Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều ngày 22 tháng 8 khẳng định lại trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Truyền thông dẫn phát biểu của bà Hằng cho rằng việc vi phạm của Trung Quốc như thế là nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng như thế, rút toàn bộ tàu ra khoải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các qui định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phía Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật Việt Nam.
Bà Lê thị Thu Hằng không phủ nhận thông tin mà một số hãng tin của Ấn Độ dẫn nguồn ngoại giao Việt Nam rằng Hà Nội có thể đưa vụ việc vi phạm như vừa nêu ra Hội đồng Bảo An Liên hiệp Quốc và cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19/8 phát biểu rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng.
Hôm 22/8, Báo Tuổi Trẻ đăng bài “Việt Nam không có thông tin chiến hạm Quang Trung được điều ra Bãi Tư Chính” theo như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội cùng ngày. Tuy nhiên ngay sau đó, bài báo trên đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng bài “Bác bỏ phát ngôn của Trung Quốc nói tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển nước này”.
Trước đó, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng Việt Nam đã điều hai tàu chiến Quang Trung Và Trường Sa ra Bãi Tư Chính đối đầu với tàu của Trung Quốc.