Trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc bị xem là mục tiêu số một chứ không phải là Nga.
Một tháng sau khi hủy Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, ngày 19/8, Mỹ thông báo thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung. Đâu là mục tiêu thực mà Mỹ đang theo đuổi và không nói ra? Nga chỉ trích hành động “leo thang quân sự”. Còn Trung Quốc lên án Mỹ “kích động chạy đua vũ trang dẫn đến xung đột quân sự “. Tên lửa thử nghiệm hôm đầu tuần được phóng từ đảo San Nicolas, bang California, từ hệ thống ống phóng Mark 41, nhắm trúng mục tiêu cách xa 500 km trên biển Thái Bình Dương. Một viên chức Mỹ cho biết thêm “đây là tên lửa được chế tạo từ tên lửa hành trình Tamahawk”.
Mỹ đã được rảnh tay cải tiến và thử nghiệm tên lửa mới có tầm bay từ 500 đến 5000 km sau khi hủy bỏ hiệp định giới hạn vũ khí hạt nhân tầm trung gọi tắt là INF ký kết từ thời Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev. Hai lý do được Washington chính thức đưa ra là nước Nga không tôn trọng hiệp ước này, chế tạo vũ khí mới 9M729 hay SS C8, theo cách gọi của NATO. Lý do thứ hai là Trung Quốc đứng ngoài, thì tại sao Mỹ lại tự trói tay?
Về điểm thứ nhất, Nga biện minh 9M729 chỉ có tầm bay tối đa 480 km. Về điểm thứ hai, trong quá trình đàm phán với Nga từ tháng 2/2019 cho đến lúc thất bại, Lầu Năm Góc lý giải là cần canh tân vũ khí để đối đầu với Trung Quốc đang bành trướng sức mạnh tại châu Á.
Tín hiệu quân sự nhắm vào Trung Quốc. Phải chăng Mỹ cố tình phát động một cuộc chạy đua vũ trang? Theo một chuyên gia chiến lược Pháp, tướng Dominique Trinquand, nguyên chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hợp Quốc, đối tượng của Mỹ không phải là Nga mà chính là Trung Quốc: Người ta bàn luận rất nhiều về đe dọa của Nga nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu cảnh báo. Lên án Nga “ không tôn trọng INF” chỉ là cái cớ. Tổng thống Donald Trump “muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc quân sự đang nổi”.
Theo tướng Dominique Trinquand, “kho tên lửa của Trung Quốc tương đối ít” nhưng nếu Mỹ “như đã thông báo, trong một năm nữa, sẽ bố trí tên lửa trong vùng Thái Bình Dương trực tiếp đe dọa Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ phải chạy đua vũ trang”. Nhận định “Trung Quốc là mục tiêu của Mỹ” không phải là võ đoán. Trung Quốc cũng thấy rõ và phản ứng qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng: “Hành động của Mỹ với mục tiêu duy nhất là bảo vệ thế thượng phong quân sự sẽ gây những hệ quả tiêu cực cho an ninh khu vực và quốc tế”. Từ khi vào Nhà Trắng cách nay gần ba năm, Tổng thống Donald Trump thường xuyên có những tuyên bố bốc đồng. Nhưng thái độ “sáng nắng chiều mưa” của Tổng thống thứ 45 của Mỹ tuân thủ một nguyên tắc xuyên suốt “làm cho nước Mỹ hùng mạnh”.
Trong chiều hướng này, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ bị bạc đãi nhưng trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc bị xem là mục tiêu số một chứ không phải là Nga. Chỉ trong hồ sơ G7 hay G8 thôi, đã hai lần Donald Trump đề xuất mời Nga trở lại, sau khi tư cách thành viên của Moscow (do vụ sáp nhập Crimea) bị Tổng thống Obama và giới lãnh đạo châu Âu “đình chỉ” vào năm 2014.
Trong khi đó Trung Quốc đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại gần như toàn diện: chính quyền bị lên án khuynh đảo đồng tiền, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế, các tập đoàn công nghệ bị tố cáo làm gián điệp, đánh cắp phát minh của đối tác… Bằng mọi cách, phải bảo vệ thế áp đảo của Mỹ từ kinh tế, công nghệ cao cấp cho đến quân sự đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với mục tiêu qua mặt nước Mỹ vào năm 2049, theo kế hoạch của Tập Cận Bình.
Gia tăng ngân sách quốc phòng, thành lập binh chủng không gian, chế tạo vũ khí mới vừa làm hài lòng phe quân đội, vừa tạo thêm công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế nhưng cũng để bảo vệ thế thượng phong quân sự. Những quyết định giúp Đài Loan tăng cường vũ trang, đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền, dự án bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á – Thái Bình Dương và củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Australia và các tiểu quốc đảo cũng cùng mục đích “Trung Quốc đại lục”.