Thursday, October 10, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHồng Công căng thẳng: Mỹ chỉ trích TQ và Bắc Kinh đáp...

Hồng Công căng thẳng: Mỹ chỉ trích TQ và Bắc Kinh đáp trả

Ngày 18/8, dự tính có khoảng 1,7 triệu người Hồng Công đã xuống đường biểu tình ôn hòa nhằm phản đối dự luật dẫn độ và kêu gọi Chính quyền đảm bảo tự do, dân chủ cho Hồng Công.

Người dân biểu tình quy mô lớn chưa từng có

Đêm 16/8, hàng nghìn sinh viên 12 trường đại học ở Hồng Công đã đổ về công viên Chater Garden, kêu gọi Mỹ và Anh ủng hộ “quyền lực cho nhân dân”.Cuộc biểu tình được đặt tên “Ủng hộ Hồng Công, quyền lực cho nhân dân” do nhóm gồm đại diện sinh viên từ 12 trường đại học tổ chức diễn ra tại công viên Chater Garden ở khu vực trung tâm Hồng Công. Các nhà tổ chức muốn Anh tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh và Mỹ nhanh chóng ban hành Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Công. Những người tham gia biểu tình, cho rằng không hy vọng nước ngoài sẽ hỗ trợ các cuộc biểu tình, song việc kêu gọi sẽ “nâng cao nhận thức quốc tế” và ở một mức độ nào đó, sự chú ý liên tục có thể khiến Bắc Kinh hành động cẩn trọng hơn đối với các vấn đề Hồng Công. Tuy nhiên, cuối cùng người Hồng Côngvẫn phải dựa vào chính mình.

Ngày 17/8, hàng chục nghìn người đã tham gia một buổi mít tinh ôn hòa dưới mưa tại công viên Tamar ở khu Admiralty, gần cảng Victoria, để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền. Các ông trùm tài chính, kinh doanh ở Hồng Công cùng những người khác vẫy quốc kỳ Trung Quốc, hát vang quốc ca và hô to khẩu hiệu “Nói không với bạo lực, hãy cứu lấy Hồng Công”.

Ngày 18/8, khoảng 1,7 triệu người Hồng Công đã tuần hành dưới mưaqua các con phố chính của đặc khu Hồng Công. Bầu không khí tại Công viên Victoria, nơi cuộc tuần hành bắt đầu, cũng khá ôn hòa. Thành phần tham gia gồm cả người già, người trung niên, thanh niên và các gia đình. Số lượng người đông đảo tham gia tuần hành cho thấy phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi của chính quyền đặc khu Hồng Côngvẫn được hưởng ứng, bất chấp những hình ảnh không đẹp hồi tuần qua, khi người biểu tình chiếm Hồng Công khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoạt động sân bay tê liệt và thiệt hại kinh tế gần 80 triệu USD.Tối 18/8, hàng trăm nghìn người dân đặc khu tiếp tục tuần hành dưới mưa, phản đối dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ nghi phạm tới những nơi chưa ký thỏa thuận, trong đó có Trung Quốc đại lục cũng như đưa ra các yêu sách với chính quyền. 

Biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa nghi phạm sang các khu vực mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Giới chức đặc khu cảnh báo sự gián đoạn hoạt động kinh doanh do biểu tình có thể gây ra hậu quả lâu dài hơn cả đại dịch SARS năm 2003, khi ngành du lịch Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nề, và bất động sản sẽ nằm trong số những ngành công nghiệp bị tác động nghiêm trọng nhất.

Mỹ hối thúc Trung Quốc giữ cam kết

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (19/8) hối thúc Trung Quốc giữ cam kết tôn trọng toàn vẹn luật pháp Hồng Công và giải quyết biểu tình một cách hòa bình. Theo ông Mike Pence, để Mỹ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh cần tôn trọng các cam kết của mình, bắt đầu từ cam kết Trung Quốc đưa ra năm 1984 để thể hiện sự tôn trọng tính toàn vẹn của luật pháp Hồng Công thông qua Tuyên bố chung Trung – Anh; đồng thời nhấn mạnh Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh hành xử theo cách nhân văn, kêu gọi Trung Quốc và người biểu tình ở Hồng Công giải quyết bất đồng một cách hòa bình.Được biết, Tuyên bố chung Trung – Anh là thỏa thuận về các điều khoản của Anh khi trao trả Hồng Công cho Trung Quốc vào năm 1997. Năm 2017, Trung Quốc nói rằng tuyên bố này là “tài liệu của quá khứ” và không có ý nghĩa thực tế.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/8) cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi kêu gọi Trung Quốc giải quyết tình hình một cách nhân văn và cảnh báo sẽ không có thỏa thuận thương mại nếu xảy ra bạo lực ở Hồng Công; đồng thời nhấn mạnh “muốn nhìn thấy vấn đề được giải quyết một cách nhân văn”. Tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy thị trường tài chính thế giới vào tình trạng lao đao và xuất hiện dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Bình luận của Trump được đưa ra khi Washington và Bắc Kinh đang tìm cách nối lại các cuộc đàm phán then chốt nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết đại diện thương mại từ cả hai nước sẽ điện đàm trong 10 ngày tới và nếu thành công, đàm phán có thể được nối lại.

Cùng đồng hành với Mỹ,Ngoại trưởng Canada Chyrstia Freeland và Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ra thông báo chung đề cập tới “quyền biểu tình cơ bản” của người Hồng Công. Trong tuyên bố chung nhấn mạnh “các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa, phải được tiếp tục duy trì”.

Bắc Kinh đáp trả cứng rắn

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, Canada (18/8) cảnh báo Canada ngừng can thiệp vấn đề Hồng Công cũng như vấn đề nội bộ của quốc gia này. Theo Đại sứ quán Trung Quốc, trước tình hình hiện nay, Canada nên thận trọng trước những lời nói và hành động liên quan đến vấn đề Hồng Công, khẳng định các cuộc biểu tình ở Hồng Côngđã diễn biến xấu đi và phát triển thành bạo lực cực độ. Đối mặt với bạo lực và hành vi phạm tội nghiêm trọng như vậy, không một chính phủ nào có trách nhiệm có thể khoanh tay đứng nhìn.

Không chỉ đưa ra các tuyên bố chỉ trích Mỹ, Canada và một số nước tìm cách can thiệp vào “công việc nội bộ” của TQ, Bắc Kinh còn được cho là đang có kế hoạch phát triển Thành phố Thẩm Quyến trở thành thành phố kiểu mẫu trong nước và thế giới nhằm thay thế Hồng Công trong tương lai. Theo thông tin trên, kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện trên các lĩnh vực ở Thâm Quyến bao gồm pháp lý, tài chính, y tế và xã hội. Trung Quốc kỳ vọng thành phố nằm ngay sát Hồng Công, vốn được xem như thủ phủ công nghệ cao của nước này sẽ là mô hình cho các thành phố khác của Trung Quốc cũng như trên thế giới, học tập. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết, Thâm Quyến sẽ trở thành một kiểu mẫu về phát triển chất lượng cao, ví dụ điển hình về luật pháp cũng như văn minh, trật tự, sự hài lòng của xã hội và tính bền vững trong phát triển; nhấn mạnh mục tiêu của thành phố này là trở thành địa phương tiên phong về đổi mới, dịch vụ công và bảo vệ môi trường vào năm 2025. Đến năm 2035, nó được kỳ vọng sẽ đạt tầm thế giới về kinh tế toàn diện, hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu về tính cạnh tranh, đổi mới và ảnh hưởng vào giữa thế kỷ.Các tổ chức quốc tế và công ty lớn sẽ được khuyến khích thành lập các chi nhánh hoặc trụ sở ở Thâm Quyến. Địa phương này sẽ được ủy quyền, cho phép linh hoạt về mặt luật pháp, các quy định và pháp lệnh dựa trên nhu cầu cải cách, đổi mới.

Đặc biệt, kế hoạch của Bắc Kinh tập trung vào việc phối hợp giữa Thâm Quyến với hai đặc khu hành chính Hồng Công, Macau và 8 thành phố khác ở Quảng Đông trong kế hoạch mang tên “Khu vực Vịnh Lớn”. Đây là kế hoạch được Bắc Kinh công bố hồi tháng hai, nhằm biến 11 thành phố của trung Quốc thành một khu vực siêu cường kinh tế, trong đó Hong Kong, Macau, Thâm Quyến và Quảng Châu được xác định là 4 trụ cột.Trung Quốc mong muốn điều này sẽ góp phần thúc đẩy kết nối giữa thị trường tài chính Thâm Quyến với Hồng Công và Macau, đồng thời mở rộng các quy định tài chính, danh mục sản phẩm có sẵn để tăng cường giao dịch trái phiếu và ngoại hối.Kế hoạch nhấn mạnh rằng trung tâm dữ liệu của “Vịnh Lớn” sẽ được đặt tại Thâm Quyến. Người Hồng Công sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền lưu trú. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mới sẽ được triển khai nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Thẩm Quyến với Hồng Công và Macau.

Giới chuyên gia, học giả và các nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh muốn thử nghiệm sự pha trộn giữa đổi mới và xã hội chủ nghĩa; Trung Quốc cũng cần có những phương thức mới để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Thâm Quyến 40 năm qua đã chứng minh được khả năng chuyển mình mạnh mẽ, vậy nên chính quyền Trung Quốc muốn thành phố này có những ý tưởng chính sách mới mà về sau có thể được nhân rộng ở các địa phương khác; đồng thời dự đoán rằng Thâm Quyến sẽ trở thành “hình mẫu” cho Hồng Công vào năm 2037, khi thành phố đại lục này phát triển mạnh mẽ, trong khi đặc khu hành chính ngày một đi vào khuôn khổ hơn trong các chính sách của Bắc Kinh. Ngoài ra, với vị thế đặc biệt, Thâm Quyến sẽ nhận được sự khích lệ từ Bắc Kinh trong nỗ lực đưa cải cách công nghiệp lên tầm cao mới. Được biết, năm 2018, kinh tế Thâm Quyến lần đầu tiên vượt mặt Hồng Công. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Hồng Côngchỉ đi lên 3%, đạt mức 363 tỷ USD, GDP của Thâm Quyến năm ngoái tăng 7,6%, đạt mức 366 tỷ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới