Việc cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ rời khỏi Nhà Trắng có thể là dấu hiệu tích cực cho Bắc Kinh, nhưng việc này không làm được gì nhiều để giải quyết những tranh chấp giữa Washington-Bắc Kinh.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters
Việc cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ rời khỏi Nhà Trắng có thể là dấu hiệu tích cực cho Bắc Kinh, nhưng việc này không làm được gì nhiều để giải quyết những tranh chấp giữa Washington-Bắc Kinh.
Trước đó hôm 10/3, Tổng thống Trump đã thông báo trên Twitter rằng, ông Bolton không còn làm việc tại Nhà Trắng, và Tổng thống “đã bất đồng sâu sắc” với nhiều ý kiến ông Bolton đưa ra. Trong khi đó, ông Bolton, một người luôn đề cao những chính sách cứng rắn nhằm vào Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, lại nói rằng ông tự từ chức.
Kể từ khi tham gia chính phủ Trump hồi đầu năm ngoái, ông Bolton đã kêu gọi Washington tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước đồng minh nhằm đối đầu với Bắc Kinh, bao gồm cả việc bán vũ khí cũng như phái thêm quân đồn trú tới những nước này.
Cũng dưới thời ông Bolton, Hội đồng An ninh Quốc gia cũng đã giữ vai trò quan trọng trong chiến dịch thuyết phục các nước đồng minh của Washington ngừng sử dụng những thiết bị viễn thông từ Tập đoàn công nghệ Huawei, với lý do những thiết bị này có thể là mối nguy hại tới an ninh quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 11/9 cho biết, bà sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận gì về việc ông Bolton rời Nhà Trắng, nhưng hy vọng rằng người kế nhiệm ông ấy sẽ “đóng vai trò mang tính xây dựng” trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
“Chúng tôi hy vọng dù bất kỳ ai sẽ nắm vai trò làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tiếp theo cũng sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp và phát triển ổn định giữa Mỹ-Trung”, bà Oánh nói.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ thuộc Đại học Phục Đán, ông Wu Xinbo cho rằng, Trung Quốc luôn coi ông Bolton như một người theo đường lối cứng rắn nhất trong chính quyền Trump, nhưng việc ông này từ chức sẽ không giúp đảo ngược việc quan hệ Trung Quốc-Mỹ đang xấu đi.
“Sự liên lạc giữa cố vấn an ninh của hai nước là một kênh liên lạc vô cùng quan trọng, nhưng kênh liên lạc này đã bị cắt đứt khi ông Bolton từ chức. Ông Bolton không thích Trung Quốc, nhưng vẫn buộc phải làm việc với nước này. Ông ấy là người theo chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí chí còn hơn cả Ngoại trưởng Pompeo”, tờ SCMP trích dẫn lời ông Wu nhận định.
Chuyên gia nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, ông Huang Jing cho rằng việc ông Bolton từ chức sẽ không có tác động nhiều tới cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc, hay sự căng thẳng đang ngày càng sâu sắc giữa hai cường quốc về các lĩnh vực thương mại, công nghệ và địa chính trị.
“Việc sa thải ông Bolton sẽ không phải là tin tốt với Tổng thống, khi ông Trump đang trong giai đoạn cần bảo toàn lực lượng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, việc từ chức của ông Bolton sẽ chỉ ảnh hưởng một chút hoặc không đáng kể tới các quyết định về chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ”, ông Huang nói.
Ông Huang cũng cho rằng, một số người khác theo đường lối cứng rắn như Ngoại trưởng Pompeo hay Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có thể được trao nhiều quyền hơn nữa để đối đầu với Bắc Kinh.
“Bắc Kinh sẽ không vui bởi chính sách tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Trump được lưỡng đảng ủng hộ và chính sách này sẽ không sớm thay đổi”, ông Huang nói thêm.
Chuyên gia về các vấn đề quốc tế Pang Zhongying lại cho rằng, ưu tiên của Tổng thống Trump là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, và ông Trump cần thực hiện một số bước tiến về các chính sách đối ngoại quan trọng mà ông đã từng hứa kể từ khi nhậm chức.
“Việc ông Bolton bị sa thải được coi như một cách đổ lỗi cho sự trì trệ của các vấn đề như Triều Tiên, Iran và Afghanistan. Bất chấp việc ông Bolton bị sa thải, vẫn còn khá nhiều quan chức Mỹ có chung đường lối cứng rắn, và quan điểm cứng rắn sẽ vẫn đóng vai trò lớn trong Nhà Trắng, và tôi không thấy bất kỳ khả năng nào mà Mỹ sẽ thay đổi những chính sách của nước này với Trung Quốc, nhất là khi thời điểm bầu cử tổng thống đang tới gần”, tờ SCMP trích dẫn lời ông Pang nhận xét.