Hải quân Philippines (20/8) đã tiếp nhận tàu hộ tống BRP Conrado Yap do Hàn Quốc trao tặng và đang lên kế hoạch mua thêm 2 tàu chiến này nữa nhằm tăng cường năng lực hải quân.
Tàu hộ tống BRP Conrado Yap
Theo thông tin trên, Hải quân Philippines chính thức tiếp nhận tàu hộ tống (lớp Pohang) BRP Conrado Yap do Hàn Quốc trao tặng. BRP Conrado Yap được đánh giá là tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Philippines. BRP Conrado Yap dài 88,3m, trục ngang 10m, độ mớn nước 2,9m; khi đầy tải, trọng lượng của con tàu vào khoảng 1.216 tấn. Nó có thể chở theo một thủy thủ đoàn gồm 118 người và hoạt động liên tiếp trong 20 ngày; được trang bị 2 tuabin khí, con tàu có thể đạt tốc độ tối đa là 59 km/h với tầm hoạt động lên tới 7.400 km. Hệ thống vũ khí được trang bị trên BRP Conrado Yap gồm 2 khẩu pháo OtoMelara 76mm, 2 khẩu pháo Otobreda 40 mm, 2 ống phóng ngư lôi giúp tàu có khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ.
Tàu này được Hàn Quốc cam kết trao tặng cho Philippines vào giữa năm 2017. Tuy nhiên sự chậm trễ của Philippines trong việc chi trả để Seoul đại tu con tàu khiến chiến hạm này phải tới mới đây mới cập cảng Nam Manila. Con tàu sẽ được sử dụng như nền tảng để huấn luyện hải quân trước khi chiến hạm mới nhất, hiện đại nhất của Philippines BRP Joser Rizal (FF-150) xuất hiện vào năm 2020.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận con tàu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định ông tin rằng Philippines cần một lực lượng hải quân mạnh mẽ và BRP Conrado Yap là một bước tiến trong mục tiêu đó. Ông Delfin Lorenzana cho biết, con tàu mới tới đây sẽ được điều động tới đảo Palawan và Sulu, nơi các tàu Trung Quốc bị phát hiện. Cùng với 2 máy bay AgustaWestland 159 gia nhập biên chế vào tháng 5, BRP Conrado Yap sẽ tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm cho hải quân Philippines. Trước khi được triển khai, con tàu sẽ được trang bị hệ thống liên lạc để tăng khả năng tương tác với các tàu khác của hải quân Philippines.
Đáng chú ý, ngay sau khi tiếp nhận tàu BRP Conrado Yap, Chính quyền Manila cho biết họ đang có kế hoạch mua thêm 02 tàu chiến này nữa nhằm tăng cường khả năng cho hải quân trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Philippines đã đặt mua 02 tàu hộ vệ có khả năng phóng tên lửa cho hải quân Philippines. Hợp đồng trên do Công ty Công nghiệp hạng nặng Hyundai (HHI) của Hàn Quốc thực hiện, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2020 và 2021.
Ngoài ra, Philippines được cho là đang triển khai kế hoạch mua tầm ngầm của Nga. Người phát ngôn Hải quân Philippines cho biết, Nga có thể trở thành nhà cung cấp tàu ngầm Kilo 636 cho hải quân Philippines. Hai nước đang soạn thảo biên bản ghi nhớ, trong đó Moskva sẽ nghiên cứu các yêu cầu về lực lượng tàu ngầm của Manila. Một số quan chức Philippines đã được mời đến thăm nhà máy đóng tàu ngầm tại Nga. Việc ký biên bản ghi nhớ sẽ là bước tiếp theo trong quá trình hình thành lực lượng tàu ngầm của Philippines. Tàu ngầm Kilo được gọi là “hố đen đại dương” bởi khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo của nó. Động cơ của tàu được đặt cách ly trên bệ đỡ cao su và không chạm vào thân tàu, làm giảm rung động và triệt tiêu tiếng ồn. Vỏ ngoài tàu ngầm được bọc kín bằng lớp cao su đặc biệt, có khả năng cách âm từ bên trong và hấp thụ sóng âm từ bên ngoài. Lớp vỏ cao su này giảm khả năng phát hiện mục tiêu từ sonar chủ động và thụ động của đối phương. Bên cạnh tham vọng sở hữu lực lượng tàu ngầm hiện đại, Philippines tỏ ý muốn mua tên lửa diệt hạm siêu thanh Brahmos của Ấn Độ. Hải quân nước này hiện chỉ có các tàu pháo làm nhiệm vụ tuần tra và chống cướp biển, không có tàu chiến mang tên lửa chống hạm.
Sau Thế chiến 2, Philippines sở hữu một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh ở châu Á. Tuy nhiên, trong 60 năm qua, hải quân Philippines đã trở thành một trong những lực lượng hải quân yếu nhất, khi chính phủ nước này tập trung chủ yếu vào việc đối phó các mối đe dọa an ninh nội địa từ thập niên 1970. Năm 2006, hải quân Philippines bắt đầu theo đuổi kế hoạch để trở thành một lực lượng “mạnh và có uy lực” trước năm 2020, thông qua việc hiện đại hóa trang thiết bị và tăng cường huấn luyện binh sĩ. Hải quân Philippines dự kiến thực hiện kế hoạch mua tàu ngầm trong giai đoạn 2023-2027, nhưng Manila muốn đẩy nhanh tiến độ lên trước năm 2022.
Trong những năm gần đây, Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội trong đó có lực lượng hải quân. Một phần trong chương trình đó là việc mua sắm các tàu khinh hạm mới có trang bị tên lửa, tuy nhiên việc mua sắm các tàu này hiện vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có bước tiến triển mới. Philippines cũng dự định lắp tên lửa chống hạm Harpoon lên tàu chiến lớp Hamilton mua của Mỹ, nhưng cũng giống như dự định lắp tên lửa Harpoon lên tàu chiến “siêu cổ” BRP Rajah Humabon (PF-11) cách đây hơn 10 năm, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện. Philippines còn dự định mua 2 tàu đổ bộ cỡ lớn của công ty PT PAL (Indonesia). Đối với một quốc gia bao quanh là biển và vô số đảo, tàu đổ bộ rất cần thiết với hải quân Philippines. Tuy nhiên, sở hữu tàu đổ bộ nhưng đội tàu hộ tống quá yếu thì các tàu đổ bộ này cũng chỉ là món mồi ngon cho đối phương.
Được biết, Hải quân Philippines biên chế khoảng 100 tàu các loại nhưng chiếm số đông đều là tàu chiến “cao tuổi”, hỏa lực yếu ớt (không có tàu tên lửa và tàu khu trục). Trong số 3 tàu khinh hạm của mình, hải quân Philippines có 2 tàu lớp Hamilton, mặc dù có lượng giãn nước hơn 3.250 tấn nhưng hỏa lực mạnh nhất của tàu chỉ là pháo hạm OTO Melara 76mm. Tình trạng đội tàu hộ tống của hải quân Philippines còn “thảm” hơn khi mà đa phần trong số đó là các tàu chiến từ thời chiến tranh thế giới lần thứ 2, trang bị hỏa lực là pháo hạm điều khiển bằng tay. Ngoài ra, Hải quân Philippines vẫn còn duy trì các tàu đổ bộ tăng (LST) được Mỹ đóng từ thế chiến II.