Trung Quốc “câu giờ” nhưng giới phân tích Mỹ cảnh báo nếu ông Trump tái đắc cử thì mọi việc sẽ khó khăn hơn đối với Trung Quốc.
Mỹ dội nước lạnh
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 5/9 cho biết cuộc điện đàm cùng ngày với các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ diễn ra rất tốt đẹp, nói thêm rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ sự lao thang nào trong cuộc chiến thương mại.
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong khẳng định cả hai bên sẽ nỗ lực đạt được những tiến triển thực sự trong cuộc gặp cấp cao được dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 10 tới.
Trước đó, trong ngày 5/9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay nước này và Mỹ đã nhất trí tổ chức cuộc đàm phán thương mại cấp cao tại Washington, sau cuộc điện đàm giữa Phó Thư tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Tín hiệu “lạc quan” của phía Trung Quốc được phát đi ngay lập tức bị dội gáo nước lạnh khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington không muốn thảo luận với Trung Quốc về Tập đoàn công nghệ Huawei.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ không hợp tác với Huawei vì công ty này là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, là quan ngại lớn của quân đội cũng như cơ quan tình báo của nước này.
Hiện chưa rõ liệu những tuyên bố trên của Tổng thống Trump có ngụ ý tới một sự thay đổi về việc ông sẽ để ngỏ cơ hội thảo luận về công ty công nghệ khổng lồ này của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh hay không.
Trước đó, Tổng Thống Trump cho biết ông sẵn sàng thảo luận về Huawei trong các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đồng ý nếu Mỹ giảm bớt những hạn chế đối với Huawei thì Bắc Kinh sẽ mua sản phẩm nông nghiệp của Washington.
Ông Trump quyết không “tha” Huawei, đồng nghĩa không xuống thang với Trung Quốc |
Huawei hiện là công ty hàng đầu thế giới về thiết bị 5G siêu tốc và là nhà sản xuất điện thoại thông minh số hai thế giới. Kể từ tháng 5 vừa qua, công ty này đã bị cuốn vào căng thẳng thương mại sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới lần lượt áp các mức thuế cao đối với sản phẩm của nhau.
Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội Huawei và Giám đốc Tài chính (CFO) của công ty – bà Mạnh Vãn Châu âm mưu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, bằng cách bí mật hợp tác kinh doanh với Tehran thông qua một công ty con. Tuy nhiên, Huawei kiên quyết phủ nhận các cáo buộc của Washington.
Lợi thế nghiêng về Mỹ?
Theo giới phân tích Mỹ, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang đến cường độ mới, đẩy cả hai nước vào tình trạng khó khăn và gia tăng áp lực khiến hai bên phải tìm lối thoát.
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn tin rằng Trung Quốc chịu nhiều áp lực hơn bất chấp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2020.
Cuối tháng 8/2019, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với 75 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ đẩy thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên thêm một mức nữa: từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng đã đánh thuế từ trước, và từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị đánh thuế bắt đầu từ tháng 9/2019.
Con tàu nào sẽ chìm trước? |
Nếu như trước đây, Mỹ chỉ đánh thuế vào các mặt hàng “trung gian” của Trung Quốc, tức các nguyên liệu và thiết bị dùng để sản xuất, thì vòng áp thuế mới của Mỹ ảnh hưởng tới các mặt hàng bán lẻ, từ điện thoại, điện tử cho đến hàng may mặc.
Việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) bỗng dưng trở thành con dao hai lưỡi và mang lại lợi thế cho Mỹ. Mỹ không chỉ có cớ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ mà còn đẩy mạnh các biện pháp làm cho đồng nội tệ của Trung Quốc yếu đi thực sự.
Đồng NDT đã giảm xuống dưới mức 7 NDT/1 USD và được cho là sẽ khiến người dân Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài. Theo giới phân tích Mỹ, tăng trưởng GDP của Trung Quốc thực tế đã hạ xuống 3% cho dù con số công bố chính thức là 6%.
Bên cạnh đó, đầu tư tài sản cố định trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3% so với mức 30% trong các năm 2010 và 2011. Trong quý trước, Trung Quốc phải tung ra gói kích thích kinh tế 300 tỷ USD.
Sự cứng rắn bên ngoài của Trung Quốc không thể che giấu những khó khăn sẽ nảy sinh từ thương chiến, đặc biệt là áp lực kinh tế không tăng trưởng và người dân mất công ăn việc làm. Mới đây, Tổng thống Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc đưa sản xuất trở lại trong nước.
“Đòn” thuế quan của ông Trump có “đập” lại nước Mỹ? |
Hiện có không ít ý kiến cho rằng việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng Mỹ và nền kinh tế Mỹ, qua đó cản trở nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ cho rằng con số 540 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “không là gì” so với quy mô nền kinh tế Mỹ trị giá 20.000 tỷ USD.
Ngược lại, con số gần 120 tỷ USD hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc mua cũng chiếm phần rất nhỏ, tương đương 1% GDP hơn 12.000 tỷ USD của Trung Quốc.
Còn về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, giới phân tích nước này thừa nhận rằng, kinh tế Mỹ sau gần 10 năm tăng trưởng với tốc độ cao sắp sửa bước vào suy thoái theo chu kỳ và cuộc chiến thương mại sẽ đẩy suy thoái đến sớm hơn.
Ngay cả điều này xảy ra, ông Trump vẫn có lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 vì giới phân tích tin rằng ông có những người ủng hộ “trung thành”, ngay cả những nông dân Mỹ bị tác động từ cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Có ý kiến nhận định rằng Trung Quốc đang chơi chiến thuật “câu giờ” nhằm đợi kỳ bầu cử năm 2020 nên không tích cực đàm phán. Mặc dù vậy, giới phân tích Mỹ cảnh báo nếu ông Trump tái đắc cử thì mọi việc sẽ khó khăn hơn đối với Trung Quốc.