Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ hỗ trợ đóng mới các tàu tuần tra cao tốc,...

Ấn Độ hỗ trợ đóng mới các tàu tuần tra cao tốc, góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng chấp pháp của Việt Nam

Ngày 14/8, tại xưởng đóng tàu Kattupalli của tập đoàn Larsen & Toubro ở gần thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, Đông Nam Ấn Độ, đã diễn ra lễ khởi công dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc (HSGB) cho lực lượng Biên phòng Việt Nam. Đây là dự án hợp tác quốc phòng quy mô lớn lần đầu tiên giữa hai nước.

Tham dự lễ khởi công có Chuẩn Đô đốc KJ Kumar – Tư lệnh Vùng hải quân Tamil Nadu và Puducherry cùng các quan chức cấp cao của Hải quân Ấn Độ. Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam dẫn đầu tham dự buổi lễ. Phát biểu tại sự kiện, Thiếu Tướng Hoàng Đăng Nhiễu nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ấn Độ đang chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ, trong đó đóng tàu có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, dự án HSGB lần này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu bày tỏ hy vọng dự án sẽ là một thành công lớn. Về phần mình, Giám đốc điều hành công ty đóng tàu Larsen & Toubro Shipbuilding, Phó Đô đốc nghỉ hưu B Kannan khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có tình hữu nghị lâu đời và đang thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ, trong đó có quốc phòng.

Ông Kannan cho rằng dự án lần này có tầm quan trọng chiến lược và Larsen & Toubro cam kết đảm bảo bàn giao đúng thời hạn các tàu chất lượng cho lực lượng Biên phòng Việt Nam. Cho đến nay, Larsen & Toubro đã bàn giao 46 tàu vỏ hợp kim nhôm cho lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ. Các tàu tuần tra cao tốc (HSGB) được thiết kế để phục vụ hoạt động kiểm soát và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu và triển khai các nhiệm vụ tìm kiếm-cứu nạn.

Được chế tạo bằng hợp kim nhôm đặc biệt, tàu HSGB sẽ có chiều dài khoảng 35 mét, đạt tốc độ 35 hải lý/giờ, trang bị nhiều thiết bị dẫn đường, giám sát và phòng thủ hiện đại. 5 tàu sẽ được đóng tại Xưởng Kattupalli thuộc tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ, trong khi 7 tàu khác được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Việt Nam dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Larsen & Toubro. Trung tâm thiết kế tàu chiến thuộc Larsen & Toubro chịu trách nhiệm toàn bộ về các khâu thiết kế và kỹ thuật của tàu. Dự án nằm trong khuôn khổ gói tín dụng được Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam và đây là lần đầu tiên hợp tác quốc phòng giữa hai nước mang lại những dự án lớn cụ thể.

Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển, trong đó hợp tác về quốc phòng ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Lãnh đạo hai bên đều đánh giá quốc phòng-an ninh là hợp tác chiến lược, hiệu quả, thực chất và nhất trí đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, triển khai hợp tác giữa các quân binh chủng hai nước. Phía Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tháng 11/2018, Lãnh đạo hai bên đã đề nghị tăng cường xúc tiến đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao; khuyến khích Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) chủ động hơn nữa trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam cũng như tìm kiếm mô hình hợp tác, kể cả với nước thứ ba. Hai bên hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội biên phòng Việt Nam.

Những hỗ trợ của Ấn Độ như việc đóng mới các tàu tuần tra cao tốc trên được ghi nhận sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn các vùng biên giới và trên biển. Bên cạnh mối quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam, việc làm trên của Chính phủ Ấn Độ phản ánh chính sách hiện nay của nước này đối với Biển Đông và Đông Nam Á. Ấn Độ được biết đền là nước có lợi ích địa chính trị và địa kinh tế ở Biển Đông: Thứ nhất, giống như các bên khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ: i) Thương mại của Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á. ii) Nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới