Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBất chấp TQ, Mỹ sẽ thông qua thương vụ bán máy bay...

Bất chấp TQ, Mỹ sẽ thông qua thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan

Trong bối cảnh tình hình eo biển Đài Loan đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các cảnh báo sẵn sàng “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để thống nhất với Đài Loan. Mỹ đang thực hiện các bước cần thiết để bán 66 máy bay F-16 cho Đài Loan.

Theo thông tin trên, Bộ Ngoại giao Mỹ (15/8) đã gửi lời, một cách không chính thức, tới các ủy ban Hạ viện và Thượng viện rằng họ ủng hộ việc bán 66 chiếc F-16, trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan.Thông thường, quy trình thông báo 30 ngày không chính thức tới Quốc hội được đưa ra, theo sau đó là một thông báo chính thức, được phát hành công khai tới các ủy ban quốc hội và các nhà lập pháp có thêm 30 ngày để phê chuẩn hoặc không chấp thuận. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết thông báo chính thức có thể sẽ được đưa ra sớm hơn.Sau đó, có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm trước khi Đài Loan và Mỹ thực sự ký hợp đồng và có thể nhiều năm sau đó trước khi việc giao hàng bắt đầu.

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố trên, nhiều giới chức của Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ đối với thương vụ này. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Jim Risch bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch bán chiến đấu cơ F-16V của Tập đoàn vũ khí Mỹ Lockheed Martin cho Đài Loan. Ông Risch cho rằng F-16 sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Đài Bắc bảo vệ không phận của thành phố này trước áp lực ngày càng lớn của Bắc Kinh. Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Jim Inhofe và thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn cho rằng “Đài Loan vẫn là một trụ cột quan trọng về an ninh và ổn định” trong khu vực. Tương tự, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Eliot Engel tuyên bố thương vụ F-16 “gửi một thông điệp mạnh mẽ” về cam kết đảm bảo an ninh và dân chủ của Mỹ trong khu vực.

Trước đó, Quốc hội Mỹ (8/7) đã được thông báo về việc Bộ Ngoại giao chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger. Hợp đồng mua bán những chiếc xe tăng có trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất đối không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc (DSCA) cho biết việc bán xe tăng phục vụ “lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ” bằng cách hỗ trợ Đài Loan “tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ một cách đáng tin cậy”. Cơ quan này cũng cho biết việc bán tên lửa Stinger sẽ cải thiện khả năng an ninh và phòng thủ của Đài Loan, nơi được cơ quan này gọi là “một thế lực quan trọng cho sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”. Tuy nhiên, DSCA cho biết cả hai hợp đồng này đều không “thay đổi cân bằng quân sự cơ bản ở khu vực”.

Trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (16/8) tuyên bốviệc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc; cho rằng thương vụ bán máy bay này của Mỹ đã vi phạm trắng trợn “chính sách một Trung Quốc”, làm suy yếu chủ quyền và các lợi ích an ninh của Bắc Kinh; khẳng định Chính phủ Trung Quốc đang thúc giục Mỹ từ chối bán máy bay chiến đấu nói trên cho Đài Loan và ngừng bán vũ khí và liên lạc quân sự với Đài Loan. Nếu không, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả. Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (7/2019) cũng từng đưa ra cảnh báo Mỹ không được gửi tín hiệu sai cho lực lượng ở Đài Loan, không nên lặp lại sai lầm và không nên chơi với lửa về các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất nếu cần. Dù công nhận chính sách “một Trung Quốc”, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng thường không bán những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh. Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ không bán vũ khí cho Đài Loan để tránh làm tổn hại quan hệ song phương. Nước này hồi tháng 6 cũng phản ứng dữ dội trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ bán 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm cho Đài Loan với tổng trị giá 2,2 tỷ USD.

F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công. Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, hiện nó hoạt động tại 24 quốc gia. F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Dù không còn được chế tạo tiếp cho Không quân Mỹ, nó vẫn được chế tạo cho xuất khẩu.

Về cấu hình, F-16 dài 49 ft 5 in (15.06 m), sải cánh 32 ft 8 in (9.96 m), cao 16 ft (4.88 m), diện tích cánh 300 ft² (27.87 m²), trọng lượng không tải 8.936 kg (19.700 lb), tải trọng 12.003 kg (26.463 lb), trọng lượng cất cánh tối đa 16.875 kg (37.500 lb); động cơ 1 x Pratt & Whitney F100-PW-220 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 64,9 kN (14.590 lbf), lực đẩy có tăng áp 105,7 kN (23.770 lbf); động cơ có thể sử dụng khác 1 × động cơ General Electric F110-GE-100 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 76,3 kN (17.155 lbf), lực đẩy có tăng áp: 128,9 kN (28.985 lbf); tốc độ tối đa Mach 2 (2120 km/h), tầm bay tối đa 1740 hải lý (3200 km bay tuần tiễu); bán kính chiến đấu 550 km (340 dặm, 295 hải lý); trần bay 15.239 m (50.000 ft); tốc độ lên cao 254 m/s (50.000 ft/phút), áp lực cánh 431 kg/m² (88.2 lb/ft²).

F-16 trang bị nhiều vũ khí hiện đại, gồm: 1 Pháo nòng xoay 20mm (0.787 in) M61A1 Vulcan, 511 viên; 4 bệ phóng Rocket LAU-61/LAU-68 (mỗi cái với 19/7 × rocket Hydra 70 mm/APKWS, 4 bệ phóng Rocket LAU-5003 (mỗi cái với 19 × rocket CRV7 70 mm), 4 bệ phóng Rocket LAU-10 (mỗi cái với 4 × rocket Zuni 127 mm); Tên lửa không đối không: 2 tên lửa AIM-7 Sparrow, 6 tên lửa AIM-9 Sidewinder, 6 tên lửa AIM-120 AMRAAM, 6 tên lửa IRIS-T, 6 tên lửa Python-4, 6 tên lửa Python-5; tên lửa không đối đất: 6 tên lửa AGM-65 Maverick, 4 tên lửa AGM-88 HARM hoặc AGM-158 JASSM; Tên lửa chống hạm: 4 tên lửa AGM-119 Penguin, 2 tên lửa AGM-84 Harpoon; Bom: 8 quả CBU-87 Combined Effects Munition, 8 quả CBU-89 Gator mine, 8 quả CBU-97 Sensor Fuzed Weapon, 4 quả Bom đa chức năng Mark 84, 8 quả Bom đa chức năng Mark 83, 12 quả Bom đa chức năng Mark 82, 8 quả GBU-39 SDB (SDB), 4   quả GBU-10 Paveway II, 6 quả GBU-12 Paveway II, 4 quả GBU-24 Paveway III, 4 quả GBU-27 Paveway III, 4 quả Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), 4 quả AGM-154 JSOW, Wind Corrected Munitions Dispenser (WCMD); Bom hạt nhân B61, Bom hạt nhân B83.

Trong khi đó, Đài Loan muốn mua là dòng F-16V, đây là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và hàng loạt cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X. Đây được đánh giá là sự bổ sung lớn cho lực lượng phòng vệ Đài Loan, vốn đang sở hữu 144 tiêm kích F-16A/B Block 20, 55 chiếc Mirage 2000 mua từ Pháp và 129 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, tất cả đều được biên chế từ thập niên 1990. Chính quyền hòn đảo đang thực hiện dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội F-16A/B lên chuẩn F-16V với sự hỗ trợ từ Mỹ, 4 chiếc đầu tiên đã được bàn giao cuối năm 2018.

Ngoài Đài Loan, hiện có nhiều nước trên thế giới cũng muốn mua và đã sở hữu F-16 của Mỹ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang tìm mua 126 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại để bắt đầu thay thế những chiếc MiG-21 và những chiếc F-16 của Lockheed Martin chính là một trong những đối thủ cạnh tranh trong gói thầu này. Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ đã loại F-16 khỏi cuộc cạnh tranh Máy bay Chiến đấu Cỡ trung Đa nhiệm (M-MRCA), loại máy bay trúng thầu là loại Rafale của Pháp. Trong khi đó, Không quân Pakistan đã mua 18 chiếc F-16C/D Gói 52+, và 26 chiếc F-16A/B Gói 15 và 60 chiếc M3 cải tiến như một phần của kế hoạch mua hàng trị giá 5.1 tỷ USD bao gồm máy bay, cơ sở hạ tầng liên quan, huấn luyện và vũ khí. Không quân Philippine (PAF) cũng đã thể hiện sự quan tâm tới chiếc F-16 nhưng kế hoạch mua máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ hiện đại của họ để thay thế loại F-5A/B Freedom Fighters đã cũ. Ngoài ra, Oman bỏ ra 3,5 tỷ USD mua F-16.

Được biết, kể từ sau hợp đồng bán 150 máy bay F-16 được cựu tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, Mỹ không tiếp tục bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từng hủy hợp đồng bán 66 chiếc F-16C/D Block 50 cho Đài Bắc vào năm 2011 do áp lực từ Bắc Kinh.

Chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định, thương vụ trên có vai trò quan trọng hơn nhiều so với thỏa thuận bán xe tăng và tên lửa phòng không mà Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua. Phi đội chiến đấu cơ Đài Loan ngày càng lạc hậu, trong khi năng lực tác chiến không quân của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh. Với việc không thông báo bán 60 tiêm kích F-16V cho Đài Loan, chính quyền Tổng thống Trump dường như cũng đang tiếp nối chính sách này, nhằm tránh đẩy căng thẳng với Trung Quốc vượt quá tầm kiểm soát có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan. Ngoài ra, việc Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nối lại đàm phán thương mại cũng ảnh hưởng đến hợp đồng vũ khí giữa Washington và Đài Loan. Không loại trừ khả năng, chính quyền Trump đang sử dụng hợp đồng F-16V làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, đồng thời phê duyệt hợp đồng bán xe tăng Abrams và tên lửa Stinger để xoa dịu Đài Loan. Điều này giúp Mỹ có thêm lợi thế khi đàm phán, nhưng cũng tạo ra tiền lệ xấu khi cho thấy Washington sẵn lòng hủy bỏ các thỏa thuận mua bán vũ khí đã thông qua để nhận được sự nhượng bộ từ bên thứ ba.

RELATED ARTICLES

Tin mới