECFA, Trung Quốc cũng có thể cấm du lịch nhóm tới Đài Loan, trừng phạt các công ty Đài Loan hoạt động ở đại lục cũng như triển khai nhiều cuộc tập trận quân sự lớn hơn để “dằn mặt” Đài Loan. Hiện Hiệp hội trao đổi du lịch có trụ sở tại Trung Quốc đại lục đã đình chỉ chương trình cho phép dân cư ở 47 thành phố trong đại lục có thể tới thăm Đài Loan dưới hình thức du lịch cá nhân hồi đầu tháng 8. Theo đánh giá của truyền thông Trung Quốc, việc đình chỉ này sẽ khiến Đài Loan mất trắng 2,4 tỷ USD trong nửa cuối năm 2019, trong khi SCMP ước tính con số thiệt hại khoảng 900 triệu USD.