Vùng Viễn Đông và rừng ở Siberia đang oằn mình chống lại cơn khát đồ gỗ của Trung Quốc.
Tờ Caspian News mới đây dẫn tuyên bố từ các quan chức Nga cho thấy Moscow đã dần nhận ra những hậu quả thực sự từ đầu tư của Trung Quốc ở Nga.
Ông Nuritdin Inamov, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga cho biết, Trung Quốc đang chìa cánh tay giúp đỡ người láng giếng phía Bắc sau khi nước Nga đối mặt với tình trạng cháy rừng ở mức kỷ lục sau gần 3 tháng chưa thể dập tắt tại Siberia.
Sự giúp đỡ của Trung Quốc có thể sẽ bao gồm việc giúp đỡ Nga tạo những vườn ươm để trồng thêm rừng. Các vườn ươm này sẽ cần được nghiên cứu kỹ về giống, loại cây để phân vùng trồng.
Ý tưởng khôi phục rừng Siberia và Viễn Đông với sự giúp đỡ từ Trung Quốc lần đầu tiên được đề xuất bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Vedomosti của Nga đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ trên Dmitry Kobylkin đã nói rằng, việc xây dựng các vườn ươm giống cây đặc biệt và trồng lại cây sẽ giúp khôi phục lại những khu rừng bị mất cho thế hệ sau.
Vùng Siberia và Viễn Đông của Nga vốn có nguồn tài nguyên gỗ quý giá từ những cánh rừng tuyết nay đã dần bị thu hẹp lại do tình trạng khai thác gỗ ồ ạt từ các thương nhân Trung Quốc. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây, Nga đã cung cấp 31% lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2017. Nhưng đó mới chỉ là con số đã được thống kê. Nạn phá rừng bất hợp pháp tại các khu rừng của Siberia đã tạo ra một vấn đề lớn hơn trong thập kỷ qua.
Bộ trưởng Dmitry Kobylkin cho rằng, nếu Trung Quốc không giúp đỡ Nga trong việc khôi phục lại những cánh rừng đã mất, Nga có thể sẽ xem xét tới việc cấm xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ trên Dmitry Kobylkin |
“Trung Quốc nên có một sự hiểu biết rõ ràng rằng nếu không tham gia giải quyết vấn đề này [tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp-ND], chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cấm xuất khẩu gỗ xẻ hoàn toàn” – Bộ trưởng Kobylkin khẳng định.
Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp đồ nội thất lớn nhất cho thị trường toàn cầu. Do đó, nhu cầu của quốc gia này đối với gỗ là rất lớn.
Theo Báo cáo Nghiên cứu về Nhập khẩu Gỗ tại Trung Quốc, 2019-2023, nhu cầu về gỗ của Trung Quốc đã tăng từ 48,4% trong năm 2013 lên 56,4% trong năm 2017.
Cơn khát gỗ của Trung Quốc đã mang lại việc làm và tiền bạc cho khu vực này, nhưng cũng góp phần biến Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về tình trạng phá rừng.
Bà Irina Avdoshkevich, thành viên Hội đồng Thành phố Kansk, Siberia một tiếng nói phản đối sự đầu tư từ Trung Quốc, tại trung tâm khai thác gỗ với hơn 100.000 người này, khoảng 100 nhà máy do Trung Quốc điều hành đã được mở ra trong vòng 5 năm qua. Dường như mọi con đường trong thành phố đều dẫn tới các xưởng gỗ hay những đống mùn cưa và gỗ khổng lồ.
Người Trung Quốc rót tiền vào các nhà máy gỗ để biến gỗ thô thành gỗ xẻ. Điều này chỉ góp một phần nhỏ cho kinh tế địa phương. Sau quá trình chế tác, Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm làm từ gỗ Nga như đồ nội thất, cánh cửa, ván sàn, ốp cùng vô số mặt hàng khác có giá trị cao đến khắp nơi trên thế giới.
Tất cả những dây chuyền sản xuất gỗ thành phẩm đều được thực hiện ở Trung Quốc, nơi đang hạn chế chặt chẽ việc khai thác gỗ nhằm bảo tồn rừng. Còn Nga, khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, họ phải tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Công nhân làm việc tại một xưởng gỗ do Trung Quốc điều hành ở thành phố Kansk. Ảnh: New York Times. |
Người dân Kansk đặc biệt tức giận khi các nhà đầu tư mới từ Trung Quốc quyết định không hồi sinh nhà máy xử lý sinh hóa Kansk từ thời Liên Xô, nơi từng sản xuất ethanol từ vụn gỗ. Ethanol thường được dùng cho mục đích công nghiệp nhưng người dân địa phương vẫn ưa sử dụng chúng như một loại rượu, hay còn gọi là vodka mùn cưa.
Thay vào đó, dưới sự quản lý của người Trung Quốc, nhà máy trở thành nơi tập kết mùn cưa. Năm 2017, một vụ hỏa hoạn tại đây đã khiến lửa lan rộng khắp vùng dân cư, đốt cháy hơn 50 ngôi nhà, phá hủy nặng nề thành phố.
Năm nay, Siberia còn phải gánh chịu một đợt cháy rừng nặng nề quanh vành đai Bắc Cực mà vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn suốt 3 tháng nay.
Nhưng khu rừng ở Siberia và Viễn Đông Nga đang thoi thóp trước thiên nhiên và sự tàn phá của những nhà đầu tư, nạn khai thác trái phép của người Trung Quốc.
Đầu tư Trung Quốc vào nông nghiệp, Nga có nguy cơ mất đất
Nga đã mở cửa chào đón đầu tư của Trung Quốc vào vùng Viễn Đông, tập trung vào khai thác nông nghiệp.
Các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng Viễn Đông, xây dựng các nhà máy chế biến ngũ cốc và nhà ga- cảng biển đầu mối để xuất khẩu.
GDP của Nga sẽ tăng nhanh, người Nga sẽ có rất nhiều chỗ làm mới, các sản phẩm nông nghiệp được trồng ở Nga sẽ vươn xa ra thế giới. Các quan chức Nga ước tính, mỗi năm Nga sẽ xuất khẩu từ 500 – 800.000 tấn đậu nành sang Trung Quốc.
Ba công ty nông nghiệp Trung Quốc là “Beidahuang Agricultural”, “JiusanGrain and Oil Industry Group” và “Joyvio Group” được ca ngợi sẽ tới Viễn Đông và đưa nền nông nghiệp Nga “đứng lên từ đầu gối”.
50.000 ha đất trồng trọt tại Viễn Đông sẽ được cho công ty Trung Quốc JBA Holdings thuê để canh tác, sản phẩm do công ty này làm ra sẽ được xuất khẩu sang các nước Châu Á, trước hết là cho chính Trung Quốc.
Nhưng hậu quả từ các đầu tư này lại rất khó gánh.
Nông dân Trung Quốc làm việc trên những cánh đồng Viễn Đông Nga. |
Nông dân và các chủ trang trại Trung Quốc sống và khai thác đất nông nghiệp của Nga nhưng không bảo tồn chúng. Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được rải đều như trấu. Khi đất đã thoái hóa, thiêu cháy, họ chuyển sang canh tác ở khu vực khác. Thực tế là, ở Viễn Đông không hề thiếu đất.
Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp trồng trên đất Nga không được đảm bảo là sản phẩm không biến đổi gene. Đậu tương biến đổi gien cho năng suất cao gấp đôi. Thật khó để lý giải vì sao người Trung Quốc sẽ chọn loại cây trồng không biến đổi gene khi họ chỉ sản xuất tập trung vào sản lượng.
Thêm nữa, Trung Quốc vốn nổi tiếng với chiêu thức đầu tư ở nước ngoài. Ban đầu họ cam kết sử dụng lao động địa phương khi đầu tư vào địa bàn đó nhưng sau đó, họ biện luận về các thiếu sót của trình độ lao động… và đưa người Trung Quốc sang làm việc. Đầu tư ở đâu, người Trung Quốc di dân đến đó, sinh sống, làm việc và kết hôn, sinh sản ở đó. Những người lao động Trung Quốc dần dần là chủ hộ, chủ trang trại… và là những nhà đầu tư giàu có trong vùng.
Một điều “trong mơ” nữa mà các quan chức Nga phải cân nhắc lại là các khoản thuế thu được từ đầu tư Trung Quốc. Khi Chính phủ Nga kéo đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ láng giềng Trung Quốc vào Nga, họ sẽ tập trung vào chính sách thuế quan đầu tiên. Thật khó để hình dung các chính quyền địa phương ở Nga sẽ thu được các khoản thuế kếch sù đến từ đầu tư Trung Quốc.