Chính quyền Trung Quốc tối thứ Ba (3/9) đã đưa một tàu cần cẩu khổng lồ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90 km.
Các nhà quan sát khu vực cho biết sự hiện diện của con tàu ở vị trí rất gần với bờ biển Việt Nam cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối đầu với Việt Nam ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra không lâu sau khi tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, dẫn đến cuộc đối mặt của lực lượng hải quân hai nước.
Vì sao Trung Quốc liên tiếp gây hấn với Việt Nam về chủ quyền ở Biển Đông? Các chuyên gia cho rằng cuộc đối đầu hiện tại với Việt Nam có thể phục vụ nhiều mục đích của Trung Quốc.
Ngăn chặn lợi ích của Việt Nam
Trong bài báo ngày 5/9 của Asia Times, ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tập đoàn RAND, một nhóm chuyên gia có trụ sở tại Washington, lập luận rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, thì đối thủ tiềm năng nhất sẽ là Việt Nam.
Trước khi xảy ra vụ đối mặt ở Bãi Tư Chính, ông Grossman viết rằng Trung Quốc sẽ muốn chọn Việt Nam nếu họ cần có một “cuộc chiến mang tính chất khởi động” để chuẩn bị cho trường hợp xung đột với Mỹ, và Bắc Kinh biết rằng lực lượng của Việt Nam có “sức mạnh cỡ trung bình mà có thể dễ dàng bị đánh bại” bởi quân đội Trung Quốc.
Vòng tròn đỏ là khu vực Bãi Tư Chính, nơi các tàu Trung Quốc cố thủ nhiều tuần trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh: Wikimedia Commons).
Mặc dù xung đột vẫn chưa xảy ra, nhưng Bắc Kinh một lần nữa đã tăng cường thái độ gây hấn và “ngoại giao pháo hạm” để gây sức ép buộc Hà Nội chấm dứt các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, theo Asia Times.
Chữa ‘căn bệnh hòa bình’
Giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây bày tỏ quan ngại về cái gọi là “căn bệnh hòa bình” của quân đội Trung Quốc khi binh lính không có cuộc chiến nào kể từ chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
Theo Asia Times, tình trạng bất an này là yếu tố khiến Trung Quốc tìm kiếm một đối thủ khả thi để tạo ra một cuộc chiến nào đó, nhằm xốc lại khả năng chiến đấu của binh lính. Nhà phân tích Grossman cho rằng, nếu Trung Quốc chiến đấu với Ấn Độ trên đất liền, ở cao nguyên Hymalaya, thì điều đó không đem lại nhiều lợi ích cho quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên biển. Nếu chiến tranh ở khu vực bán đảo Triều Tiên, thì khả năng cuộc chiến sẽ trở nên quá bạo lực và quá gần Trung Quốc đại lục.
Việc đánh nhau với Nhật Bản, Philippines hay Hàn Quốc đều sẽ liên quan đến quân đội Mỹ, vì mỗi quốc gia đều là đồng minh an ninh với Hoa Kỳ. Việc gây chiến với Đài Loan cũng không mấy khả thi, vì Đạo luật Quan hệ Đài Loan yêu cầu Washington phải đến trợ giúp Đài Bắc trong trường hợp quân đội Trung Quốc xâm lược.
Việt Nam là mục tiêu tiềm năng nhất mà Trung Quốc nhắm đến.
Asia Times cho biết, nhà phân tích Dennis Blasko, nhận định rằng Bắc Kinh sẽ muốn có một cuộc xung đột mà họ có thể chiến thắng và “Việt Nam về cơ bản không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc do thiếu hụt về năng lực, đào tạo và nhân lực”.
Dù vậy, Việt Nam được đánh giá là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông.
Philippines đã chọn cách xoa dịu Bắc Kinh, mặc dù họ đã thắng kiện tại tòa án quốc tế nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2016.
Mặt khác, Malaysia và Việt Nam, đã đứng lên phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Hải quân Hoàng gia Malaysia đã tiến hành các cuộc tập trận để thể hiện sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực hàng hải đang tranh chấp.
Việt Nam còn đi xa hơn thế, lên tiếng bác bỏ nhiều diễn biến liên tiếp của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo, phong tỏa và triển khai vũ khí tấn công. Việt Nam còn hợp tác với gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga để tìm kiếm dầu ở những khu vực bị Trung Quốc tranh chấp.
