Ba năm theo đuổi một vụ kiện với bao công phu, tốn kém, có được thắng lợi, vậy mà PLP, bên thắng kiện- lại thỏa hiệp khai thác chung với TQ tại khu vực mà phán quyết của PCA đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của TQ.
Dư luận tiếp tục quan tâm kết quả chuyến thăm TQ của nhà lãnh đạo Philippines, ông – Rodrigo Duterte. Trước khi sự kiện này diễn ra, cộng động quốc tế và khu vực đã coi đây là một trong những sự kiện quan trọng. Là bởi, nó diễn ra vào thời điểm quá nhạy cảm: biển Đông – nơi PLP và các bên liên quan cùng có tuyên bố chủ quyền – đang nổi sóng dữ dội với sự phá bĩnh của TQ khi nước này cho tàu Hải Dương 8 thực hiện cái gọi là “thăm dò địa chất” tại khu vực bãi Tư Chính – nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Họ cũng làm thế cả với PLP và Malaysia.
Trong bối cảnh đó, dư luận muốn biết, trong chuyến thăm TQ, ông Duterte – người đang bị dư luận PLP cho là “thân” TQ đến mức hy sinh chủ quyền quốc gia, sẽ nói gì, làm gì ?
Thực ra, cũng nên dành lời khen ngợi phần nào ông Duterte. Trước chuyến thăm, ông đã khẳng định sẽ nói thẳng với nhà lãnh đạo TQ- ông Tập Cận Bình – về thắng lợi pháp lý của Manila trước Bắc Kinh năm 2016 trong vụ kiện biển Đông, bất chấp phản ứng của chính phủ Trung Quốc là gì.
Đồng thời, ông nói rằng, trong chuyến thăm này, ông sẽ thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong cuộc gặp với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Đây là điều dư luận thực sự quan ngại.
Câu trả lời cụ thể đã có.
Đúng như lời hứa, ông Duterte đã nói với ông Tập Cận Bình về tính pháp lý trong phán quyết của PCA rằng “đó là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể phản đối”.
Cho dù ông Tập phản đối, nhưng dư luận PLP ghi nhận: muộn còn hơn không. Dù gì thì ông Duterte cũng đã làm được điều mà ông cứ “rón ra rón rén”, không chịu làm trong suốt ba năm qua, và vì đó mà phải chịu sự chỉ trích của dư luận. Chọn cách nói thẳng, lần đầu tiên, có vẻ như ông Duterte thể hiện là một người “chơi sòng phẳng” với ông Tập Cận Bình trên bàn cờ ngoại giao.
Nhưng, liên quan thỏa thuận khai thác chung dầu khí với TQ lại là một câu chuyện khác.
Ông Duterte nhắc đến kế hoạch thăm dò khai thác chung với ông Tập và cho biết, TQ là bên đề xuất tỷ lệ ăn chia 60/40 với phần hơn thuộc về PL. Đồng thời, nhà lãnh đạo PLP không giấu nỗi vui mừng rằng đây là “khởi đầu tốt”.
Ngược thời gian, TQ và PLP ký biên bản ghi nhớ (MOU) về khả năng khai thác dầu khí chung ở Biển Đông hồi tháng 11.2018 trong chuyến thăm Philippines của ông Tập.
Để thực hiện MOU, một trong những bước đi đầu tiên là đề xuất dỡ bỏ lệnh tạm dừng thăm dò dầu khí ở Biển Đông hồi năm 2013 do Tổng thống Philippines khi đó Benigno Aquino III ban hành sau khi Trung Quốc dùng thủ đoạn giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Theo báo chí PLP, nếu lệnh này được dỡ bỏ, 2 địa điểm được xem xét cho việc khai thác chung là phía bắc đảo Palawan của Philippines và khu vực bãi Cỏ Rong.
Liên quan bãi Cỏ Rong, hẳn chưa ai quên đây là điểm xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân trước khi họ được tàu cá VN ứng cứu hồi tháng 6 năm nay. Và điều quan trọng hơn, phán quyết của PCA năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn các yêu sách chủ quyền của TQ trên phần lớn biển Đông, trong đó có vùng bãi Cỏ Rong.
Khởi kiện từ năm 2013. PCA ra phán quyết năm 2016. Ba năm theo đuổi một vụ kiện với bao công phu, tốn kém, giành thắng lợi, vậy mà PLP, bên thắng kiện- lại thỏa hiệp khai thác chung với TQ tại khu vực này như là một vùng tranh chấp – nói trắng ra là “sập bẫy” TQ.
Ngay khi vấn đề khai thúc chung được thông tin, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động chính trị cả PLP và quốc tế đã cảnh báo về những hậu quả khó lường rằng nếu kế hoạch đó xảy ra, “sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”.
Với các nước trong khu vực, “…cái gật đầu của Manila khiến Bắc Kinh càng tự tin hơn trong hành vi quấy rối, cưỡng ép và ngăn cản các bên khác tiến hành hoạt động dầu khí hợp pháp và lâu dài ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý, để từ đó phải chấp nhận đàm phán song phương và khai thác chung” – như nhận định của cây bút chuyên về các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran, đăng trên tờ The Diplomat.
Như vậy, xét cả bình diện quốc nội và quốc tế, trong trường hợp này, sự thỏa hiệp của ông Duterte đều đáng trách.
“ Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” là thành ngữ tiếng Việt có tần suất sử dụng cao. Hàm ý của nó, nôm na: chỉ một phút thiếu chín chắn, dại dột mà làm tiêu tan công lao chắt chiu, tích luỹ nhiều năm; chỉ một sai sót nhỏ mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề.
Ứng với quyết định dại dột và mạo hiểm của ông Duterte – câu thành ngữ trên có lẽ không sai vậy.