Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia đề xuất biện pháp để Việt Nam đối phó...

Giới chuyên gia đề xuất biện pháp để Việt Nam đối phó với tàu khảo sát TQ hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế

Một số trang Twitter trích dẫn bản đồ do Tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á công bố cho biết, trong ngày 28/8, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trái phép, dày đặc trong vùng biển của Việt Nam.

Vị trí lô dầu khí 6.01 (màu tím) của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính (Biển Đông). Bản đồ do AMTI – CSIS công bố

Tàu Trung Quốc hoạt động trái phép gần lô 06.1 của Việt Nam

Theo thông tin trên, ngày 28/08/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã di chuyển trái phép đến gần khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, với mức độ khảo sát dày đặc hơn trước. Theo giới phân tích, trong hai ngày qua, chiếc tàu này thay vì tiến sâu vào bờ biển Việt Nam theo kiểu zig zag, đã đổi hướng đến gần bãi Tư Chính; có lúc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng với các tàu hải cảnh hoạt động trái phép cách giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 thuộc mỏ Lan Tây – Lan Đỏ và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý. Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác.

Đáng chú ý, có nhiều thông tin cho rằng hiện nay hai tàu Hải cảnh hộ tống 46111 và 31302 của Trung Quốc đã rời đi về hướng khu vực Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Subi (Subi Reef). Tuy nhiên tàu hải cảnh 46301 vẫn luôn quanh quẩn gần lô 06.1 và luôn ở khoảng cách rất gần với các tàu bảo vệ giàn khoan của Việt Nam.

Việt Nam cần gia tăng các hoạt động phản đối Trung Quốc

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục đưa tàu khảo sát hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông, Việt Na có thể tham khảo đề xuất của một số chuyên gia, học giả quốc tế về việc thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol bắt giữ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8. Giáo sư Carl Thayer cũng khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ như phản đối tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền, quân đội Trung Quốc. Không những vậy, Việt Nam cũng phải tiếp tục vận động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ trước các hành động bức hiếp của Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.

Giáo sư Thayer đề nghị Việt Nam tích cực hơn, rõ ràng và kịp thời hơn trong thông tin về các hành vi phi pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Chẳng hạn mời báo chí nước ngoài đến quan sát trên thực địa, đưa thiết bị bay không người lái đến bãi Tư Chính để cung cấp cho báo chí các bằng chứng sống động. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington nên thông tin kịp thời về hành động bức hiếp của Trung Quốc cho Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, vận động thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ngoài ra, Việt Nam cần duy trì khả năng kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS như Philippines đã làm năm 2013.

Cùng quan điểm với Giáo sư Carl Thayer, nhiều chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế cũng lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời nhận định đây là âm mưu thâm độc của Trung Quốc nhằm độc chiếm nguồn tài nguyên trong khu vực. Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), trong tiềm thức của nhiều người Trung Quốc, họ luôn nhìn nhận các nước láng giềng là những nước thấp cổ, bé họng. Suy nghĩ này “thẩm thấu” vào các chính sách của giới tinh hoa Trung Quốc, tác động tới giới chóp bu của Bắc Kinh khi họ đưa ra quyết định. “Thế nhưng, ngoài mặt, Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận hành động bắt nạt của mình. Thay vào đó, họ tự coi mình là nạn nhân và do đó, các hành động của họ chỉ là phản ứng tự vệ và đúng đắn về mặt đạo đức”; nhận định “động lực của Bắc Kinh khi điều nhóm tàu khảo sát tới vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là xuất phát từ sự bất bình mà nước này tích tụ về hàng loạt các chỉ trích từ nhiều quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông liên quan tới các động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển này”. Bắc Kinh tin rằng các chỉ trích liên tục, dồn dập trong nhiều năm đã và đang làm suy yếu các yêu sách của họ ở Biển Đông. Cùng với đó, động thái của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách về “đường 9 đoạn” dù phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016. Với việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, Trung Quốc đang rắp tâm buộc Hà Nội phải ngừng hoạt động tìm kiếm, thăm dò tài nguyên trong khu vực và đánh động tới các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh muốn rằng nếu họ không thể khai thác tài nguyên ở vùng biển nào thì các nước khác cũng phải chịu cảnh tương tự. Chuyên Collin Koh nhận định, bên cạnh việc duy trì các tuyên bố cứng rắn và mạnh mẽ, tiếp tục lập trường cứng rắn, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kêu gọi thêm nhiều ý kiến của thế giới để chống lại các hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực của lực lượng hàng hải, trang bị thêm cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Trong khi đó, ông Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng hành vi cậy lớn bắt nạt nhỏ hiện nay của Trung quốc không khác là bao so với những gì mà các cường quốc từng làm trong lịch sử. Chuyên gia này khẳng định ép buộc là công cụ quan trọng của các nước lớn và chúng ta không nên ngạc nhiên khi Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy để thúc đẩy lợi ích của mình khi họ trở nên hùng mạnh. Tuy nhiên, theo ông, sức mạnh của các nước lớn sẽ bị hạn chế phần nào bởi các thể chế, chuẩn mực, dư luận xã hội và nhiều yếu tố khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới