Những sự kiện diễn ra trong tuần qua liên quan tới Trung Quốc và Nga thêm minh chứng cho thấy hai quốc gia láng giềng có một mối quan hệ phức tạp, là “đồng chí” trên một số nhận thức và hành động nhưng lại tồn tại những xung đột lợi ích, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ.
Mối quan hệ Trung-Nga tồn tại nhiều điểm đen khiến họ không thể trở thành đồng minh tin cậy đúng nghĩa khi hai nước đều có tham vọng lớn vì thế khó tránh khỏi sự nghi kỵ lẫn nhau, bên cạnh những xung đột lợi ích cốt lõi về lãnh thổ trong quá khứ và hiện tại càng khiến niềm tin giữa họ bị xói mòn.
Mặc dù vậy, Trung-Nga vẫn tìm thấy nhau khi họ có cùng nhìn nhận và bảo vệ những quan điểm ngược lại với các nước dân chủ từ Đông sang Tây. Nhìn chung, họ thường bị cáo buộc ủng hộ những chế độ xã hội hoặc các lực lượng mà phương Tây cho rằng là phản dân chủ và chà đạp nhân quyền.
‘Đồng lòng’ chống lại khát vọng tự do
HKFP đưa tin, vào chiều thứ Bảy (14/9), các nhóm ủng hộ Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc đã được bật đèn xanh để tấn công người biểu tình Hồng Kông và phá các bức tường Lennon có dán thông điệp ôn hòa ủng hộ dân chủ tại các khu phố địa phương. Đến 3h chiều, theo Stand News, cảnh sát được phái đến để lập lại trật tự nhưng họ chỉ bắt những người biểu tình đeo khẩu trang đen, còn những người vẫy cờ Trung Quốc thì được bỏ qua.
Trước đó, theo SCMP, vào chiều tối thứ Sáu, người dân Hồng Kông đã thực hiện một hình thức biểu tình mới, đúng theo triết lý “be water” (hãy như nước) mà họ đã vận dụng suốt nhiều tuần qua khiến giới chức đặc khu lúng túng. Hàng ngàn người biểu tình đã leo lên các điểm cao, xếp thành một chuỗi người dài, sử dụng đèn pin và bút laser để tạo ra một cảnh tượng đẹp mắt nhưng là một thông điệp yêu cầu tự do gửi tới chính quyền đặc khu và Bắc Kinh.
Người Hồng Kông cùng nhau hát vang “quốc ca Hương Cảng” tại một trung tâm mua sắm thuộc quận Sha Tin hôm Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2019. (Ảnh: AP / Vincent Yu)
Vào thứ Hai, Hoàng Chi Phong, một biểu tượng cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của người Hồng Kông đã tới Đức để tìm kiếm sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình ở quê nhà của anh. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện một phản ứng gay gắt trước việc này, họ đã triệu tập đại sứ Đức để phản đối và đe dọa rằng việc Hoàng Chi Phong được nước Đức đón tiếp sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong một cuộc họp báo ngắn hôm thứ Hai tại London, đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh đã không ngần ngại nói rằng nhiều quan chức Anh vẫn thể hiện một “não trạng thực dân” khi đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm để thể hiện sự ủng hộ” đối với những “người biểu tình và những kẻ bạo loạn” ở Hồng Kông.
Trong tháng 7 và tháng 8 ở Nga đã nổ ra hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu bầu cử công bằng sau khi hàng ngàn người dân cho rằng Ủy ban bầu cử đã cố tình gạch tên những ứng viên phản đối chính phủ Putin. Để giải tán đám đông, hàng ngàn người biểu tình đã bị bắt giữ, rất nhiều người trong số đó bị đánh đập, thậm chí cảnh sát còn đánh cả những người biểu tình giới tính nữ.
Mặc dù đã dùng “trăm phương ngàn kế” để hạn chế ứng viên của phe đối lập, cuối cùng đảng của thủ tướng Putin vẫn thất bại trong cuộc bầu cử địa phương. Theo BBC, cho dù đã “cải trang” thành ứng viên độc lập, người của ông Putin thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất chỉ giành được 25 ghế trong hội đồng thành phố Moscow, giảm từ 40 ghế ở kỳ trước.
Reuters đưa tin, hôm thứ Năm, 4 ngày sau khi đảng Nước Nga Thống Nhất thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, những thành viên của phe đối lập ủng hộ nhà hoạt động Alexei Navalny đã bị quấy nhiễu. Văn phòng làm việc của họ bị lục soát với lý do họ là đối tượng trong một cuộc điều tra hoạt động rửa tiền mà tổ chức Anti-Corruption Foundation, quỹ Chống tham nhũng do ông Navalny sáng lập, bị nghi ngờ dính líu.
Ông Alexei Navalny trong cuộc biểu tình tại trung tâm Moscow. (Ảnh: Getty Images/AFP/K.Kudryavtsev)
Ông Leonid Volkov, một người thân cận với ông Navalny, đã công bố một danh sách các thị trấn và thành phố nơi những người phản đối chính phủ Putin bị quấy nhiễu. “Chính phủ có 2 nhiệm vụ: gây hoảng sợ và tham nhũng”, ông Volkov bình luận, “rõ ràng mục đích của hoạt động này là phá hủy trụ sở của chúng tôi”.
“Putin cực kỳ tức giận và [ông ta] đang giậm chân [tức tối]”, ông Navalny nói về phản ứng của Tổng thống Nga đối với kết quả bầu cử trong một video công bố trên internet hôm thứ Năm.
Mối liên kết không bền vững
Nhìn vào các chuyến thăm qua lại cũng như những phát biểu của lãnh đạo Trung-Nga thì dường như quan hệ giữa hai nước này đang ngày càng chặt chẽ, nhưng có vẻ như đó chỉ là những biểu hiện trên bề mặt.
Vào tháng Ba, một tòa án của Nga đã quyết định tạm dừng việc xây dựng nhà máy nước đóng chai vốn đầu tư Trung Quốc trên bờ hồ Baikal với lý do dự án này gây hại cho môi trường, quyết định của tòa cũng bị ảnh hưởng lớn từ các cuộc biểu tình phản đối dự án của Trung Quốc. Nhưng đây chỉ là một trong những lý do, theo Robert Kaplan, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Eurasia Group, trong lòng người Nga lo sợ Trung Quốc thông qua các dự án đầu tư sẽ giành lấy ảnh hưởng về nhân khẩu học và sự kiểm soát kinh tế theo thời gian ở quê hương của họ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, trong khoảng một thập niên qua, các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Nga đã tăng gấp gần 9 lần, đạt 13,8 tỷ USD vào năm 2017. Theo thống kê, 2/3 số tiền đó rót vào các dự án đầu tư liên quan tới việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Trong một bài phân tích vào tháng 8, tờ báo Nhật Nikkei cho hay, Nga đang hưởng ứng tích cực dự án Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Bắc Kinh bằng việc cho nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng nhiều tuyến đường ở nước họ. Tuy nhiên Nikkei đánh giá rằng người Nga đã bắt đầu cảm thấy “nhột” khi nhận ra rằng họ là một ‘đối tác dưới cơ’ với Trung Quốc, do sự yếu thế về nhiều mặt trước gã hàng xóm châu Á ‘to lớn’.
Một người Nga cầm tấm biển ghi dòng chữ phản đối Trung Quốc, tạm dịch, “không cho Trung Quốc mở rộng [hoạt động]”. (Ảnh: Reuters)
Tương quan trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, dân số, quân sự và chính trị, khoảng cách giữa Trung-Nga ngày càng lớn. Ví dụ, tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ bằng 12% của Trung Quốc trong năm 2018, và theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng một phần tư của Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc đang thiếu tài nguyên và thèm muốn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm lâm nghiệp của Nga. Bắc Kinh cũng đã và đang gửi một lượng lớn công nhân Trung Quốc tới “công tác” ở Nga. Điều này khiến người Nga không thể không lo lắng và đề phòng sự “xâm lấn hợp pháp” của Trung Quốc.
National Interest hôm thứ Sáu đăng tài một bài viết nói rằng Nga đang tỏ ra tức giận vì Trung Quốc ăn cắp và sao chép toàn bộ thiết kế máy bay phản lực của họ. Tờ báo này dẫn nguồn từ Sputnik cho biết, tiêm kích J-15 của Trung Quốc là bản sao không có giấy phép của máy bay phản lực vận tải Su-33 của Nga. Trung Quốc đã mua một chiếc T-10K-3, nguyên mẫu của Su-33, từ Ukraine và sau đó chế tạo phỏng theo.
Rất khó để tin rằng một mối quan hệ bền vững lại được xây dựng dựa trên sự nghi kỵ. Trung-Nga đang ở trong một mối quan hệ như thế, chính quyền hai quốc gia láng giềng mặc dù thuận nhau trong các hành động bị đánh giá là “bất hảo” như đàn áp tự do, nhân quyền, nhưng giữa họ lại có quá nhiều sự ngờ vực, nên nếu trong tương lai hai quốc gia này bài trừ nhau thì đó cũng không phải điều gì ngạc nhiên.