Ngoại trưởng Philippines đã công khai rằng Bộ Ngoại giao nước này sẽ chính thức phản đối về sự hiện diện bất hợp pháp của các tàu khảo sát hải dương Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. xác nhận trên Twitter rằng Bộ Ngoại giao Philippines sẽ chính thức phản đối về sự hiện diện bất hợp pháp của các tàu khảo sát hải dương Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. “Bộ Ngoại giao Philippines sẽ phản đối bằng công hàm”, Ngoại trưởng Locsin đã trả lời yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana trên Twitter.
Ông Lorenzana thúc giục chính quyền Manila chất vấn Bắc Kinh sau khi các tàu khảo sát hải dương Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Trợ lý giáo sư Ryan Martinson của Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc thuộc Học viện hải quân Mỹ hôm 7/8 đã đăng trên Twitter hình ảnh 2 tàu khảo sát hải dương của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển quốc gia Đông Nam Á.
Quan ngại của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana về hoạt động khảo sát của các tàu Trung Quốc cho thấy nước này sẽ không thể giữ thái độ thờ ơ như hiện nay sau hàng loạt vụ việc do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông, gần nhất là vụ Trung Quốc điều tàu khảo sát trái phép đến bãi Tư Chính thuộc vùng thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Động thái trên của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr có thể sẽ khiến người dân Philippines yên tâm về mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Một bộ phận chính giới và các nhà khoa học Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Tháng 2/2018, Trung Quốc đã gửi yêu cầu đặt tên cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Ngay sau đó, Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi này do chúng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Philippines.