Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế để điều tàu quay trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi không thể chấp nhận được.
Trung Quốc đang đe dọa cả khu vực
Giáo sư về luật hàng hải quốc tế James Kraska tại Đại học Hải chiến Mỹ cảnh báo, việc tàu Hải Dương Địa chất 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là một phần trong chiến dịch dài hơi nhằm “bình thường hóa” sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây.Hành động này cũng tương tự như tung tàu cá hoạt động trong EEZ nước khác hay ban hành lệnh cấm đánh bắt trên biển. Ý định ẩn sau là khiến dư luận “quen dần” với các hành vi xâm phạm và sau vài năm, Trung Quốc sẽ được coi là đã có sự hiện diện “hợp pháp và thường lệ” trong EEZ của Việt Nam”. Theo ông, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành khu vực do nước này kiểm soát. Bên cạnh đó, hành động dùng tàu khảo sát xâm phạm nằm trong chiến lược “tằm ăn rỗi” được triển khai một cách chậm rãi nhằm đạt được ý đồ mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự để tránh dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn của Việt Nam và các nước trong cũng như ngoài khu vực. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn có 4 tàu khảo sát khác gồm Thực Nghiệm 2, Trương Kiển, Đông Phương Hồng 3 và Hải Dương Địa chất 4 bị cho là có hành vi xâm phạm tương tự đối với vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Philippines. Hành động này cho thấy Trung Quốc đang triển khai đồng loạt các hành động nhằm vào các nước ven Biển Đông khác nhằm giành giật vị thế “cửa trên” rồi ép từng bên ngồi vào bàn đàm phán song phương với mục tiêu kiểm soát một phần hoặc toàn bộ EEZ nước khác.
Chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng đánh giá, việc Trung Quốc dùng tàu thăm dò vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thời gian qua không chỉ đối với Việt Nam mà còn xảy ra với Malaysia, Philippines.Những hành động này cho thấy Trung Quốc quyết tâm biến yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp thành chuyện đã rồi, buộc thế giới phải chấp nhận sự phi lý, bất chấp luật pháp cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế.Nếu phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, trước hết là ASEAN, không hiệu quả thì tiếp theo sẽ là các vùng biển thuộc những quốc gia khác như vùng Natuna của Indonesia, vùng biển của Brunei… Trung Quốc sẽ dần dần lấn tới và áp đặt chủ quyền phi lý của họ, tiến tới kiểm soát hoàn toàn Biển Đông rồi lấn sang các biển khác. Ngoài ra, nguy cơ thương mại biển trên thế giới sẽ bị Trung Quốc chi phối, sự phát triển và nền hòa bình của thế giới sẽ bị đe dọa.
Việt Nam cần có biện pháp thiết thực
Về phản ứng chính thức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (16/8) đã đưa ra phản ứng cứng rắn. Theo đó, thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam; nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, sử dụng nền ngoại giao của mình để đạt được mục đích giải quyết hòa bình các mâu thuẫn quốc tế.Đây là quan điểm đã được khẳng định từ năm 1988 khi Việt Nam có chiến lược ngoại giao, an ninh mới. Chiến lược này vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay với 3 nội hàm: một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở.Giáo sư Phạm Quang Minh nhận định trụ cột thứ 3 là công cụ sắc bén để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, chia sẻ những giá trị, quan điểm, nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực. Ngoài ra, Biển Đông là tuyến đường giao thương, hàng hải lớn, nhộn nhịp nhất của thế giới, và theo giáo sư Phạm Quang Minh, các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều có những lợi ích đan xen.Các nước lớn một mặt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế, song họ cũng chính là những nước có chi phí, tiềm lực quốc phòng mạnh nhất, với Mỹ khoảng 600 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 45-50 tỷ USD…Do đó, mọi cử chỉ của những quốc gia này liên quan tới vấn đề an ninh đều ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam, Việt Nam là một quốc gia thành viên UNCLOS và chủ trương của Việt Nam là sẽ kiên trì, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.Trên thực địa, Việt Nam phải sử dụng những biện pháp kiên quyết nhưng cũng rất kiềm chế, để làm sao tuân thủ pháp luật, đảm bảo phù hợp với những quy định của UNCLOS, pháp luật quốc tế và phù hợp với luật pháp của Việt Nam.Về mặt ngoại giao, chúng ta thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam đã có nỗ lực không ngừng trao đổi quan điểm với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau.Hiện Việt Nam đã rất kiên trì nỗ lực thực hiện những biện pháp đàm phán và trao đổi quan điểm với phía Trung Quốc. Đây cũng là một trong những điều kiện đầu tiên mà các quốc gia cần phải làm trước khi muốn đưa vụ việc ra giải quyết ở các cơ quan tư pháp.
Chuyên gia Kraska đề nghị Việt Nam nên nộp đơn kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982.Ông cũng cảnh báo việc phản ứng riêng rẽ của từng nước có thể khiến Trung Quốc đạt lợi thế. Vì thế, Việt Nam nên hợp tác cùng các quốc gia bị đe dọa khác như Malaysia, Indonesia và Philippines để thu thập bằng chứng về những hành vi phi pháp của Trung Quốc rồi cùng có nỗ lực ứng phó chung. Ngoài ra, các nước có thể trình bằng chứng lên Tổ chức Hàng hải quốc tế và Đại hội đồng Liên hợp quốc và thậm chí trao bằng chứng cho các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như những liên minh đa phương – EU hay NATO chẳng hạn.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Thomas Fingar và Tiến sĩ Donald Emmerson, hai nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford ở bang California, Mỹ cho rằng có lẽ hiệu quả nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tập trung nhiều hơn vào luật pháp quốc tế, chẳng hạn Công ước Liên Hợp Quốc (UNCLOS) năm 1982.Theo Tiến sĩ Fingar, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS) trong vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan tới tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông (vào năm 2016) đã rất rõ ràng và có hiệu lực. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn không chấp nhận phán quyết này.Việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết không đồng nghĩa với việc các nước khác cũng phải chấp nhận lập trường của Trung Quốc. Việt Nam, cùng các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông và khối ASEAN nói chung nên tận dụng mọi cơ hội để khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế.Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, họ sẽ là nước bị tách ra khỏi số đông. Khi đó, những động thái của Trung Quốc sẽ bị coi là mâu thuẫn với chính cam kết quốc tế của họ và những luận điệu của Trung Quốc sẽ cho thấy mô hình thế giới mà nước này đang tìm kiếm. Trung Quốc vốn quan tâm tới thể diện, và sẽ là điều đáng hổ thẹn nếu họ tiếp tục hành xử sai trái.Ông Fingar cho rằng, UNCLOS và phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đủ để cho thấy COC không phải là tất cả, vì luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ đâu là hành vi có thể chấp nhận được và đâu là hành vi không thể chấp nhận được tại vùng biển quốc tế. Luật pháp quốc tế cũng thể hiện rõ rằng các hành động tại vùng biển quốc tế không thể bị chi phối bởi bất kỳ quốc gia nào.Một điểm cần lưu ý là tầm quan trọng của việc đạt được một lập trường thống nhất giữa các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, ngoài Trung Quốc. Các nước là thành viên của ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể cùng nhau đưa ra một thỏa thuận, trong đó thể hiện nước nào có chủ quyền với hòn đảo nào và đặt thỏa thuận đó trong khuôn khổ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.