Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDuterte chuẩn bị gặp Tập Cận Bình: Chủ tàu TQ xin lỗi...

Duterte chuẩn bị gặp Tập Cận Bình: Chủ tàu TQ xin lỗi vì đâm chìm tàu cá Philippines

Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Duterte (28/8 – 1/9) đang thăm Trung Quốc và chuẩn bị có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ tàu Trung Quốc liên quan đến vụ chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong đã gửi thư “xin lỗi” ngư dân Philippines.

Bức thư trên được Hiệp hội Hỗ trợ Ngư nghiệp Quảng Đông (Trung Quốc) thông qua và chuyển đến Bộ Ngoại giao Philippines (DFA).DFA đã chia sẻ một phần của bức thư với nội dung: “Tôi cảm thấy hối tiếc sâu sắc về vụ tai nạn cũng như muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các ngư dân Philippines. Chủ tàu Trung Quốc liên quan, thông qua hiệp hội của chúng tôi, muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến các ngư dân Philippines. Chúng tôi tin rằng mặc dù vụ tai nạn là do vô ý nhưng tàu cá Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm chính”.

Theo Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh, bức thư là của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA), do Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Ngư nghiệp Quảng Đông Trần Thế Khâmký. MARA là cơ quan được chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ điều tra vụ tai nạn nói trên.Hiệp hội này đề nghị Philippines đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tàu cá FB Gimver 1, đồng thời đảm bảo chủ tàu Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp với Manila để giải quyết hậu quả.

Trước đó, báo The Straits Times cho biết trong bản báo cáo mà Cảnh sát biển (PCG) và Cơ quan Công nghiệp Hàng hải Philippines (MIA) gửi ông Dutere, PCG và MIA xác nhận tàu vỏ thép Yuemaobinyu 42212 đến từ tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc (9/6) đã đâm vào đuôi tàu gỗ FB Gimver 1 khi nó thả neo gần Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, cả PCG lẫn MIA đều không nói hành động của tàu Trung Quốc là cố ý hay không, đồng thời khuyến nghị các quan chức Bắc Kinh mở cuộc điều tra riêng. Ngoài ra, báo cáo cũng đổ lỗi cho ngư dân trên tàu FB Gimver 1 vì không đưa ra cảnh báo trước vụ va chạm.

Nội dung bức thư trên được công bố đúng ngày ông Duterte thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm, ông Duterte sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn của Trung Quốc. Theo Manila Bulletin, ông Duterte và ông Tập sẽ chứng kiến ký kết các thỏa thuận song phương trong ngày 29/8 trên nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, khoa học, công nghệ cho đến kinh tế và phát triển. Một trong những nội dung được quan tâm là việc ông Duterte đã tuyên bố sẽ nêu phán quyết quốc tế về Biển Đông năm 2016 dù Bắc Kinh khẳng định sẽ không thừa nhận phán quyết này. Theo giới phân tích, dù việc nhắc lại phán quyết 2016 có thể chọc giận Bắc Kinh, nhưng động thái của Tổng thống Philippines chủ yếu nhằm xoa dịu các chỉ trích trong nước. Hơn hết, động thái này cũng được cho là tạo đòn bẩy cho Philippines đàm phán các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên trên vùng biển tranh chấp. Manila đang cần các nguồn tài nguyên mới khi số mỏ khí tự nhiên Camago-Malampaya của nước này, nguồn năng lượng cho 3 nhà máy cung cấp điện cho một nửa đảo chính Luzon, dự kiến cạn kiệt vào năm 2024.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Philippines không nên kỳ vọng quá nhiều vào chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Duterte. Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc của Viện nghiên cứu hàng hải và luật biển của Đại học Philippines, công chúng có xu hướng kỳ vọng cao vì họ tin rằng Tổng thống sẽ tìm kiếm một thỏa thuận công bằng với Trung Quốc. Kể từ năm 2016, chính quyền yêu cầu người dân chờ đợi thời điểm thích hợp để đưa vấn đề về phán quyết của Tòa Trọng tài và bây giờ họ nói thời gian đã đến. Nghe thì có vẻ kịch tính nhưng mọi người nên nhớ rằng đàm phán với Trung quốc khó dự đoán hơn nhiều. Theo ông Jay Batongbacal, kỳ vọng của ông về các cuộc thảo luận liên quan tới đề xuất thăm dò chung trên Biển Đông là khá thấp và bản ghi nhớ được ký giữa Manila và Bắc Kinh vào tháng 11/2018 về hợp tác năng lượng ở Biển Đông không trực tiếp giải quyết các thách thức pháp lý chính đối với sự phát triển chung của Philippines. Ông Batongbacal tin rằng Philippines đã đánh mất giá trị đòn bẩy tối đa và cơ hội tốt nhất vào thời điểm phán quyết Biển Đông được Tòa Trọng tài quốc tế nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. Manila bỏ phí 3 năm và giờ phán quyết này không còn nóng như khi nó vừa được đưa ra năm 2016.

Đồng quan điểm với ông Batongbacal, chuyên gia phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi của Philippines khuyên người dân không nên quá kỳ vọng vào chuyến thăm của ông Duterte vì một nước nhỏ như Philipines không thể có tất cả những gì mình muốn từ một cường quốc như Trung Quốc. Ông Rommel Banlaoi nhận định, chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte sẽ nhằm mục đích tăng cường “hợp tác thực dụng” giữa 2 nước.

Được biết, trong vài tháng qua, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân và sự xuất hiện của các tàu chiến tại vùng biển quanh đảo quốc này. Philippines đã đưa ra hàng loạt phản đối ngoại giao và tuyên bố siết chặt kiểm soát tàu chiến ra vào vùng biển của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới