Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaASEAN với hành trình 27 năm giải quyết tranh chấp chủ quyền...

ASEAN với hành trình 27 năm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

    Có thể nói, lo ngại bởi những hành động quyết đoán đòi chủ quyền ở Biển Đông của các bên, nhất là từ phía Trung Quốc có thể gây bất ổn cho khu vực.

Theo nhìn nhận của giới học giả nghiên cứu, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã manh nha từ giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, khi các bên thắng và thua trận trong chiến tranh ngồi lại với nhau để phân chia lãnh thổ, đền bù thiệt hại chiến tranh và theo thời gian, sự tranh chấp trên từng bước leo thang dưới thời chiến tranh lạnh, tới mức đã xảy ra vài cuộc xung đột quân sự cục bộ trên Biển Đông. Nhưng ngoại trừ nạn nhân là Việt Nam Cộng hòa bị “ức hiếp” mà “kêu la” ra, hầu như không có ai quan tâm, kể cả tổ chức khu vực được thành lập năm 1967là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khi đó có 5 thành viên gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Thailand, trong đó có đến 4 thành viên có chủ quyền trên Biển Đông trừ Thailand cũng “im hơi lặng tiếng”. Lý do chính là vì khu vực Đông Nam Á thời gian đó đang là chiến tuyến giữa hai thế lực cộng sản và phi cộng sản và đối với 5 nước trên, nhiệm vụ phối hợp cùng Mỹ ngăn chặn “làn sóng đỏ” mới là hàng đầu. Vì thế, cả Mỹ và ASEAN hầu như không có phản ứng nào trước việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988. Tuy nhiên, những hành động trên của Trung Quốc cũng khiến 5 nước ASEAN giật mình, nhất là Philippines, từ năm 1971 đã đưa quân chiếm một số đảo của quần đảo này.

          Phải đến khi lực lượng hải quân Trung Quốc hiện diện khá đông đảo ở quần đảo Trường Sa vào cuối những năm 1980, tiếp theo là việc quân Mỹ “vắng bóng” tại căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark của Philippines ở đầu thập niên 90 của thế kỷ XX mới khiến ASEAN, nhất là Philippines phải “xắn tay áo” can dự vào vấn đề Biển Đông. Tháng 7/1992, tại Manila, ASEAN thông qua “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông”, đánh dấu lần đầu tiên tổ chức này đưa ra văn kiện chính thức bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó nêu rõ rằng “mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông đều ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực” và nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề tài phán và chủ quyền gắn liền với Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực”.

Đến năm 1995, Trung Quốc ngang nhiên đưa quân đánh chiếm một số đảo đá thuộc bãi Vành Khăn. Sự kiện trên đã gióng lên hồi chuông báo động ASEAN rằng sau Việt Nam, lần lượt tới các nước trong khu vực có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ được Trung Quốc “hỏi thăm”. Các nước ASEAN hiểu rằng, họ có muốn được yên thân cũng không xong. Vì vậy, cùng với thái độ phản đối rõ ràng của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan đến sự kiện bãi Vành Khăn, ASEAN, lúc này đã tăng lên thành 7 nước thành viên (trong đó có Việt Nam), đã có sự đoàn kết và nỗ lực tập thể rất lớn ngay trong năm 1995 và đã mang lại kết quả đáng khích lệ. ASSEAN đã liên tục đưa ra các tuyên bố hay thông cáo chung về vấn đề này. Tuyên bố tháng 3/1995 của Ngoại trưởng các nước ASEAN nhấn mạnh rằng “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây bất ổn ở khu vực và đe dọa đến hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, đồng thời ASEAN “đặc biệt kêu gọi một giải pháp sớm cho các vấn đề gây ra bởi những diễn biến gần đây ở bãi đá Vành Khăn”. Những nội dung trên cũng được nhấn mạnh trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tổ chức tại Brunei tháng 7/1995 và đặc biệt là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 5 tổ chức tại Bangkok, Thailand tháng 2/1995.

          Sang năm 1996, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 (AMM-29) tổ chức tại Jakarta, Indonesia tháng 7/1996 đã tán thành ý tưởng về soạn thảo và thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Sáng kiến này được nhắc lại trong Kế hoạch hành động Hà Nội năm 1998. Tuy nhiên, việc soạn thảo văn kiện trên bị kéo dài sang năm 1999 mới bắt đầu, khi phía Trung Quốc đồng ý tham gia vào tiến trình này với một bản dự thảo riêng của họ. Sau gần bốn năm thương thuyết với Trung Quốc, ASEAN đã không đạt được mục tiêu ban đầu đặt ra là có một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề Biển Đông (COC). Thay vào đó, là một Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) được thông qua vào tháng 11/2002 tại Phnom Penh với những cam kết chính trị 7 điểm khá chung chung. Mặc dù vậy, DOC cũng đã khẳng định cam kết của các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp pháp trên Biển Đông. Với tuyên bố này, ít nhiều nó cũng đã ngăn cản Trung Quốc đưa quân đánh chiếm thêm các vị trí mới trên Biển Đông.

          Song trên thực tế, những cam kết chính trị, thiếu sự ràng buộc về mặt pháp lý của DOC khó phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa xung đột leo thang ở Biển Đông. Trước tình hình nóng lên tại vùng biển này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Singapore năm 2008 đã đưa ra Thông cáo chung nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực thúc đẩy thực thi DOC, bao gồm sớm hoàn thiện các Hướng dẫn thực thi DOC”. Nội dung này cũng được nhấn mạnh trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Hà Nội năm 2010. Vào năm 2011, khi tình hình Biển Đông trở nên khá căng thẳng, các nước ASEAN đã nỗ lực cùng với Trung Quốc thông qua “Bản Quy tắc Hướng dẫn DOC”. Mặc dù nội dung 8 điểm của bản Hướng dẫn này còn hết sức chung chung, không khác gì mấy so với bản Tuyên bố DOC năm 2002, nhưng nó cũng góp phần tạm thời “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng ở Biển Đông, duy trì ASEAN vượt qua thách thức bởi sự chia rẽ, đoàn kết trở lại để tiếp tục hướng tới xây dựng COC.

          Để thúc đẩy tiến trình COC, từ cuối tháng 6/2012, ASEAN đã hoàn tất “Tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố cần có của COC” và sau đó được trình lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) tổ chức tại Phnom Penh. Ngày 9/7/2012, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí về những thành tố cơ bản của COC. Tuy nhiên, do những khác biệt về quan điểm của một số nước thành viên sau đó, ASEAN đã không đưa ra được một Tuyên bố chung có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Một tuần sau, Hội nghị AMM-45 diễn ra, với nỗ lực ngoại giao con thoi của Indonesia, ASEAN mới đưa ra được “Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông” trong đó Điểm 3 có đề cập đến việc “sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Xét về nội dung, bản tuyên bố 6 điểm này là sự “dậm chân” tại chỗ, nếu như không nói là bước thụt lùi so với các văn kiện của ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông trước đó.

          Năm 2013, trước những biến chuyển không mấy khả quan trong việc thông qua kênh ngoại giao để giải quyết tranh chấp bãi cạn Scarborough với Trung Quốc, Philippines đã sử dụng con đường đấu tranh pháp lý, chính thức đệ trình văn bản khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) vào ngày 22/1/2013. Trung Quốc không chỉ bác bỏ đòi hỏi của Philippines, từ chối tham gia vụ kiện, mà còn gây áp lực ngoại giao lên các nước ASEAN nhằm vận động Philippines từ bỏ hành động của họ để đổi lấy việc tái khởi động các cuộc đàm phán về COC. Song hành động trên của Trung Quốc, trong đó có cả sự gây áp lực về kinh tế và ngoại giao đối với Philippines đã không hiệu quả. Ngược lại, hành động pháp lý của Philippines đã buộc Trung Quốc phải điều chỉnh thái độ, đồng ý tái khởi động tiến trình xây dựng COC. Trung Quốc thống nhất tổ chức các cuộc tham vấn về việc thúc đẩy COC giữa ASEAN và Trung Quốc vào giữa tháng 9/2013 tại thành phố Tô Châu. Cuộc họp này đã thống nhất được một kế hoạch cho năm 2013 – 2014 làm việc về DOC và phê duyệt nhóm chuyên gia để hỗ trợ cho tiến trình COC và đồng ý nhóm họp tại Thailand vào năm 2014. Như vậy, mặc dù Trung Quốc dường như không muốn đàm phán chính thức về COC, nhưng họ cũng đã bắt đầu phải đề cập đến tiến trình này hòng giảm bớt sức ép quốc tế lên bản thân

.         Năm 2014, ASEAN đứng trước 2 sự kiện gây sức ép đáng kể lên tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông do những hành động vừa mở rộng phạm vi “chủ quyền” vừa mang tính đe dọa của Trung Quốc đối với các nước, đó là:

Thứ nhất, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động của tàu thuyền ngư dân nước này ở vùng biển xung quanh đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia, nhưng Trung Quốc vẫn cho rằng vùng biển này nằm trong “đường 9 khúc” phi lý do họ tuyên bố. Indonesia từ trước đến nay liên tục đóng vai trò dẫn đầu như một trung gian hòa giải độc lập trong việc thúc đẩy đàm phán về một COC. Tuy nhiên, trước những động thái của Trung Quốc, buộc Indonesia ngay từ đầu năm 2014 đã chính thức bác bỏ yêu sách “đường 9 khúc” của Trung Quốc, bao gồm cả vùng biển rộng lớn xung quanh đảo Natuna và tuyên bố nước này có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Tuyên bố của Indonesia có khả năng làm cho cục diện Biển Đông nói chung, tiến trình đàm phán để có một COC nói riêng trở nên khó dự đoán. Bởi hành động mới của Indonesia một mặt có thể tạo ra sức ép mới buộc Trung Quốc phải có những thỏa hiệp, ngồi vào bàn đàm phán, mặt khác có thể khiến Trung Quốc “điên tiết” lên trong yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông mà hành động cứng rắn, kể cả áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như họ đã làm ở vùng biển Hoa Đông.

Thứ hai, đầu tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam và vấp phải sự phản ứng, đấu tranh quyết liệt của phía Việt Nam. Sự kiện đã buộc ASEAN phải có những nỗ lực đáng kể trong ngăn ngừa xung đột leo thang ở Biển Đông. Ngay sau sự kiện, vào ngày 10/5/2014, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 nhóm họp tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, ASEAN đã đưa ra “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông”, trong đó “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông…” và “…yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Tiếp đến, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) tổ chức tại Myanmar tháng 8/2014 cũng ra “Tuyên bố chung của AMM-47”, trong đó vấn đề Biển Đông được nêu bật với nhiều chi tiết mới, cụ thể và từ ngữ khá cứng rắn hơn so với các thông cáo chung. Bản tuyên bố khẳng định rằng “chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”; yêu cầu “giải quyết tranh chấp qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982” và “Chúng tôi nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC”. Như vậy, tuyên bố chung lần này tuy không trực tiếp chỉ đích danh Trung Quốc gây căng thẳng mới ở Biển Đông, nhưng cũng ám chỉ rằng những hành động gần đây của Trung Quốc “làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”. Hơn nữa, lần này, ASEAN muốn gửi đi một thông điệp “đàm phán thực chất” với Trung Quốc.

Hai sự kiện trên đã thúc đẩy ASEAN hành động mạnh mẽ trong năm 2014 và có thể nói, sau 22 năm, kể từ năm 1992, ASEAN mới có một Tuyên bố chung mới về Biển Đông như tuyên bố tháng 5/2014 đề cập khá nghiêm túc, chi tiết và “quan ngại sâu sắc” về những diễn biến mới ở Biển Đông liên quan đến hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, những nội dung của các tuyên bố trên cũng vẫn chưa có những “đột phá” mới so với các tuyên bố mà ASEAN đã từng đưa ra từ trước đó.

Sang năm 2016, PCA ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/07/2016 về vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Phán quyết của PCA đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông theo “đường 9 khúc”; cùng với đó là “làn sóng” dư luận mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích thái độ “bất tuân luật pháp” của Bắc Kinh. Tình hình trên đã tạo sức ép đáng kể buộc Trung Quốc phải điều chỉnh hành vi, họ quay lại “tham vấn” ASEAN về COC. Công bằng mà nói, dù phán quyết của PCA không có tác dụng buộc Trung Quốc phải “thi hành bản án” và cũng không có ai “giám sát thi hành án”, nhưng đây mới là tác nhân có sức nặng buộc Trung Quốc phải nghiêm túc hơn đối với tiến trình xây dựng COC mà họ vốn dĩ không mặn mà.

Trong nửa đầu năm 2017, các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã gặp gỡ nhau 3 lần để thảo luận về COC. Đó là tại cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19 về thực hiện DOC (JWG-DOC) ở Bali, Indonesia ngày 27/02/2017, hai bên nhất trí về phác thảo cơ bản dự thảo khung COC. Sau đó, ngày 30/03/2017, tiếp tục được thảo luận tại JWG-DOC lần thứ 20 ở Siem Reap, Campuchia. Dự thảo này sau đó đã được sửa đổi đôi chỗ trong các cuộc họp SOM-DOC ở Quý Dương, Trung Quốc vào tháng 5/2017 và đến tháng 8/2017, dự thảo khung COC mới được thông qua.

Sang năm 2018 và 2019, ASEAN và Trung Quốc mới đi vào thảo luận và đàm phán nội dung chi tiết của COC mà cho đến nay, giới học giả vẫn chưa nhận được điều gì khả quan từ bản Quy tắc này ngoại trừ lời hứa của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, COC có thể ra đời trong vòng 3 năm nữa. Trong khi diễn biến tình hình thực tế trên Biển Đông vẫn chưa giảm nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.

Ngoài việc tạo dựng DOC và tiến tới COC, ASEAN và các nước thành viên đã sử dụng các kênh đối thoại, hợp tác song phương, đa phương khác nhau để thúc đẩy quá trình “định chế hóa” các cơ chế trên. ASEAN đã tranh thủ Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) để thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, trong đó có vấn đề Biển Đông. Từ Hội nghị ARF lần thứ 17 diễn ra vào năm 2010 trở đi, các nước tham gia, nhất là các thành viên ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Mỹ đã nhiều lần đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra thảo luận và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vùng biển đang “dậy sóng” này. Trong tuyên bố chung của ARF những năm gần đây, các nước thành viên đã nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ DOC, UNCLOS 1982 và tiến tới xây dựng thông qua COC. Ở các diễn đàn khác nhau như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +)… các nước ASEAN cũng đã nêu vấn đề Biển Đông ra thảo luận và ngày càng nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ cho lập trường “quốc tế hóa”, giải quyết tranh chấp hòa bình và tự do hàng hải tại vùng biển này.        

          Có thể nói, lo ngại bởi những hành động quyết đoán đòi chủ quyền ở Biển Đông của các bên, nhất là từ phía Trung Quốc có thể gây bất ổn cho khu vực, các nước ASEAN từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã có những nỗ lực tập thể, tạo ra các định chế nhằm góp phần hòa giải mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột leo thang tại vùng biển này. Trên thực tế, các định chế như Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992, DOC 2002 và Bản Hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011, Tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố cần có của COC năm 2012, “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông” và “Tuyên bố chung AMM-47” trong năm 2014 cũng như các nỗ lực khác của ASEAN trên các diễn đàn an ninh đa phương như ARF, EAS, ADMM+, Diễn đàn đối thoại An ninh Châu Á – Shangri-La, Diễn đàn biển ASEAN mở rộng… đã và đang góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác hòa bình, tạo những cơ sở chính trị, pháp lý cho sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai. ASEAN và các nước thành viên có quyền hy vọng về những cố gắng không mệt mỏi trong hơn 1/4 thế kỷ qua của mình sẽ đạt được thành quả là có được một COC thực chất, thiết thực, hiệu quả, giúp mang lại hòa bình, ổn định và hợp tác lâu dài tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới