Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThời điểm thích hợp cho Việt Nam khởi kiện TQ

Thời điểm thích hợp cho Việt Nam khởi kiện TQ

Sau hơn 1 tháng quần thảo, đối đầu với các lực lượng chấp pháp Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, hôm 07/8/2019, tàu Hải Dương 08 và những tàu hộ tống rút về Đá Chữ Thập (Fierry Cross) và Đá Subi để lấy nhiên liệu và thay thủy thủ đoàn. Tưởng chừng Trung Quốc sẽ dừng lại ở đó, song hôm 12/8/2019 tàu Hải Dương 08 và các tàu hải cảnh bảo vệ của Trung Quốc đã trở lại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Một số nguồn tin cho hay, trong lần trở lại này Trung Quốc đã điều tới khu vực này 2 tàu hải cảnh hiện đại nhất và còn thêm một tàu khảo sát khoa học nữa. Ý đồ rất rõ ràng của Trung Quốc là gia tăng áp lực để buộc Việt Nam phải khuất phục, đồng thời quyết không cho bên ngoài vào hợp tác với Việt Nam ở khu vực này.

Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài tranh chấp về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì toàn bộ vùng biển của Việt Nam từ đường đóng cửa Vịnh Bắc Bộ đến phía Nam Biển Đông đều nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Mặc dù, yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ hoàn toàn, nhưng Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để triển khai yêu sách phi lý này trên thực địa.

Việt Nam cũng là nước “cứng đầu” nhất trong xử lý các vấn đề trên biển với Trung Quốc và là nước có hàng ngàn năm lịch sử chống lại ách đô hộ của phương Bắc và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc cách đây 40 năm. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc tập trung cao nhất trong việc cưỡng chế Việt Nam. Những người cầm quyền Bắc Kinh hiểu rằng nếu khuất phục được Việt Nam thì việc đưa các nước còn lại ven Biển Đông vào quỹ đạo của Trung Quốc sẽ trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn.

Việc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng đá Chữ thập thành đảo nhân tạo, căn cứ quân sự lớn nhất trong quần đào Trường Sa nhằm vào Việt Nam cũng xuất phát từ tính toán nói trên. Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã trở thành nơi xuất phát, neo đậu và tiếp tế cho các tàu của Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.

Nếu Việt Nam lùi bước trước sức ép của Trung Quốc lần này thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu để Trung Quốc tiếp tục lấn tới, xâm lấn vùng biển của Việt Nam. Không những thế nếu Việt Nam chịu khuất phục trước sức ép của Trung Quốc còn đưa đến những hệ lụy xấu cho cả khu vực và các nước ven Biển Đông khác, Trung Quốc sẽ quay sang để “trị” các nước khác trên vấn đề Biển Đông.

Vậy câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì vào lúc này? Đã đến lúc Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc ra Tòa để thể hiện rõ với Trung Quốc về quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như những lợi ích của Việt Nam được hưởng theo luật pháp quốc tế; đồng thời Hà Nội sẽ khôi phục được lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 không ràng buộc Việt Nam vì Việt Nam không phải là bên tham gia vụ kiện mà chỉ gửi đến Tòa Trọng tài công hàm bày tỏ quan điểm của Việt Nam công nhận thẩm quyền của Tòa và bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như bảo lưu các quyền của Việt Nam, kể cả quyền sử dụng biện pháp pháp lý. Công hàm của Việt Nam là một cơ sở quan trọng để Tòa ra phán quyết hôm 12/7/2016, nhưng theo quy định tố tụng của Tòa thì phán quyết chỉ ràng buộc với các bên tham gia vụ kiện, Việt Nam chỉ cử đại diện dự phiên tòa với tư cách quan sát viên.

Việc Việt Nam bảo lưu quyền sử dụng biện pháp pháp lý trong công hàm gửi Tòa Trọng tài tháng 12/2014 mở cánh cửa cho Việt Nam sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này khi cần và giờ là lúc Việt Nam cần sử dụng biện pháp này. Trong suốt tháng 7 và những ngày đầu tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã kiên trì dùng đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc để giải quyết vụ việc ở bãi Tư Chính. Tưởng rằng nhóm tàu Hải dương 08 rút khỏi khu vực bãi Tư Chính hôm 07/8 là “thiện ý” của Trung Quốc trong việc giải quyết êm thấm vụ việc và làm giảm căng thẳng ở khu vực này. Nhưng bản chất bá quyền và hiếu chiến của Trung Quốc càng lộ rõ hơn khi Trung Quốc tiếp tục điều tàu Hải Dương 08 trở lại bãi Tư Chính với một mức độ còn nghiêm trọng hơn.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, Việt Nam muốn hòa bình ổn định và khai thác tài nguyên biển phát triển đất nước, song Trung Quốc tiếp tục quấy phá, cưỡng ép nên đã đến thời điểm Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc để cộng đồng quốc tế thấy được bộ mặt bành trướng, hung hăng của Bắc Kinh. Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc xung quanh những nội dung về “diễn giải và phương cách áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982” như Philippines đã làm năm 2013”.

Một số ý kiến cho rằng nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc bây giờ thì e rằng Việt Nam sẽ không còn cơ hội, bởi Trung Quốc có thể tuyên bố rút khỏi Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS 1982) để không còn bị ràng buộc bởi bộ luật này nữa. Đúng là nếu điều này xảy ra thì rất khó cho Việt Nam sử dụng pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc bởi khi rút khỏi UNCLOS 1982 và không còn là thành viên của UNCLOS 1982 Trung Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS 1982, bao gồm Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử ở cạnh Trung Quốc, Việt Nam quá hiểu bản chất của Trung Quốc. Việt Nam luôn muốn thân thiện, hữu nghị với Trung Quốc nhưng Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích của minh trước sự xâm lăng của Trung Quốc và chưa bao giờ chịu khuất phục trước sức ép của Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh Trung Quốc dù lớn mạnh nhưng luôn “ngán” một Việt Nam đoàn kết, đồng lòng. Giờ là lúc Hà Nội cần thể hiện khí phách của người Việt, góp phần đánh bại âm mưu độc chiếm Biển Đông, đập tan tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới