Khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 quay trở lại hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, giới chức ngoại giao của Việt Nam đã đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc tham gia hộ tống tàu Hải dương 8
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (16/8) nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế. Trước đó, trong thông cáo hôm 16/8, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13/8 đã quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8. Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh (21/8) cho biết, Việc Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm và tái vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là hành động rất nghiêm trọng, tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm xói mòn lòng tin ở khu vực. Việt Nam đang kiên quyết đấu tranh bằng chính nghĩa của mình. Theo ông Phạm Quang Vinh: “Đây là sự vi phạm, và còn tái diễn, rất nghiêm trọng đối với vùng biển của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS. Chúng ta cần lên tiếng, đã lên tiếng và vận động công luận lên tiếng phản đối sự vi phạm này và yêu cầu Trung Quốc phải rút.Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là những hành vi của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam không chỉ là sự tái diễn nguy hiểm đối với Việt Nam mà còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm đối với khu vực, làm xói mòn lòng tin đối với khu vực với mong muốn duy trì trật tự luật pháp trên biển, xây dựng lòng tin vì hợp tác và phát triển ở khu vực. Tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có cả ASEAN và Trung Quốc, cần nêu cao trách nhiệm về thượng tôn pháp luật, xây dựng hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực này. Việc Trung Quốc viện dẫn “đường lưỡi bò” đã bị thế giới bác bỏ, bị Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế về UNCLOS bác bỏ để xâm phạm vùng biển của nước khác, trên thực tế là thực hiện những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc trên những vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia thành viên khác của UNCLOS, là không thể chấp nhận được. Những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cần phát huy những gì tích cực đã có, nhưng cũng phải cập nhật tình hình mới, trong đó có những diễn biến phức tạp hiện nay và trong thời gian qua, phải nhấn mạnh vấn đề thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS; phải kiềm chế không làm phức tạp tình hình; phải đóng góp xây dựng lòng tin ở khu vực; phải tôn trọng những vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven biển được xác định trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS”. Đáng chú ý, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục lên tiếng để khẳng định chính nghĩa của mình, nói lên chủ trương hòa bình, hòa hiếu của Việt Nam, nhưng cũng kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình theo luật pháp quốc tế và UNCLOS. Theo đó, Việt Nam đã liên hệ thường xuyên với Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng biển của Việt Nam. Việt Nam đã yêu cầu công luận cả trong và ngoài khu vực lên tiếng để phản đối hành vi vi phạm của các tàu Trung Quốc, đồng thời yêu cầu phải thúc đẩy hơn nữa tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Quan trọng nhất là Trung Quốc phải rút các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Những việc Việt Namđang làm vừa thể hiện chính nghĩa của Việt Nam theo luật quốc tế, vừa thể hiện chủ trương hòa bình, hòa hiếu, nhưng cũng rất kiên quyết, kiên trì. Việt Namcần tiếp tục dựa trên luật pháp quốc tế, tiếp tục vận động dư luận và công khai những sự việc vi phạm này, đồng thời duy trì sự hiện diện của lực lượng chấp pháp để khẳng định chủ quyền biển đảo của mình. Khi luật pháp quốc tế và chính nghĩa được dư luận ủng hộ sẽ có sức nặng lớn để góp phần không chỉ bảo đảm quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam, mà còn bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực này.
Trước đó, ông Phạm Quang Vinh (20/8) cho rằng, ASEAN cần có một cơ chế để ngăn cản các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế cần ủng hộ các nỗ lực của ASEAN ngăn chặn các hành vi trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, các hành vi của Trung Quốc đã đặt ra nhiều nguy cơ với Biển Đông và khu vực. Việc Trung Quốc liên tiếp hết lần này đến lần khác xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi rất nghiêm trọng và là sự vi UNCLOS. Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế đối với vùng biển Việt Nam mà còn xâm phạm chủ quyền của nhiều nước khác ở khu vực, làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với một cường quốc. Nhìn lại các diễn biến tại Biển Đông những năm gần đây, có thể thấy việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam là một sự nối dài các nỗ lực hiện thực hóa tham vọng phi lý của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Bởi vậy, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, điều này là không thể chấp nhận được. Nếu các nước khác trong khu vực không lên tiếng thì đây sẽ là một tiền lệ nguy hiểm. Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định: “Khu vực và cộng đồng quốc tế lên tiếng, kể cả các diễn đàn của ASEAN đã lên tiếng không đồng tình, phản đối các hành vi tôn tạo, các hành vi quân sự hóa xâm lấn các vùng biển của các nước. Công luận và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Ở thời đại của chúng ta, quan trọng nhất là phải đảm bảo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, bảo đảm hòa bình an ninh, duy trì trật tự trên Biển, tôn trọng vùng biển hợp pháp của các nước, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước. Những hành động như vừa qua là sai trái”. Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, “Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là thể theo quy định của UNCLOS để thống nhất cách diễn giải và áp dụng công ước này ở Biển Đông. Phán quyết của Toà hoàn toàn có giá trị pháp lý và là một bộ phận của luật pháp quốc tế. Do đó, trong bất kỳ các vụ việc xử lý tranh chấp khác, Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines cũng sẽ là cơ sở để xử lý và diễn giải công ước. Tôi muốn nhìn nhận câu chuyện thế này. Thứ nhất, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam là không thể chấp nhận được. Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 là để diễn giải vào việc áp dụng và hiểu UNCLOS như thế nào. Cho nên phán quyết này sẽ là một bộ phận của Luật pháp Quốc tế. Trong phán quyết đã nhấn mạnh chuyện bác bỏ cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Bất cứ hành động nào trái với luật pháp quốc tế đều bị bác bỏ”.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, “đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN làm sao đảm bảo được, một là hòa bình, ổn định; hợp tác phát triển ở khu vực bao gồm cả hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai phải bảo đảm được việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Nên trong suốt thời gian vừa qua, ASEAN đã nhấn mạnh rất nhiều lần điều này trong các Tuyên bố của mình về điều này. Cho nên, trong trường hợp Trung Quốc đang vi phạm hiện nay, bao gồm cả vi phạm vùng biển của Việt Nam ở Bãi Tư Chính thì ASEAN cần tiếp tục lên tiếng. Và vừa rồi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Thái Lan đã lên tiếng về việc này. Đó là điều rất cần thiết. Các nước trong và ngoài khu vực cần ủng hộ tiếng nói của ASEAN. ASEAN hiện đang cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm COC. Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông này muốn có hiệu lực, thực chất và hiệu quả cần bao gồm các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế; Công ước Luật Biển đồng thời cũng cần bao gồm cả các nguyên tắc tôn trọng vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, phù hợp với Công ước quốc tế và UNCLOS 1982 mà Liên Hợp Quốc đã thông qua”.
Đại sứ của Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam (22/8) cho biết việc Trung Quốc triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng với hàng chục tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác đối thoại ASEAN, bao gồm Australia, để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, nhằm duy trì trật tự pháp lý trên biển, để ngăn chặn sự cố và giảm căng thẳng, qua đó ngăn chặn căng thẳng, giảm thiểu rủi ro vì tính toán sai lầm ở Biển Đông. Tất cả những điều này là một phần của những nỗ lực chung của chúng tôi nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thế giới. Chúng tôi mong muốn Australia tiếp tục hỗ trợ trong nỗ lực này”. Ngoài ra, Đại sứ Ngô Hướng Nam cũng khẳng định Australia có lợi ích để đảm bảo việc duy trì lưu thông thương mại qua Biển Đông. Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, khoảng 60% hàng xuất khẩu và 40% hàng nhập khẩu của Australia đã đi qua Biển Đông. Với tầm quan trọng chiến lược của vùng biển này đối với khu vực và hơn thế nữa, việc giữ gìn hòa bình, ổn định và duy trì tự do hàng hải trên và qua Biển Đông không chỉ trở thành lợi ích chung mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các nước.