Khác với lập trường mềm yếu của Philippines, chiến lược cứng rắn của Việt Nam dường như đã có hiệu quả, theo giáo sư Panos Mourdoukoutas của đại học LIU Post và đại học Clombia (Mỹ), đăng trên Forbes ngày 7/9. Tháng trước, tàu khảo sát của Trung Quốc đã phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau một tháng đối mặt với các tàu hải quân Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Nhưng giờ đây, Việt Nam lại trở thành mục tiêu của Bắc Kinh một lần nữa khi chiếc tàu cần cẩu khổng lồ tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tối 3/9, ngay sau ngày Quốc khánh của Việt Nam.
Rõ ràng, Bắc Kinh muốn để mắt đến mối quan hệ Việt-Nga và việc Hà Nội tái khẳng định quyền sở hữu Biển Đông của mình, giáo sư Panos nhận định.
Ông cho rằng hiện chưa rõ lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh trong thời gian này sẽ có tác dụng hay không, nhưng một điều rõ ràng là: Việt Nam sẽ tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc, khi Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự ở Biển Đông.
Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy yêu sách ở vùng biển chiến lược này nhằm phục vụ một mục tiêu kín đáo hơn:
Phân tán sự bất mãn của người dân
Chính quyền Trung Quốc đang lâm vào tình thế khủng hoảng chưa từng có, sau gần hai năm bị Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm tới trong cuộc chiến thương mại không khoan nhượng. Nhiều yếu tố cho thấy Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ kinh tế. Cách chỉ số tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong hàng chục năm. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài, và cả doanh nghiệp Trung Quốc đang di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục để tránh trở thành mục tiêu đánh thuế của chính quyền Trump…
Những yếu tố đó làm trầm trọng thêm sự thất vọng của người dân, trong khi những vấn nạn mang tính chất kinh niên không có dấu hiệu được giải quyết, như tình trạng cửa quyền, tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân, giữa thành thị và nông thôn, hàng giả, thuốc giả và thực phẩm độc hại, ô nhiễm môi trường ở mức đáng báo động…
Sự bất mãn gia tăng của người dân là mối lo ngại trực tiếp đối với quyền thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Trong bối cảnh rối ren tứ bề, ĐCSTQ cần huy động sự ủng hộ của người dân, hướng quần chúng tới một kẻ thù chung nào đó, thường được mô tả là “thế lực thù địch nước ngoài”.
Các cuộc biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông đang bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng cho mục đích đó, theo nhận định của Giáo sư Deana Rohlinger, Đại học bang Florida (Mỹ), đăng trên The Conversation ngày 26/8. Sau nhiều năm sống trong tuyên truyền, nhiều người Trung Quốc không hiểu rằng phong trào dân chủ ở Hồng Kông là nhằm phản đối sự thao túng của ĐCSTQ chứ không phải phản đối dân tộc Trung Hoa. Vì vậy, thế giới đã chứng kiến những người đại lục sẵn sàng gây rối, nói tục và có những hành vi kém văn minh khác để chống lại những người ủng hộ Hồng Kông, cứ như thể phong trào dân chủ ở Hồng Kông làm tổn hại đến quyền lợi của người dân đại lục.
Biển Đông cũng là một lựa chọn khả thi mà Bắc Kinh có thể dễ dàng lợi dụng, khiến người dân tạm gác những bức xúc ở trong nước và tập trung vào lý tưởng bảo vệ chủ quyền. Sau nhiều năm bị tuyên truyền bằng những tư liệu giả dối về lịch sử chủ quyền ở Biển Đông, người Trung Quốc thật sự tin rằng họ có chủ quyền ở vùng biển và phải chiến đấu vì điều đó.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Phùng cửu tất loạn – lời dự ngôn này dường như vẫn linh ứng tại Trung Quốc kể từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949. Cứ đến năm có đuôi 9, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ gặp phải, hoặc cố tình tạo ra một “đại loạn” nào đó để xốc lại không khí “thời chiến”, từ đó củng cố sự ủng hộ của người dân nhằm duy trì “sự ổn định” cho đảng cầm quyền.
Ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng nhận ra quy luật này vào mỗi thập niên kết thúc bằng số 9. “Bạo lực và tham nhũng là chế độ ở Trung Quốc. Cứ khoảng 10 năm, ĐCSTQ lại tiến hành một cuộc đàn áp nhắm vào một nhóm người thiểu số, tôi nghĩ đó chủ yếu là để gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng dân chúng”, ông Kilgour phát biểu tại diễn đàn TEDxMünchen năm 2015.